Nguyễn Thị Từ Huy (Blog RFA)
Ta hãy trở lại với câu hỏi cuối bài trước : « Ông TBT có thực sự muốn làm trong sạch Đảng, có thực sự muốn chống tham nhũng ? »
Chúng ta không ở trong đầu TBT Nguyễn Phú Trọng, cũng không thể đi guốc trong bụng ông ấy, để mà đoán được ông ấy có thực sự muốn hay không. Điều chúng ta có thể làm là phân tích hành động và lối sống của ông ấy.
Theo những gì mà ta có thể kiểm tra qua hệ thống truyền thông, chính thống cũng như phi chính thống, ông Trọng không mắc phải các tai tiếng mà hầu hết các đồng chí của ông đều không tránh khỏi.
Ông không có tai tiếng về phụ nữ như người tiền nhiệm của ông là cựu TBT Nông Đức Mạnh. Ông không có tai tiếng về việc đặt con cái vào các vị trí quyền lực. Xin tham khảo một bài viết trên blog của nhà văn Mai Tú Ân, tổng hợp thông tin về các thái tử đỏ qua một danh sách con ông cháu cha thuộc loại « khủng » ở Việt Nam. Trong danh sách này, không có con cái của ông Nguyễn Phú Trọng. Trên báo chính thống cũng không tìm thấy thông tin nào về việc con cái của ông Trọng được bổ nhiệm vào các chức vụ quyền lực. Hoàn toàn đối lập với các động thái và toan tính của người đang được xem là đối thủ chính trị của ông. Ông TBT đương nhiệm cũng không có tai tiếng về tham nhũng. Tình cờ gần đây một người từng là quan chức trong ngành báo chí, bà Hồ Thu Hồng, cũng khẳng định điều này trên blog cá nhân trong một entry thiên về chỉ trích ông Trọng, tôi trích nguyên văn : « Ưu điểm lớn nhất của ông, đó là sự trong sạch về kinh tế, khộng tham gia vào các “nhóm lợi ích” » (Xem bài « Ba mươi chưa phải là tết »).
Về việc ông TBT không tham nhũng, tôi từng được trực tiếp nghe bình luận của một lãnh đạo cấp tỉnh, ở thời điểm khi tôi vẫn còn có thể có được một vị trí công việc trong xã hội Việt Nam (thời tươi đẹp ấy giờ đã quá xa xôi !!!), sau HNTW 6 ít lâu. Bên lề một hội nghị khoa học, một lãnh đạo cấp tỉnh có nói, tôi trích lại theo trí nhớ : « ông Trọng thực tâm muốn chống tham nhũng, nhưng điều ấy là không thể, bởi vì toàn bộ hệ thống dường như chỉ có mình ông là không tham nhũng mà thôi. Cho nên ông không thể chống nổi. » Nhận xét ấy được đưa ra một cách thành thực, không nhằm ca ngợi cũng không nhằm chỉ trích ông Trọng. Nhận xét ấy chỉ nhằm đưa ra một thực tế, và không phải là không có lý.
Quả thực như vậy, ông Trọng, dù chân thành muốn chống tham nhũng, ông đã không thể chống được, ông đã phải chấp nhận thua một cách công khai ở hội nghị Trung Ương 6, năm 2012. Từ đó, tham nhũng càng ngày càng trỗi dậy mạnh hơn lúc nào hết, bởi cơ chế xã hội hiện nay chính là điều kiện tốt nhất cho tham nhũng, và những người đi đầu trong tệ nạn tham nhũng sẽ củng cố quyền lực của họ bằng cách liên kết lại với nhau, để bảo vệ lẫn nhau, tức là để bảo vệ quyền lợi của chính họ. Đó là điều mà bất kỳ một đầu óc nào có khả năng suy luận bình thường và khách quan cũng có thể nhận ra một cách dễ dàng. Vì thế mà dù Bộ chính trị (16 người) đã thống nhất 100% đề nghị một hình thức kỷ luật cả tập thể BCT lẫn « một đồng chí » trong BCT nhưng Ban Chấp hành Trung Ương (175 người) đã phủ quyết đề nghị này. Chúng ta sẽ trở lại với chi tiết này dưới đây.
Giờ đây, tôi cho rằng sai lầm của giới đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam là đã chế giễu những giây phút cảm xúc mà ông Trọng bộc lộ ở phiên bế mạc hội nghị Trung Ương 6. Còn ai khác trong bộ máy lãnh đạo có những biểu hiện cảm xúc thành thực như ông Trọng ? Lẽ ra chúng ta phải nhận ra điều ấy, nhận ra rằng ông Trọng là người duy nhất còn có những biểu hiện cảm xúc thành thực (tức là một biểu hiện thuộc về nhân tính) trong một thế giới mà hầu như tất cả đều đeo mặt nạ, đeo mặt nạ bằng chính gương mặt thật của mình. Nếu thử làm một bước phân tích ngoại hình và diện mạo, thì có thể thấy nhận xét trên đây không phải là vô căn cứ.
Cần phải nói thêm rằng, những năm gần đây, nở rộ hiện tượng các website nặc danh (dù là « Chân dung quyền lực » hay « Ý kiến đảng viên »…. thì đó đều là các website nặc danh, bởi không thể kiểm chứng tổ chức nào hay cá nhân nào chịu trách nhiệm về chúng) với mục đích là phục vụ cho cuộc đấu tranh vì quyền lực. Nếu ta quan sát kỹ sẽ thấy rằng các website đó không che giấu khuynh hướng của mình trong việc ủng hộ nhân vật nào hay hạ bệ nhân vật nào, việc này rất thống nhất trong các bài viết. Điều này nằm trong mục đích cốt lõi : thao túng và định hướng dư luận. Điều đáng nói là chưa thấy một blog hay một website « nặc danh » nào được lập ra để vừa đánh bóng tên tuổi cho Nguyễn Phú Trọng vừa triệt hạ đối thủ của ông Trọng (tuy nhiên xin lưu ý rằng, nhận xét này có thể không đứng vững vì có thể tôi không bao quát hết thông tin). Có thể là do ông Trọng không tham nhũng nên không có tiền để tổ chức những website như vậy, đòi hỏi những khoản chi trả không nhỏ cho đội ngũ kỹ thuật viên và quan trọng là đội ngũ bồi bút. Nhưng cũng có thể là ông đã không lựa chọn cách thức mang tính chất bá đạo (nếu dùng ngôn ngữ cung đình) hay bẩn thỉu (nếu dùng ngôn ngữ dân gian) đó, do ông vẫn còn liêm sỉ của một người được học hành.
Đến đây ta có thể phản bác bằng cách nói rằng ông Trọng thành thực hay không, có đạo đức hay không, không quan trọng. Quan trọng là ông ấy đã làm được gì, ông ấy có năng lực gì không. Phản bác này không phải là không có lý. Dường như các phát ngôn của ông Trọng đã để lại ấn tượng rằng ông là một người không có năng lực, và dân gian đã ghi lại ấn tượng này bằng cách đặt cho ông một biệt danh, cái biệt danh giờ đây đã trở nên quá nổi tiếng mà tôi không cần phải nhắc lại.
Tuy nhiên, nếu nhìn từ một góc độ khác, thì ta cũng có thể thấy rằng ông Trọng phải nhận cái biệt danh có tính miệt thị ấy là do ông thành thực, ông không mị dân, ông nói những gì ông nghĩ. Ông không cố tình tạo ra một hình ảnh tích cực nhờ phát ngôn, nhằm che đậy những hành vi tàn bạo được thực hiện trong bóng tối, như những kẻ mị dân vẫn chọn làm. Hệ thống của ông Trọng vận hành theo đúng cái mô hình mà ông tôn lên làm lý tưởng, mô hình toàn trị, ông Trọng không che giấu điều đó.
Một ví dụ cho thấy ông Trọng không phải mù quáng như là chúng ta vẫn nghĩ, đó là phát biểu của ông về việc « Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa». Câu này là một phát biểu trên báo chính thống, ví dụ trên báo Tuổi trẻ, có thể kiểm chứng, hoàn toàn không giống như những thông tin được tung ra một cách hỏa mù trong thời kỳ tiền đại hội XII này. Một lần nữa giới đấu tranh dân chủ, trong đó có tôi, đã phạm sai lầm là chỉ trích và chế giễu Tổng bí thư về phát ngôn này. Nhưng nếu chúng ta bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn, chúng ta sẽ thấy rằng, chưa một Tổng bí thư nào ở Việt Nam phát biểu một ý tương tự, chưa một TBT nào dám thừa nhận điều mà ông Trọng đã thừa nhận. Phát biểu này cho thấy ông Trọng ý thức được phần nào tính chất không tưởng của chủ nghĩa xã hội.
Đồng thời cũng chưa một tổng bí thư nào dám thẳng thắn nhận định rằng trong cái bình quý được gọi là đảng cộng sản thực tế chỉ có chuột. Câu nói này khiến ông bị dư luận chỉ trích thậm tệ : « Đánh chuột đừng để vỡ bình ». Nhưng chúng ta cũng có thể nhìn nhận nó theo cách này : dù ông Trọng muốn nhìn nhận rằng đảng của ông là một cái bình quý, thì ông cũng đã đủ tỉnh táo để thấy rằng cái bình đó chứa đầy chuột : những kẻ tham nhũng. Ông Trọng, với tư cách là người đứng đầu đảng, nếu ông nhìn đảng của ông như một cái bình quý thì cũng là điều dễ hiểu. Nhưng để nhìn thấy và nói ra rằng cái bình ấy dùng để chứa chuột, thì cần phải có sự thành thực và thẳng thắn. Đã có TBT nào có được một thái độ dám đối diện với thực tế như vậy, như thái độ của ông Trọng ?
Tôi tạm mượn biện pháp “tự phê bình” để nói rằng: rất có thể là sự chế giễu của chúng ta đã góp phần khiến Tổng bí thư trở nên cương quyết hơn, bảo thủ hơn trong sự lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa, và có thể vì thế ông đã sắt đá hơn trong các chính sách đàn áp, bởi lẽ ông ấy nhầm tưởng rằng chúng ta là những kẻ phản động, và ông ấy không hiểu rằng những người đấu tranh cho dân chủ chỉ có một mục đích là hướng tới một xã hội công bằng hơn, tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.
Dĩ nhiên, phân tích mang tính tâm lý học trên đây của tôi cũng chỉ là một phân tích cá nhân, quý vị có thể đồng tình hoặc phản đối. Và quý vị có thể lập luận rằng lãnh đạo Việt Nam cần tập quen với sự chế giễu của dân chúng. Tôi hoàn toàn đồng ý với lập luận này. Không chỉ riêng lãnh đạo, tất cả chúng ta cần tập quen với sự chỉ trích và chế giễu của người khác. Dân chủ cần khởi đi từ thái độ này, thái độ chấp nhận bị chỉ trích, bị phê phán và bị chế giễu. Nếu ta còn cảm thấy tổn thương khi bị người khác chỉ trích, và không chấp nhận để cho người khác chỉ trích, thì có nghĩa ta vẫn còn rất xa lạ với tinh thần dân chủ.
Trở lại với HNTW 6. Thất bại mà TBT thừa nhận công khai trong diễn văn bế mạc phần nào cho thấy Nguyễn Phú Trọng không phải là người nắm quyền quyết định, dù chỉ là trong lĩnh vực chống tham nhũng.
Tổng bí thư đương nhiệm có lẽ không có nhiều quyền như chúng ta tưởng. Rất có thể ông ấy bị vô hiệu hóa trên nhiều phương diện, và bị gán cho phải chịu trách nhiệm về những việc mà ông ấy không làm. Lưu ý rằng đây chỉ là một giả thiết, một giả thiết được nêu ra trên một số quan sát thực tế.
Chúng ta cũng đừng quên các sử gia quốc tế đã chỉ ra rằng Hồ Chí Minh – người hiện đang được đảng tôn lên thành thánh – cũng đã bị vô hiệu hóa ngay khi còn sống, từ những năm 60 trở đi quyền lực thực sự đã không còn nằm trong tay Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Trường hợp Hồ Chí Minh còn cần phải được soi sáng bằng các sử liệu, nhưng trường hợp Võ Nguyên Giáp thì tất cả chúng ta đều đã thấy rõ : từ vị trí đại nguyên soái lừng lẫy của các chiến dịch Điện Biên Phủ, sau hòa bình, Võ Nguyên Giáp bị đẩy xuống phụ trách sinh đẻ có kế hoạch. Tuy nhiên, dù vô hiệu hóa quyền lực của vị đại tướng này, chính quyền cộng sản vẫn buộc phải sử dụng uy tín và hình ảnh của ông mỗi khi cần đến, như là bằng chứng cho sự dối trá đã thuộc về bản chất của các chính thể cộng sản.
Đồng thời, những ai đã làm việc trong hệ thống, dù chỉ một ngày, đều hiểu điều này : quyền lực thực sự nằm trong tay những người mà chữ ký hoặc sẽ « ra tiền » hoặc sẽ « ra quyền », tức là quyền lực thực tế nằm trong tay bộ máy chính phủ, chứ không phải bộ máy đảng. Tuy nhiên, những người đứng ở vị trí chủ chốt trong bộ máy chính phủ đều phải là đảng viên, nó khiến cho những người thuộc bộ máy chính phủ buộc phải lệ thuộc vào đảng và phải bảo vệ đảng, đây là cách mà đảng dùng để duy trì và kiểm soát quyền lực. Nói điều này để thấy rằng hiện nay nếu ông Trọng không có thực quyền thì cũng là điều dễ hiểu.
Trong diễn văn bế mạc HNTW 6, TBT đã rất thành thực tường trình diễn biến của sự thất bại trong chương trình chống tham nhũng do chính ông đề xuất, nghĩa là gián tiếp thừa nhận rằng quyền lực của mình đã bị vô hiệu hóa. Ông viết : « Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị. » Tuy nhiên, đề nghị của Bộ Chính trị đã bị Ban Chấp hành Trung Ương bác bỏ. Ông viết : « Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị »
Nhưng ông Trọng đã không dám nêu tên người mà ông muốn kỷ luật, chỉ dám gọi là « một đồng chí », trong khi tất cả những người nghe diễn văn bế mạc đều biết «một đồng chí » ấy là ai. Việc này khiến ta liên tưởng đến một chi tiết mang ý nghĩa tương tự trong tiểu thuyết « Harry Porter » : nhân vật « You-know-who » (Kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai), nhưng không ai dám gọi tên, vì ai cũng sợ quyền lực tăm tối của hắn.
Thất bại của Tổng bí thư trong việc chống lại « một đồng chí » trong Bộ Chính trị, được dư luận xem là trùm tham nhũng, và thất bại cuả ông trong công cuộc chống tham nhũng nói chung chính là hậu quả của tình trạng vô trách nhiệm nói chung, tình trạng cá nhân không phải chịu trách nhiệm, hậu quả của cơ chế lãnh đạo tập thể. Tình trạng này không thể cải thiện chừng nào cơ chế chính trị hiện nay vẫn tồn tại. Đáng tiếc thay, cho đến giờ phút này, ông Trọng dường như vẫn không muốn nhìn ra sự thật này.
Tuy nhiên, còn có thể nhìn thất bại của HNTW 6 dưới một góc độ khác : nếu ông Trọng không tham nhũng, nếu ông Trọng là một người quyết giữ đạo đức, thì thất bại của ông trong việc chống tham nhũng đồng nghĩa với thất bại của đạo đức trước quyền lực hắc ám của đồng tiền, trong một xã hội mà lợi ích kinh tế có thể giết hết mọi giá trị tinh thần, trong thời buổi mà vì lợi ích kinh tế người ta có thể bán hết mọi thứ, người ta có thể lấy máu của đồng bào mình làm thảm trải đường đón kẻ đã ra lệnh giết chết các ngư dân, tức là nhân dân của mình.
Sau HNTW 6, ông Trọng thành lập Ban Nội chính với sự ủng hộ của Nguyễn Bá Thanh. Như chúng ta biết, Nguyễn Bá Thanh sau đó không lâu đã chết, một cái chết đặt ra nhiều nghi vấn. Như vậy cũng có thể nói Ban Nội chính đã thất bại trong việc chống tham nhũng.
Nhưng thất bại là hiển nhiên. Không ai, không cá nhân nào, không ban bệ nào, không nỗ lực chống tham nhũng nào có thể thành công trong thể chế toàn trị hiện tại ở Việt Nam. Chính cơ chế chính trị là nguồn gốc, nguyên nhân của tệ nạn tham nhũng. Cơ chế chính trị này nuôi dưỡng và phát triển bệnh tham nhũng. Điều mà người dân Việt Nam cần là TBT có đủ sáng suốt để nhận ra điều này. Nếu ông còn duy trì cơ chế này thì ông còn tiếp tục thua những kẻ tham nhũng, và đất nước còn tiếp tục nghèo, nhân dân còn tiếp tục phải khổ, Tổ quốc còn tiếp tục phải chịu nhục.
Đến đây ta thử tìm cách trả lời một câu hỏi khác: ông Nguyễn Phú Trọng có lệ thuộc vào Trung Quốc không ? Ông Trọng lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn hay ít hơn những lãnh đạo khác?
(Còn tiếp)
Paris, 19/1/2016
Nguyễn Thị Từ Huy
(Blog RFA)