Nam Nguyên
(RFA)
Quốc hội Việt Nam sẽ chính thức biểu quyết khai tử dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào ngày 22/11/2016 sắp tới theo Nghị quyết do Chính phủ đệ trình.
Báo chí dòng chính mô tả việc dừng điện hạt nhân Ninh Thuận là quyết định dũng cảm, trong bối cảnh dự án đã tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng cho việc lập dự án tiền khả thi, giải phóng mặt bằng và đưa hàng trăm người đi đào tạo ở nước ngoài.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận |
Nhà nghèo chơi sang
TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển IDS một tổ chức độc lập đã tự giải thể từ Hà Nội nhận định:
Có lẽ họ ở vào một cái thế rất là bí, thực sự là không có tiền mà không tiền thì chẳng có thể làm được cái gì cả. Hết các khả năng mà người ta cho vay rồi.
-TS Nguyễn Quang A
“Có lẽ họ ở vào một cái thế rất là bí, thực sự là không có tiền mà không tiền thì chẳng có thể làm được cái gì cả. Hết các khả năng mà người ta cho vay rồi, tôi nghĩ nếu mà vẫn có ai đó cho vay tiền thì họ vẫn kiên quyết làm, chứ không phải vì họ nghe chúng tôi phản biện hay là phân tích mà họ làm đâu, thuần túy đơn giản nhất là hết tiền…”
Cách đây 7 năm vào tháng 11/2009, Quốc hội Việt Nam thông qua Dự án điện hạt nhân với hai nhà máy tổng công suất 4.000 MW được xây dựng ở Ninh Thuận. Từ đó tới nay giới khoa học đã bày tỏ nhiều quan ngại về vấn đề an toàn hạt nhân, thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine và tai nạn ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật Bản được viện dẫn để cảnh báo. Giới khoa học cũng đề cập tới xu hướng ở nhiều nước tiến tới giảm dần điện hạt nhân. Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận dự trù tổng vốn đầu tư 200.000 tỷ đồng nhưng nay đã tăng lên gấp đôi.
Nhà khoa học môi trường nghĩ gì về việc dự án điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam bị khai tử. Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ nhận định:
“Việc quyết định xin dừng lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cũng phù hợp trong điều kiện hiện nay. Theo tôi có rất nhiều vấn đề, trước tiên hiện nay nhu cầu điện thực sự của Việt Nam trong thời gian ngắn sắp tới không quá cao để phải xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Thứ hai kinh phí xây dựng nó khá lớn so với điều kiện ngân sách Việt Nam hiện nay.
Thứ ba, trình độ quản lý của người Việt Nam chưa hẳn là cao để có thể quản lý những công trình phức tạp như vậy. Thứ tư, hiện nay dư luận rất lo ngại vấn đề môi trường đã diễn biến trong thời gian qua. Người dân rất lo sợ về một sự cố liên quan tới tai nạn hạt nhân, đây là điều rất khủng khiếp. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều lý do khác nhau để dừng dự án điện hạt nhân trong giai đoạn hiện nay.”
Hầu hết báo điện tử dòng chính như VnExpress, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Zing News, Vneconomy cùng đưa nhiều tin bài cho thấy khá nhiều nguyên nhân dẫn tới Nghị quyết của Chính phủ xin dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Một kỳ họp của Quốc hội Việt Nam, ảnh minh họa chụp hôm 20/10/2016. AFP |
Ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, nói với báo chí bên lề phiên họp ngày 10/11/2016 là tính khả thi của dự án đã bị triệt tiêu. Theo đó tổng mức đầu tư leo thang gấp đôi dự kiến ban đầu mà Quốc hội đặt ra là 200.000 tỷ đồng; giá thành điện mà dự án điện hạt nhân sản xuất dự kiến 4,9 xu Mỹ/kilowatt giờ thì nay đã lên tới 8 xu Mỹ. Tính toán về tăng trưởng kinh tế 9-10% một năm với thực tế tăng trưởng 6-7% một năm cho thấy nhu cầu điện cũng tăng thấp hơn nhiều. Nếu thiếu điện Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời.
Ông Lê Hồng Tịnh đặc biệt nhấn mạnh là sau thảm họa môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra, có quan ngại vấn đề chất thải hạt nhân tiềm ẩn những yếu tố mất an toàn. Một yếu tố hệ trọng mà ông Lê Hồng Tịnh chừa lại sau cùng là nợ công đang quá trần, nếu tiếp tục đầu tư một dự án lớn, nợ công có nguy cơ tăng nữa.
Sửa sai quá khứ
Theo Tuổi Trẻ Online, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong những năm qua đã chi tiêu hàng nghìn tỷ đồng, giải phỏng mặt bằng dự án, đầu tư đưa người đi du học chuyên môn hạt nhân. Ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội trả lời, dù có lãng phí thì dừng vẫn là cần thiết, còn hơn tiếp tục triển khai thì hậu quả rất lớn. Ông Lê Hồng Tịnh đã mô tả quyết định của Chính phủ xin dừng dự án là một hành động dũng cảm và cần rút ra những bài học trong việc chuẩn bị các dự án và phê duyệt các dự án…
Nhà khoa học đánh giá thế nào về việc Chính phủ có hành động sửa sai những quyết định sai lầm của quá khứ. Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ nhận định:
Dần dần người ta thấy là, nếu cứ làm theo kiểu chủ quan như ngày xưa thì phải trả giá khá nhiều, đặc biệt trong điều kiện mà càng lúc càng khó khăn như thế này thì sự xem xét lại là điều rất cần thiết.
-PGS Lê Anh Tuấn
“Dần dần người ta thấy là, nếu cứ làm theo kiểu chủ quan như ngày xưa thì phải trả giá khá nhiều, đặc biệt trong điều kiện mà càng lúc càng khó khăn như thế này thì sự xem xét lại là điều rất cần thiết. Chuyện này giống như trước đó ở Việt Nam ồ ạt xây dựng nhà máy thủy điện, sau này chính phủ phải xem xét loại bỏ những nhà máy nguy cơ hiệu quả không cao, trong khi đó những tác động về xã hội và môi trường lại lớn. Tôi nghĩ rằng đây là một bước tiến so với tư duy cách đây 10 năm 20 năm trước.”
Mạng Zing News ngày 10/11/2016 trích lời Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu với báo chí bên lề phiên họp Quốc hội, theo đó việc dừng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là bất khả kháng, lúc này rất cần một quyết sách của Đảng Nhà nước và Quốc hội để Việt Nam có những bước đi đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo đảm các khía cạnh phát triển của đất nước trong tất cả các lĩnh vực.
Chúng tôi nêu câu hỏi phải chăng Việt Nam đang thực hiện khẩu hiệu không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn nhận định:
“Vấn đề môi trường ở Việt Nam còn rất nhiều điều đáng bàn, ví dụ các nhà máy nhiệt điện than thì vẫn tiếp tục xây dựng, nhiệt điện than cũng tạo ra những yếu tố nguy cơ về môi trường. Tới bây giờ vẫn chưa có điều chỉnh gì lớn dù có một số ý kiến là phải giảm bớt số nhà máy đó lại. Đồng thời vấn đề lớn là hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội không cao nên phải điều chỉnh lại. Mặc dầu chính phủ sau này cũng nói rất nhiều là không đánh đổi môi trường bằng mọi giá để phát triển kinh tế. Nhưng thực sự là có rất nhiều dự án vẫn chưa có sự điều chỉnh lớn, chỉ điều chỉnh cho những kế hoạch trong tương lai chuẩn bị làm mà có nguy cơ về môi trường thôi.”
Áp lực nợ công cũng là một trong những nguyên nhân của Nghị quyết Chính phủ xin dừng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Nếu tiếp tục triển khai như đang làm từ 7 năm qua thì chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam của Nhà nước sẽ phải vay những khoản tín dụng rất lớn do Chính phủ bảo lãnh. Câu chuyện khai tử điện hạt nhân Ninh Thuận diễn ra trong bối cảnh Quốc hội vừa chấp thuận nâng trần nợ chính phủ từ 50% GDP lên 54% GDP.
Phó Giáo sư Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế từ Hà Nội nhận định:
“Vừa rồi Quốc hội thông qua vẫn giới hạn trần nợ công như vậy, còn trần nợ chính phủ đối với GDP có nâng lên là vì bất khả kháng, nó đã vượt trần bây giờ không nâng không được. Theo quan điểm cá nhân đây là việc bất khả kháng thực thi cái đã rồi.
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam bây giờ nợ nần chồng ngập mà mỗi người dân phải gánh chịu quá mức. Nếu Việt Nam không tiến hành thay đổi mô hình tăng trưởng, không tiến hành tái cơ cấu một cách thực chất thì chắc chắn đến một lúc nào đó, khả năng về khủng hoảng nợ sẽ xảy ra đã là hiện hữu.”
Nghị quyết của Chính phủ Việt Nam xin Quốc hội khai tử dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, từng có thời gian là niềm tự hào lẫn ước mơ của Đảng Cộng sản Việt Nam, được báo chí dòng chính mô tả là một hành động dũng cảm. Phải chăng Việt Nam đang đứng trước nhu cầu cải cách thay đổi tư duy chính trị và kinh tế hết sức mạnh mẽ, như lời Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hành lang Quốc hội ngày 10/11 là: “cần thiết một quyết sách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội với những bước đi để tạo sự phát triển bền vững, bảo đảm các khía cạnh phát triển của đất nước trong tất cả các lĩnh vực.”