Nguyễn Phúc
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB
Báo cáo của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), cho hay, “Hầu hết di tích chúng tôi đến đều có hiện vật lạ”, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, nói.
Những hiện vật này, theo ông Phúc, khá đa dạng: “Chúng gồm đèn đá, linh vật đá, các bình lọ cỡ lớn, hoành phi câu đối mới… Có di tích người dân cung tiến thêm tới 16 cái lọ độc bình. Tất nhiên, chúng đều không được xin phép khi đưa vào. Có nghĩa đưa vào là vi phạm luật Di sản”.
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ VN, đưa ý kiến: “Đúng là đưa bừa đồ lạ vào di tích thì nhiều lắm. Có cái ảnh hưởng nhè nhẹ như bộ tam sự, đèn nến. Có cái thì nguy hiểm như tượng Quan Âm bạch y, tượng sư tử… Những thứ này đưa vào bừa bãi làm chật chội, sai lạc hết cả phật điện, tín ngưỡng ngàn đời của dân tộc”.
Linh vật lạ ngoại lai xâm lấn đền chùa |
Lạ cho món hàng quen
“Vật lạ” ở đây (tương tự như “tàu lạ” vẫn hay dùng!) là một tên gọi khác mà chính quyền dùng để định danh cho những mặt hàng tín ngưỡng dân gian quen thuộc đến từ Trung Quốc.
Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc từng là những nước đồng văn. Hàng nghìn năm qua, các quốc gia này có mối quan hệ phức tạp, có tương tác, giao lưu, ảnh hưởng tích cực; có xâm lấn, cai trị, lệ thuộc, tác động tiêu cực…
Tuy nhiên chuyện “vật lạ” vào đình, chùa, miếu – thậm chí cả công sở, nhà ở… đến mức mà các quan chức VH-TT-DL phải lên tiếng báo động (và cũng chỉ dừng lại ở mô tả “vật lạ” mà thôi!) vì sao chỉ có tại Việt Nam? – đúng hơn là ở miền Bắc trước 1975 và lan rộng cả nước từ sau 1975.
Sau chuyến đi trải nghiệm văn hoá Hàn Quốc về, trong khi tình hình biển Đông, quan hệ Việt – Trung có những diễn biến phức tạp, nhà nghiên cứu văn hoá Trần Quang Đức, đã chia sẻ với người viết: “Điều chắc chắn mà tôi có thể trao đổi là trong quá khứ, các triều đại phong kiến ở bán đảo Triều Tiên, Việt Nam, Nhật Bản đều từng yêu chuộng văn hoá cung đình Trung Hoa, đặc biệt là các triều đại Đường – Tống – Minh”.
“Không chỉ có thành Seoul (Hán Thành), kinh đô Nara (Nại Lương) của Nhật Bản cũng có nguyên mẫu là thành Tây An thời Đường. Ở ta, thành Thăng Long thời Lý cũng được xây dựng phỏng theo mô hình kinh đô Lạc Dương, Khai Phong thời Tống; hoàng thành Huế được mô phỏng theo mô hình Tử Cấm Thành thời Minh”.
“Đối với những quốc gia chịu ảnh hưởng bởi văn hoá Hán thì phong thuỷ, kinh Dịch hiển nhiên là những lý niệm không thể thiếu khi xây dựng cung điện, nhất là khu hoạch kinh đô. Người Hàn còn đưa Thái cực đồ vào quốc kỳ, thể hiện quan niệm cổ của người phương Đông về trời đất, vạn vật”.
“Tuy nhiên, thời đại ngày nay, những giá trị mà văn hoá phương Tây đem lại có sức hút rất lớn đối với các quốc gia châu Á, nhất là những nước vốn có truyền thống bảo thủ”.
“Chúng ta thấy một Nhật Bản đã thành công trong việc học tập, xây dựng nhà nước theo mô hình phương Tây. Hàn Quốc cũng đã và đang trở thành một trong những cường quốc châu Á. Vấn đề Âu hoá theo tôi là định mệnh không chỉ đối với Hàn Quốc”.
Thói quen nô dịch thể chế?
Như vậy ở đây lỗi của “vật lạ” đối với văn hóa – tín ngưỡng của Việt Nam được hiểu ra sao?
“Do quốc thổ gắn liền với Trung Quốc, có sự giao lưu văn hoá với Trung Quốc từ rất sớm, về sau lại từng tự nhận là truyền nhân của văn minh Hoa Hạ, đến khi chủ nghĩa dân tộc hình thành và được đẩy mạnh vào đầu thế kỷ 20, người Hàn đã phản tư, nhìn nhận lại nguồn gốc dân tộc, về nền văn hoá Hàn, nhiều học giả đã chứng minh ngược lại rằng: chữ Hán, Kinh Dịch, tết Đoan Ngọ, Trung Thu v.v.. đều do người Hàn Quốc tạo nên”, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức biện giải.
Viện dẫn câu chuyện “đèn lồng” ở Việt Nam, ông Đức cho rằng càng phản ứng cực đoan, càng thể hiện sự thiếu hiểu biết và nỗi sợ hãi. Thay vì nhập khẩu loại đèn lồng đỏ rẻ tiền từ Trung Quốc, người Hàn và Nhật vẫn làm ra đèn lồng theo kiểu cách của họ.
Người Hàn sử dụng loại giấy dó Hanji để tạo ra những chiếc đèn có kiểu dáng khác nhau, đẹp điển nhã, trang trọng, vượt xa loại đèn lồng đỏ do Trung Quốc sản xuất.
Trong khi ở Việt Nam, chưa nói đến việc sử dụng giấy dó để tạo ra các sản phẩm khác nhau, chỉ riêng việc người Việt xưa có dùng đèn lồng hay không, nhiều nhà nghiên cứu, trí thức cũng không nắm rõ, thậm chí nhiều người còn cao giọng nói đèn lồng chỉ là sản phẩm của văn hoá Tàu.
“Tôi đã tìm hiểu về đèn lồng Việt. Tôi tán đồng quan điểm không nên nhập đèn lồng từ Trung Quốc. Song thay vì phản ứng cực đoan, bài xích một cách vô tri, ta hãy tìm hiểu kỹ càng trước đã. Cần khuyến khích sản xuất, tiêu thụ mặt hàng truyền thống ở trong nước” – ông Đức nói.
Đa phương và…
“Vật lạ” và thoát khỏi sự “kiềm tỏa” của Trung Quốc, có lẽ đó mới là vấn đề mà các quan chức thanh tra Bộ VH-TT-DL cần mạnh dạn đưa ra khi đề cập đến câu chuyện di sản.
“Mỗi một di tích khi được xếp hạng đều có hồ sơ xếp hạng di tích. Hồ sơ đó ghi rõ trong di tích thờ ai, đồ thờ tự xếp như thế nào. Nhưng hiện trạng di tích khi thanh tra tôi thấy vô cùng rối rắm vì có thêm hàng trăm thứ vào đấy. Đó là do một thời gian dài chúng ta buông lỏng”, ông Phúc nói.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục kiểm tra, đứng mũi chịu sào. Nhưng tôi có đi cả 365 ngày cũng không thể kịp tất cả các di tích được”, ông Phúc nói. Những người có liên quan trực tiếp, theo ông Phúc, chính là thủ nhang, thủ đền và cả những người tiến cúng thường là các doanh nghiệp làm ăn lớn, người có chức sắc, quyền lực.
Như vậy, có thể hiểu rằng “vật lạ” là câu chuyện của lực bất tòng tâm với những nhà quản lý, bởi “lạ” còn kèm theo yếu tố “chức sắc”, “quyền lực”.
Nhớ lại, chỉ cách đây vài năm, mỗi lần Trung Quốc quậy phá, hăm doạ, thậm chí cướp bóc tàu bè và tài sản của ngư dân Việt Nam làm ăn trên vùng biển truyền thống của mình, chúng ta cũng chỉ được phép nói, đấy là những “tàu lạ”, đến từ “nước lạ” xử tệ với bà con ta. Nay thì “nhờ” cái thái độ quá đáng, vừa dã man vừa tàn bạo của “ông bạn vàng”, chúng ta đã được phép “gọi sự vật đúng tên”.
Giải quyết “vật lạ” phải căn cơ chứ không chỉ là trò đuổi bắt như lời của phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL. Tương tự “tàu lạ”, căn cơ đó phải xuất phát từ cái đầu của những “bề trên” ở bộ máy công quyền có dứt khoát chấm dứt việc nô dịch Trung Quốc hay không?.
Về đường lối chính trị, Nhật Bản luôn đi một đường riêng, ngay trong quá khứ cũng không có mối quan hệ phiên thuộc đối với Trung Quốc. Còn ở bán đảo Triều Tiên, nửa đầu thế kỷ 20, sau khi thoát khỏi sự đô hộ của đế quốc Nhật, miền Nam theo đường lối tư bản, thân Mỹ, trở thành Đại Hàn Dân Quốc. Với một nền chính trị dân chủ, không chịu sự chi phối từ phía Trung Quốc, hai quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những chính sách tự cường thành công, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Thể chế độc đảng, liệu kỳ vọng gì từ những chuyển động tích cực trong quan hệ đối tác Việt – Mỹ, mà dấu son mới nhất là Hoa Kỳ chấp nhận hỗ trợ vũ khí sát thương để hải quân Việt Nam thêm sức mạnh bảo vệ biên cương, bờ cõi?