Việt Nam Thời Báo

Từ “kế hoạch hóa” đến “bất kể kế hoạch”

Nền kinh tế kế hoạch hóa thất bại vì không một cơ quan nào, không một bộ máy nào, kể cả khi dùng máy tính hiện đại, có thể tính toán hết nhu cầu mọi mặt của người dân rồi tổ chức cho từng xí nghiệp sản xuất để đáp ứng nhu cầu đó, chưa kể phải tính toán lên kế hoạch cho việc mua nguyên liệu đầu vào và lo phân phối đầu ra. Trong khi đó, chỉ cần để quy luật cung cầu tác động, thị trường dù lên tới hàng chục triệu dân sẽ giải quyết ổn thỏa, đâu ra đó toàn bộ nhu cầu này, từ bao nhiêu con heo đến bao nhiêu cân đường hay ký sắn.
 

Nhà máy thép hơn 1700 tỉ đồng bị bỏ hoang 5 năm nay. Nguồn: Người lao động

Thế nhưng điều đó không có nghĩa nền kinh tế thị trường không cần kế hoạch – ngược lại là đằng khác, mọi dự án, mọi công trình lớn nhỏ đều cần các kế hoạch cụ thể, chi ly – điều mà dường như giới quản lý bộ máy nhà nước, nhất là ở địa phương đang quên hay cố tình quên mất.

Cứ đọc thử qua các tít báo sẽ thấy dường như người ta triển khai một công trình chỉ nhằm để tiêu tiền chứ kế hoạch khai thác, sử dụng sau đó không ai để ý. Nào là tượng đài Đinh Tiên Hoàng hơn 1.500 tỉ đồng bị bỏ hoang ở Ninh Bình, nào là Nhà hát huyện Đan Phượng 117 tỉ đồng xây dang dở rồi để đó vì thiếu vốn, nào là con đường rộng 10 làn xe, trị giá 240 tỉ không mấy ai sử dụng ở huyện nghèo Lộc Hà… Đọc những tin như ký túc xá xây mất 220 tỉ đồng tại Đà Lạt chỉ có 1 sinh viên vào ở hay nhà máy thép hơn 1.700 tỉ đồng ở Hà Tĩnh bị bỏ hoang, hư hỏng… không thể không xót xa cho đồng tiền bỏ ra. Không lẽ khi phê duyệt cấp tiền cho các dự án hay công trình này, người ta không xét duyệt kế hoạch cụ thể sử dụng chúng sau này.

Dù sao những ví dụ minh họa ở trên là quá rõ vì báo chí đã nói đến nhiều. Điều quan trọng hơn là rất nhiều dự án, công trình hiện nay chưa rơi hẳn vào tình trạng bỏ phế 100% mà chỉ mang nợ khó trả hay không đem lại dòng tiền như mong muốn – suy cho cùng cũng do không có kế hoạch hay làm kế hoạch qua loa cho có để đối phó chứ không làm kế hoạch theo đúng ý nghĩa của từ này trong một nền kinh tế thị trường.

Nếu đã có kế hoạch chính xác thì hẳn đã không có chuyện 14 bệnh viện ở Daklak hết tiền trả lương cho nhân viên do… dân ít ốm! Nếu có khảo sát, thăm dò và lên kế hoạch chặt chẽ ắt sẽ không có chuyện khu đô thị dự tính dành cho cấp thứ trưởng hay tương đương lại không có người ở.

Ngay cả một tiệm ăn bình thường cũng phải lên kế hoạch hôm nay dự tính tiếp bao nhiêu khách để mua sắm đủ thực phẩm phục vụ khách chứ làm gì có chuyện giữa ngày đóng cửa tiệm vì hết thức ăn.

Chính vì vậy nghe lãnh đạo sở kế hoạch và đầu tư một tỉnh ở miền Trung nói về lộ trình trả nợ đọng trong xây dựng cơ bản, trong đó chủ yếu là nợ từ một công trình xây cầu trọng điểm của tỉnh, không thể không băn khoăn về chữ “kế hoạch” trong tên của cơ quan này. Nếu đúng kế hoạch, ngay trước khi khởi công xây dựng một công trình lớn như cây cầu trọng điểm này, mọi chi tiết về nợ nần, lãi suất và ngày trả đã phải được làm rõ. Bằng không, đó không còn là một cơ quan lên kế hoạch cho tỉnh nữa rồi.

Theo TBKTSG

Tin bài liên quan:

VNTB – Chiến tranh và di tản: Việt Nam! Việt Nam!

Phan Thanh Hung

VNTB – “Đĩ vẫn còn trinh”

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tại sao Đảng che giấu nguyên nhân cơ bản của tham nhũng

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.