Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự toán trả nợ, viện trợ sẽ ưu tiên trả đủ các khoản nợ gốc, lãi vay nước ngoài đến hạn, còn các khoản vay trong nước sẽ trả đủ lãi và một nợ gốc.
Báo cáo trong hội nghị tổng kết của Bộ Tài chính cho biết, dự toán thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2016 đã được Quốc hội thông qua là 1.014.500 tỷ đồng. Trong khi đó, dự toán chi lên tới 1.273.200 tỷ đồng.
Trả nợ hơn 155.000 tỷ trong năm 2016
Theo dự toán thu chi ngân sách, thu nội địa năm 2016 có thể đạt 785.000 tỷ đồng. Trên cơ sở sản lượng dầu thô là 14,02 triệu tấn, và giá dự kiến 60 USD một thùng, xuất khẩu dầu thô năm 2016 có thể thu về 54.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, giá xăng dầu hiện nay chỉ còn ở mức 35-36 USD một thùng, nên kịch bản có thể phải tính tới việc giá dầu năm 2016 xuống tới mức 30 USD.
Số tiền nợ cần trả trong năm 2016 là 155.000 tỷ đồng. Ảnh: Anh Tuấn. |
Trong các khoản dự chi ngân sách năm tới, chi đầu tư phát triển vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 254.950 tỷ đồng. Chi thường xuyên dự đạt 824.000 tỷ đồng. Riêng với chi trả nợ, viện trợ, mức dự toán là 155.100 tỷ đồng, trong đó đảm bảo trả đủ nợ gốc và lãi vay nước ngoài đến hạn. Còn với nợ nội địa, mức chi chỉ ưu tiên trả hết lãi và một phần nợ gốc, nhằm giảm mức vay đảo nợ.
Theo tính toán, quy mô thu ngân sách giai đoạn 2011-2015 bằng gần 2 lần giai đoạn 2006-2010 và bằng hơn 5 lần giai đoạn 2001-2005. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách bình quân khoảng 21% GDP, khá sát với Nghị quyết Quốc hội (không quá 22-23%GDP). Trong khi đó, tổng chi ngân sách 5 năm 2011-2015 ước xấp xỉ mục tiêu đã đặt ra, riêng năm 2015, mức chi tăng gần gấp đôi so với năm 2010 (tăng 70%).
Bộ Tài chính đánh giá, việc cắt giảm nhanh chính sách thu, cùng tăng chi lớn, nhiệm vụ cân đối ngân sách sẽ ngày càng khó khăn. Bội chi ngân sách được dự báo sẽ phải duy trì ở mức cao, trong khi dư nợ công tăng nhanh, đòi hỏi có giải pháp phù hợp để giảm dần trong giai đoạn tới.
Mỗi ngày thực hiện hơn 200 cuộc thanh tra
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2015, thanh tra Bộ và các đơn vị chức năng đã tiến hành tới 75.600 cuộc thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực quản lý, điều hành ngân sách, các quỹ tài chính, chứng khoán, bảo hiểm… Như vậy, trung bình, mỗi ngày cơ quan này thực hiện tới 200 cuộc thanh tra.
Tính đến tháng 12/2015, cơ quan Thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra 68.000 doanh nghiệp, đạt 83,5% kế hoạch, tăng 8,5% so với năm 2014, tức là trunh bình mỗi ngày thanh tra khoảng 190 doanh nghiệp. Tổng số tăng thu qua thanh tra, kiểm tra (truy thu, truy hoàn, phạt…) 10.200 tỷ đồng, số tiền đã nộp ngân sách khoảng 7.000 tỷ đồng; giảm khấu trừ và giảm lỗ trên 20.700 tỷ đồng.
Trong năm 2015, cả nước có 94.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014. Số doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động là 9.400 doanh nghiệp, giảm 0,4% so với năm 2014. Số doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động, nay quay trở lại hoạt động là 21.500 doanh nghiệp, tăng 39,5% so với năm 2014.
Theo Zing