Ngày 3.3.2014 Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam thực sự ra đời bằng bản Tuyên bố VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM: |
Văn chương Việt Nam yếu kém có nguyên nhân chủ quan trước tiên thuộc chính người cầm bút là sự thờ ơ đối với trách nhiệm xã hội, vô cảm trước thời cuộc, quan trọng hơn nữa là thiếu độc lập tư duy, từ đó mà tự hạn chế năng lực sáng tạo.
Về mặt khách quan, một xã hội như chúng ta đang có, trong đó các quyền tự do cơ bản của con người thực tế bị vi phạm nặng nề, đương nhiên đè nặng lên tâm lý sáng tạo của người cầm bút, làm mờ nhạt và tắt lụi các tài năng. Quyền tự do sáng tác và tự do công bố tác phẩm đang là đòi hỏi sống còn của từng nhà văn và của cả nền văn học. Không có những quyền tự do tối thiểu đó thì không thể có một nền văn học đàng hoàng.
Một thể chế tổ chức đời sống văn học nặng tính quan liêu và bao cấp càng làm nặng nề thêm tình hình, đồng thời lại không tạo được mối liên kết lành mạnh giữa những người viết để nâng đỡ và thúc đẩy nhau trong công việc, hỗ trợ nhau trong khó khăn.
Trước tình cảnh kéo dài và nay đã trở nên cấp bách đó, chúng tôi, những người cầm bút ký tên dưới đây, quyết định vận động thành lập một tổ chức độc lập của các nhà văn viết bằng tiếng Việt ở trong nước và ngoài nước, lấy tên là Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam, với mong muốn góp phần tích cực xây dựng và phát triển một nền văn học Việt Nam đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới, có thể đóng vai trò tiền phong đúng như nó phải có trong sự nghiệp phục hưng văn hóa, phục hưng dân tộc mà lịch sử đang đòi hỏi.”
Một sự kiện của đời sống văn hóa đất nước, một dấu mốc của lịch sử văn học nước nhà nhưng cả hệ thống truyền thông chính thống hùng hậu của nhà nước cộng sản Việt Nam hoàn toàn im lặng, không một mẩu tin ghi nhận, như họ đã từng im lặng trước những cuộc biểu tình của tâm hồn và khí phách Việt Nam biểu lộ ý chí quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, lên án những hành động xâm lăng liên tiếp của Trung Cộng.
Truyền thông nhà nước Việt Nam tảng lờ nhưng dư luận quốc tế lại hào hứng đón chào sự ra đời của Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam vì đó là bước đi tất yếu của một xã hội dân sự lành mạnh. Các hãng truyền thông lớn của thế giới dân chủ, văn minh đều có tin, bài ghi nhận sự có mặt của Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam. Cả những cơ quan ngoại giao của những nước có nền dân chủ và xã hội dân sự phát triển cũng dành cho Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam sự quan tâm đặc biệt. Sự quan tâm đó đã được ghi nhận trong bài viết dưới đây.
Cuộc gặp bên ly nước tinh khiết
Sáng thứ sáu, 7.3.2014, tôi nhận được cuộc điện thoại: Cháu là Vũ ở Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ. Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ muốn được gặp bác vào thứ ba tuần sau, mười một tháng ba, được không bác? Hỏi lại, tôi được biết Tổng lãnh sự quán Hoa Kì muốn gặp tôi để hỏi về Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam vừa thành lập. Tôi đề nghị Vũ gặp người khác vì ngày 11 tháng ba tôi mắc đi dự lễ 49 ngày anh Lê Hiếu Đằng. Vũ nói rằng không biết vì sao Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ lại chỉ muốn gặp tôi. Một dịp tốt xác nhận và thông tin rộng rãi sự có mặt của Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam không nên bỏ qua, nghĩ vậy, tôi nhận lời gặp và thống nhất với Vũ thời gian và nơi gặp.
Thực tế cho tôi biết rằng điện thoại của tôi được cơ quan an ninh chăm sóc kĩ càng, giám sát chặt chẽ 24/24. Chắc chắn an ninh đã biết cuộc hẹn của chúng tôi. Đến ngày hẹn, tôi phải thay đổi thời gian và không gian di chuyển và tôi đã đến điểm hẹn trót lọt, không gặp một trở ngại.
Người của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ gặp tôi là Nicholas J.C. Snyder, Trưởng Phòng chính trị, Political Section Chief. Ba người. Tôi. Nick Snyder. Phạm Anh Vũ, chuyên viên kinh tế chính trị, Political Economic Specialist, của Tổng Lãnh sự quán đồng thời là người phiên dịch của cuộc gặp. Buổi chiều Sài Gòn nắng nóng gay gắt. Bên li nước tinh khiết trong một bar mát lạnh lịch lãm trên đường Lê Duẩn, quận Một, Nick hỏi thăm tôi về quê quán, quá trình trong quân ngũ của tôi.
Đáp ứng sự quan tâm của Nick, tôi nói qua về mình. Sinh ra và để lại tuổi học trò ở thành phố Hải Phòng. Tốt nghiệp trung học, tôi nhập ngũ đi vào cuộc chiến tranh Nam Bắc. Thực tế khốc liệt của cuộc chiến làm tôi rất xúc động. Cầm bút viết về sự xúc động đó, tôi trở thành nhà báo, nhà văn quân đội. Sau chiến tranh, tôi được quân đội cho đi học trường Viết Văn Nguyễn Du. Học xong tôi về làm biên kịch ở xưởng phim tài liệu quân đội rồi rời quân ngũ chuyển ra làm báo dân sự cho đến hết tuổi lao động.
Nick nói rằng anh cũng đã làm báo nhưng chỉ làm thời gian ngắn rồi chuyển sang làm ngoại giao. Anh rất quan tâm đến Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam vừa ra đời và hỏi tôi vì sao cần có Văn Đoàn độc lập. Những nhà văn tham gia Văn Đoàn có phải là hội viên hội Nhà Văn Việt Nam không? Thành viên Văn Đoàn có cả người ở trong nước, người ở ngoài nước, người miền Nam, người miền Bắc, vậy ở đâu nhiều hơn? Những người tham gia Văn Đoàn có còn tham gia đảng Cộng sản không?
Tôi nói: Có hai điều làm cho chúng tôi thấy cần có tổ chức của các nhà văn độc lập là.
Một. Các hội đoàn nghề nghiệp là đòi hỏi của đời sống xã hội dân sự, do xã hội dân sự tạo ra để nói tiếng nói của nghề nghiệp và bảo vệ người làm nghề. Nhưng trong nhà nước độc tài đảng trị, tất cả các hội đoàn nghề nghiệp đều do nhà nước độc đảng dựng lên. Nhà nước độc đảng lấy ngân sách nhà nước, tức là lấy tiền thuế của người dân nghèo nuôi những hội đoàn nghề nghiệp để những hội đoàn nghề nghiệp đó nói tiếng nói của đảng độc quyền chứ không nói tiếng nói trung thực của người làm nghề, không nói tiếng nói chân thực của cuộc sống. Đây là điều rất không bình thường, trái tự nhiên. Và chính các hội đoàn nghề nghiệp con đẻ của nhà nước độc đảng đã có vai trò rất quyết định trong việc thủ tiêu xã hội dân sự lành mạnh. Các hội đoàn nghề nghiệp độc lập ra đời là để đánh thức xã hội dân sự sống lại và các nhà văn phải đi đầu trong việc này.
Hai. Nền văn học của đất nước là tấm gương soi vào đời sống tâm hồn của dân tộc. Nhưng một nền văn học minh họa, nền văn học do những nhà văn viết theo ý đảng độc quyền tạo ra thì không thể là tấm gương đó. Các nhà văn mang nỗi đau về sự đánh mất mình, muốn trở về đúng vị trí của mình đòi hỏi phải có tổ chức nhà văn thực sự của mình.
Về những vấn đề Nick Snyder đặt ra, tôi thưa: Các nhà văn thành viên Văn Đoàn Độc Lập phần lớn là hội viên hội Nhà Văn Việt Nam nhưng không còn tha thiết, không thể hài lòng với những hoạt động của hội, không thể tham gia vào những hoạt động đó nữa. Tuy có nhà văn người Việt ở nước ngoài tham gia Văn Đoàn nhưng Văn Đoàn Độc Lập phần lớn vẫn là các nhà văn sống ở trong nước. Các nhà văn sống ở hai trung tâm văn hóa là Hà Nội và Sài Gòn tham gia Văn Đoàn đông nhất và số lượng gần ngang nhau. Với các nhà văn đảng viên Cộng sản tham gia Văn Đoàn có người đã từ bỏ đảng từ trước, có người vẫn là đảng viên cộng sản. Văn Đoàn chỉ là chuyện nghề nghiệp. Chính trị lại là chuyện khác.
Nick nhìn tôi, hỏi và Vũ chuyển ngữ: Tài chính hoạt động lấy từ đâu? Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ có nơi dành cho các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật. Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam có thể tổ chức các hoạt động ở đó.
Có một không gian văn hóa riêng biệt để các thành viên Văn Đoàn Độc Lập đến với nhau chuyện văn, chuyện đời thì thật tuyệt. Nhưng tôi nghĩ tới những nhân viên an ninh chìm nổi nhan nhản khắp nơi, ánh mắt soi mói, nghi ngại của họ nhìn theo bóng các nhà văn Văn Đoàn Độc Lập thường xuyên lui tới Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ sẽ tạo ra nỗi lo ngại cho họ và tạo không khí căng thẳng không đáng có giữa cơ quan an ninh của nhà nước cộng sản Việt Nam với Văn Đoàn. Tôi nhìn vào đôi mắt nâu, vầng trán hói sớm của Nick và nói: Cảm ơn thiện chí của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ và cá nhân Nick dành cho Văn Đoàn chúng tôi. Nhưng trong tình thế khó khăn hiện nay của chúng tôi, công nghệ thông tin đã cho chúng tôi nơi gặp gỡ nhau, trao đổi với nhau thật tuyệt vời là ở trên mạng internet. Vì thế chúng tôi chưa cần đến những cơ sở vật chất và chưa cần đến tiền. Khi có những hoạt động cần phải có tiền thì chúng tôi sẽ huy động thành viên đóng góp hoặc vận động tài trợ ở trong nước.
Nhận ra nụ cười thoáng hiện trên khóe miệng, thoáng hiện cả trên gương mặt Nick rồi tôi nghe Vũ chuyển ngữ nụ cười đó: Nick bảo rằng bác đã cầm súng ra mặt trận đánh Mỹ vậy bây giờ bác còn mang sự căm thù người Mỹ đến đây không? Ồi, Nick là thế hệ con cháu của những người lính Mỹ thời chiến tranh Việt Nam mà cũng có mặc cảm về sự thù hận của cuộc chiến tranh mấy chục năm trước sao? Tôi nắm tay Nick, nói: Thời tôi còn làm việc ở hãng Phim Tài liệu quân đội tôi đã được xem bộ phim tài liệu của hai đạo diễn Đông Đức là Soi man và Hay nốp ski. Bộ phim có tên là Vé Vào Cửa Không Mất Tiền kể về những người vào xem bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam không mất tiền mua vé, kể về nội dung trưng bày trong bảo tàng để bộ phim đi đến suy luận: Nếu những người đứng đầu nước Mỹ cũng đến xem bảo tàng không mất tiền mua vé này thì họ đã không tiến hành cuộc chiến tranh tốn quá nhiều tiền bạc và xương máu của người dân Mỹ.
Đó là điều Soi man và Hay nốp ski nói. Còn riêng tôi thì nghĩ rằng Hoa Kỳ tiến hành cuộc chiến tranh Việt Nam là một sai lầm lịch sử của Hoa Kỳ và phần nào cũng là sai lầm của Việt Nam. Chúng ta không thể chìm mãi trong sai lầm đáng tiếc đó. Ngày nay, những người Việt Nam như tôi đều coi Hoa Kỳ là đất nước của tự do, dân chủ, là chỗ dựa đáng tin cậy của những phong trào đấu tranh đòi dân chủ, đòi quyền con người.
Về điều Nick quan tâm: Cá nhân những người tham gia Văn Đoàn có khó khăn gì, có gì lo sợ không, có cần được trợ giúp không, tôi nói: Với hành lang pháp luật Việt Nam, Hiến pháp cho người dân có đủ các quyền con người, quyền công dân nhưng các bộ Luật lại vô hiệu, bác bỏ hầu hết các quyền đó thì Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam chưa thể chính thức ra đời và nhà nước cộng sản Việt Nam cũng không hề muốn có một xã hội dân sự, không hề muốn có những hội đoàn độc lập, đương nhiên Văn Đoàn Độc Lập sẽ gặp nhiều khó khăn và các thành viên sẽ gặp những rắc rối không thể lường trước. Nhưng nếu sợ, chúng tôi đã không dám ghi tên, chường mặt trong Văn Đoàn. Ngay sau phiên tòa xử nhà báo độc lập Trương Duy Nhất hai năm tù giam, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ liền ra tuyên bố đòi trả tự do cho nhà báo Trương Duy Nhất là sự ủng hộ rất quí giá với cuộc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền của người dân Việt Nam. Chúng tôi rất cần và rất biết ơn sự trợ giúp đó.
Nick nói rằng cơ quan ngoại giao và quan chức chính quyền Hoa Kỳ vẫn thường xuyên làm việc với nhà nước Việt Nam về dân chủ và nhân quyền Việt Nam. Tôi lưu ý rằng trong những cuộc làm việc đó nhà nước Việt Nam luôn tô vẽ lên một xã hội Việt Nam vô cùng tốt đẹp về dân chủ, nhân quyền nhưng thực tế thì ngược lại. Cứ nhìn vào những vụ án Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, vụ án Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, vụ án Luật sư Lê Quốc Quân, vụ án Nhà báo Trương Duy Nhất, vân vân, thì sẽ thấy tiếng nói dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam phải trả giá đắt như thế nào.
Tôi nhờ Phạm Anh Vũ chụp cho tôi và Nick tấm ảnh ghi nhớ cuộc gặp và hỏi Nick tôi có thể đưa tin và ảnh về cuộc gặp này lên facebook được không. Nick bảo để Nick xin ý kiến Tổng Lãnh sự quán và sẽ trả lời tôi bằng email.
Trước khi chia tay tôi hỏi Nick làm việc ở Việt Nam lâu chưa, có đưa vợ sang Việt Nam không. Nick nói vợ cũng làm việc ở Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ. Hai vợ chồng Nick đã ở Sài Gòn hai năm. Trước khi đến Sài Gòn, Nick làm việc ở Bắc Kinh. Nhiệm kì của Nick ở đây chỉ còn sáu tháng nữa, sau đó Nick sẽ sang làm việc ở Singapore.
Tối hôm đó, tôi gửi email cho Nick cảm ơn cuộc gặp:
Kính gửi Anh Nicholas J.C. Snyder
Cảm ơn sự quan tâm của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ và cá nhân Anh Nicholas J.C. Snyder dành cho Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam. Sự quan tâm này là niềm khích lệ và là sức mạnh tinh thần to lớn đối với Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam và Nhân Dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành những giá trị dân chủ và giá trị làm Người.
Trân Trọng
Phạm Đình Trọng. Nhà văn
Hôm sau tôi nhận được email của Nick:
Rất vui được gặp anh và cảm ơn anh đã dành thời gian giải thích về tổ chức mới của anh. Những người viết văn luôn đi đầu trong bất kì xã hội nào. Sự dũng cảm của các anh một ngày nào đó sẽ trở thành một phần của lịch sử Việt Nam.
Tôi mong chờ chúng ta sẽ duy trì quan hệ với nhau và thấy tổ chức của anh phát triển.
Anh có thể không hạn chế đưa ảnh của tôi lên facebook.
Hi vọng sẽ gặp lại anh ngày gần đây)
(Theo blog Phạm Đình Trọng)