Việt Nam Thời Báo

Việt Nam thành viên Hội đồng Nhân Quyền LHQ và vi phạm Nhân quyền 2014 (phần 2)

Chương 3: HÀNH HUNG, BẮT BỚ, XÉT XỬ, TRA TẤN

Khuyến nghị 167. Đảm bảo một môi trường phù hợp cho các hoạt động của những người bảo vệ nhân quyền, nhà báo và các tác nhân xã hội dân sự khác (Tunisia);

 

 

 

Khuyến nghị 169. Khuyến khích kiện toàn các NGO bằng việc thúc đẩy một khuôn khổ pháp lý, hành chính và tài chính, trong đó các tổ chức NGO có thể được tạo ra và phát triển, và thực hiện hoạt động của họ mà không có bất kỳ cản trở nào, và có tự do ngôn luận (Tây Ban Nha)

 

Sử dụng côn đồ hoặc giả dạng côn đồ, công an an ninh VN đang thực hiện chủ trương tàn bạo nhất tấn công công khai ngay giữa ban ngày những người bất đồng chính kiến.
 

1.     Hành hung, tấn công và xâm phạm thân thể

 Khuyến nghị 119. Đảm bảo trong luật và thực tế việc bảo vệ phụ nữ với tất cả các hình thức bạo lực (Canada);
 
Khuyến nghị 165. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành tự do ngôn luận, cả trên mạng internet và bên ngoài, tự do hội họ,  tự do tôn giáo và tín ngưỡng (Ba Lan);
 
1.1    Ngày 1/1/2014, từ đường Võ Thị Sáu đoàn dân oan gần 100 người đi hướng về Nhà thờ Đức Bà – Sài Gòn. Lực lượng công an, dân phòng, an ninh vây cắt bắt đưa lên xe buýt. Chị Trần Ngọc Anh bị đánh ngất xỉu trên xe buýt và phải nằm viện 3 ngày để điều trị chấn thương hai bên sườn.
 
1.2    Rạng sáng ngày 2/1 anh Lê Quốc Quyết – em trai TNLT luật sư Lê Quốc Quân, bị bốn nhân viên mật vụ đánh đập ngay trước cổng vào khu chung cư Mỹ Kim ở phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức. Anh Quyết khẳng định những kẻ tấn công chính là các tay an ninh chìm đã theo dõi anh trong mấy ngày qua.
 
Trao đổi với đài VOA, anh nói: “Đó là những người thường xuyên theo dõi Quyết, mà những người theo dõi Quyết chỉ có an ninh thôi, Quyết quen mặt và nhớ biển số xe họ luôn. Thứ hai, chính bảo vệ trong chung cư cũng cho biết đây là những anh hình sự hay đi theo Quyết đến nỗi gửi xe trong chung cư không cần ghi vé nữa. Quyết khẳng định họ là công an.”
 
Máy quay an ninh của bảo vệ chung cư cho thấy khi anh Quyết bước xuống taxi để đi vào chung cư thì lập tức bị 4 người đàn ông lao đến đánh đấm không ngừng tay cho đến khi người dân xung quanh nghe được tiếng kêu cứu của anh.
 
1.3    Năm nông dân Văn Giang bị bắn bị thương bằng súng hoa cải khi canh giữ đất.
 
Một trong 5 nạn nhân bị côn đồ bắn vào chiều ngày 10/2 là anh Lê Văn Mạnh cho đài ACTD biết: “Đứng cách xa bọn họ vào khoảng 25 mét. Đây là loại súng tự chế của Tàu có hai nòng bắn đạn chì. Bị thương thì trong đó có một người nặng nhất vẫn đang cấp cứu ở Việt Đức còn ba người nhẹ như em sau khi mổ thì về rồi. Tổng cộng bọn nó có khoảng 70 người, đao kiếm rất nhiều trong đó có 4 khẩu súng tự chế. Sức khỏe của em thì vẫn bình thường nhưng viên đạn nó nằm sát khuỷu tay trái sát vào xương rồi thời tiết đang rét cả hai đêm nay không ngủ được vì rất nhức. Một viên vào mạng sườn trái.”
 
Tuy đã viết đơn báo chính quyền các cấp, nhưng chính quyền vẫn làm ngơ. Người dân Văn Giang đành tự bảo vệ lấy họ bằng cách lấy rơm thắt từng sợi dây nối lại với nhau thành những tấm khiên để che thân thể (ảnh).
 
1.4    Ngày 11/2 Bùi Minh Hằng trong một đoàn 22 người đã bị phục kích đánh đập tại xã Long Hưng, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
 
Tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm trụ trì chùa Quang Minh Tự kể lại những gì ông chứng kiến cũng như xảy ra cho chính ông: “Trong xe có 21 người đi được hơn nửa đường thì công an giao thông chặn xe lại. Công an mặc sắc phục đâu mấy chục người còn thì bọn mặt đồ trắng thường phục rất nhiều, nữ nam gì có hết. Mới vừa chặn xe lại thì họ nhảy lên nào là bóp cổ nào là dùng cây vuông, cây tròn đánh bể mấy cái nón cối hết (nón bảo hiểm). Họ đánh Út Bửu cái xương sống nó lòi ra. Năm Mãnh thì năm mười người vừa đánh vừa đè một hơi, nhồi tới nhồi lui năm mười lần. Rồi tới Bảy Long họ đánh rồi trói thúc ké nằm tại chỗ. Rồi tới cô Hằng! Trời ơi cô Hằng nó đánh rồi nó giựt đồ nó cướp…tám người nữ không tha người nào họ đánh trên đầu bể nón cối luôn. Bảy Long thì vừa còng vừa đánh vừa lên gối.
 
Người nam thì như vậy còn người nữ thì họ vạch áo sút nút áo còn hơn đám ăn cướp trong rừng nữa, Khi nó đưa lên xe nó còn đánh một tiếng đồng hồ. Nó đánh sưng mặt mấy người nữ và nằm xỉu hết mấy người còn cô Hằng thì thôi nó đánh như trái banh vậy, lăn tới lăn lui.”
 
1.5   Ngày 16/2 blogger Nguyễn Văn Thạnh bị đánh trong cuộc kiểm tra hành chánh tạm trú tại xã Hòa Phước, Hòa Vang, Tp Đà Nẵng. Trước đó, vào ngày 10/12/2013, anh Nguyễn Văn Thạnh bị một nhóm người lạ mặt hành hung và cướp đi máy tính bảng khi đang trên đường đi đòi lại những tài sản bị chính quyền tịch thu trái phép.
1.6    Blogger Huỳnh Trọng Hiếu và nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn bị 10 người bịt mặt đánh đập tại Tam Kỳ khi vừa bước xuống xe taxi. Ngày 19 tháng 2 năm 2014,  ông Huỳnh Ngọc Tuấn và con trai là Huỳnh Trọng Hiếu từ Quảng Nam vào Bình Định dự lễ giỗ quốc sư Phước Huệ  tại Tổ đình Thập Tháp của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
An ninh Quảng Nam và công an Bình Định phối hợp theo dõi họ từ Quảng Nam đến Bình Định. Chiều ngày 20 tháng 2 năm 2014, khi xe về gần nhà thì bị khoảng 10 tên thanh niên thường phục bịt kín mặt nhảy từ một chiếc xe taxi đã đậu sẵn gần đó ập vào đánh đập túi bụi. Ông Tuấn bị họ túm lại, nhấc lên và ném mạnh xuống đường, còn anh Hiếu bị đánh liên tục vào đầu, mặt, hông và bụng. 
 
1.7  Ngày 24/2 Nguyễn Bắc Truyển bị hành hung tại Hà Nội khi trên đường đến ĐSQ Úc.
Ông bị 4 công an thường phục tấn công, những người này đã theo dõi ông từ khi vợ chồng ông tới Hà Nội. Một người cho xe nhào vô taxi để taxi dừng lại. Ba người kia mở cửa ra đánh tài xế, tài xế bỏ chạy. Còn lại 2 vợ chồng trong xe, họ nhào vô đánh, lôi ông Truyển ra khỏi xe, đánh nứt xương mũi.
 
 
1.8   Ngày 20.3.2014 anh Trịnh Anh Tuấn (Gió Lang Thang) sau khi dự  buổi cà phê nói chuyện về quyền con người – do Mạng lưới Blogger Việt Nam tổ chức, trên đường về đã bị 3 mật vụ trẻ bám theo và đã dùng chân đạp đổ xe máy anh Tuấn trong khi anh vẫn đang chạy xe. Khi anh Tuấn ngã xuống đường các tên này cùng lao tới đánh hội đồng vào khắp người, đặc biệt là vùng mặt và đầu. Điện thoại anh Tuấn để trong người cũng bị chúng đạp vỡ nát.
 
 
 
1.9    Ngày 22/3 nhà hoạt động nhân quyền Trương Văn Dũng bị công an thường phục cầm tuýt sắt đánh vào chân và người tại cây xăng Nam Đồng, Hà Nội. Trưa hôm đó sau khi ăn cơm xong, ông Dũng về nhà thấy xe hết xăng nên quay ra cây xăng Nam Đồng để đổ xăng. Khi đi thì có hai xe máy đi ngang qua và một người ngồi sau đạp đổ xe ông xuống. Ông biết bị công an tấn công nên hô ‘công an đánh dân’. Sau đó bốn thằng cầm tuýt sắt cứ thế bổ vào, nhắm vào phần dưới chân ông đánh. Ông Dũng bỏ chạy vào tầng ngầm của một siêu thị gần đó để thoát thân mà vẫn không thoát được. Chúng quật một lúc đến khi ông không cựa quậy được nữa thì chúng mới vội lao ra phóng xe đi. 
 
1.10  Nhà hoạt động nữ quyền Trần Thị Nga và cùng nhiều người khác tập trung tại Hà Nội đòi thả chị Bùi Hằng, blogger Thúy Quỳnh và anh Nguyễn Văn Minh hôm 23/3. Chị Nga và bạn bè bị đánh ngoài đường, chị bị bắt cùng với hai người H’Mông khác về đồn công an Quang Trung. Trong đồn chị cũng bị họ đánh liên tục. Người đàn ông đánh chị Nga từ ngoài đường bước vào phòng rồi tát chị, nhưng cú đấm tiếp theo thì chị Nga tránh được và chạy ra nói ông công an tên Hiếu bảo ông ấy không được để người ta đàn áp chị trong đồn công an. Ông ta quát “ai đánh chị? Ngồi vào ghế”. Ngay sau khi chị Nga ngồi vào ghế và người đàn ông ấy tiếp tục đấm và nói “bây giờ tao mới đàn áp mày nè!”
 
1.11  Ngày 24/3 tín đồ PGHH Nguyễn Hoàng Nam, ngụ tại xã Vĩnh Châu, Châu Đốc, An Giang chuẩn bị làm lễ. Công an kéo quân đến rất đông cấm không cho ông tổ chức lễ. Ông Nam vẫn tiếp tục hành lễ thì công an tấn công vào nhà, khống chế và đánh ông, giật tấm băng rôn xuống. Sau đó họ đi ngang đi dọc trong buồng trong bếp, lục soát hết sức mạnh tay với những đồ đạc và còn có ý cợt nhã với vợ ông Nam.
 
1.12  Trong lúc một nhóm dân oan đang ngồi trong phòng để chờ công an trả lại điện thoại thì đèn tắt. Ngay sau đó là tiếng la hét của bà con bị đánh đập. Bà Trần Ngọc Anh bị đá vào bụng làm dập thận, tiểu ra máu. Công an phải đưa bà vào bệnh viện cấp cứu. Vụ dùng côn đồ đánh đập này xảy ra ngày 24/3/2014 tại Sài Gòn.  
 
1.13  Hàng chục dân oan biểu tình ở Sài Gòn tại hai địa điểm Dinh Thống Nhất và Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn ngày 26/3. Cuộc biểu tình yêu cầu giải quyết đất đai của họ bị cưỡng chế nhưng không được bồi thường thỏa đáng, đã bị hàng trăm công an đàn áp, đánh đập giải tán. Dân oan Phạm Thị Huệ ở Bình Dương bị đánh bằng dùi cui trên chiếc xe bus chở bà về lại Bình Dương. Chị Trần Thị Hoàng bị đá, đánh trong lúc bắt đưa về phường Bến Nghé Q1 làm cánh tay trái bị chấn thương nặng.
 
1.14  Trong một bức thư Nguyễn Đức Quốc kể lại vụ việc Bùi Tuấn Lâm bị an ninh Quảng Nam truy đánh tại Tam Kỳ mà anh chứng kiến như sau: “Tôi đề máy xe và chạy xe qua bên kia cầu chừng 30 mét để gọi điện thoại báo với linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi, chưa kịp gọi thì tôi nhìn thấy tám tên này vây và đùng nón bảo hiểm đánh đập Bùi Tuấn Lâm rất dã man, chúng đạp anh Lâm té vào thành cầu xém rớt xuống cầu , rồi bọn chúng tiếp tục đánh đập Lâm làm cho anh Lâm bị chúi đầu vào thành cầu một tên trong bọn họ đạp anh Lâm đập đầu vào thành cầu làm bể nón bảo hiểm anh Lâm đang đội, khi đó tôi la lên : bà con ơi ăn cướp, an ninh, công an chặn xe đánh người, ăn cướp, cứu chúng tôi với bà con ơi.”
 
1.15  Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Hồ Nhật Thành và Nguyễn Văn Hải bị đánh đập và câu lưu khi đang chuẩn bị thảo luận về chủ đề “Công ước chống Tra tấn và vấn nạn công dân chết trong đồn công an” dự định diễn ra tại quán Cà phê Swing, số 20 Trần Phú, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang. Mặc dù là ngày cuối tuần 19/4/2014 nhưng quán Café Swing có sức chứa 500 chỗ ngồi lại cho biết là đóng cửa.
 
 
1.16 Ngày 21/4 hai phụ nữ hoạt động cho nhân quyền tại Việt Nam là bà Trần Thị Hài cô Nguyễn Ngọc Lụa, đại diện cho Hội Phụ Nữ Nhân quyền Việt Nam đến Cần Thơ dự phiên phúc thẩm hai dân oan Nguyễn Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn thị Tuyền. Sau phiên xử, vào lúc khoảng 11:30 giờ họ đã bị công an tại thành phố Cần Thơ bắt, hành hung, đánh đập ngay tại đồn Công An phường Cái Khế, thành phố Cần Thơ.  
 
1.17 Ngày 8/5 Nguyễn Văn Đài bị một an ninh ném cốc nước vào đầu. Trả lời Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết: “Chiều nay trong lúc mấy anh em ngồi uống cà phê với nhau thì họ tấn công, họ ném cái cốc vào đầu tôi. Rồi họ xông vào đánh dữ dội, may là bên này cũng có đông người, chống trả lại thì họ bỏ chạy.”
 
1.18 Ngày 17/5 giảng viên âm nhạc Tp.Vinh Nguyễn Năng Tĩnh đã bị “côn đồ” hành hung trước mặt hàng chục công an. Anh và người bạn vừa lên xe đi được khoảng 10m về theo hướng đường Lê Hồng Phong thì có một người dân phòng tay cầm gậy chạy xe máy hung hăng đâm chặn đầu xe, và bắt dừng lại. Anh Tĩnh bước xuống xe và hỏi lý do, thì ngay lập tức thấy rất đông công an, an ninh mặc sắc phục và nhiều côn đồ mặc thường phục chạy đến vây quanh. Những côn đồ mặc thường phục đánh anh tới tấp trước sự chứng kiến của rất nhiều công an mặc sắc phục.
 
Để thoát khỏi nguy hiểm anh Tĩnh chạy băng qua bên kia đường (nơi quán bia) tới nơi có nhiều công an mặc sắc phục nhất đang đứng đó với hy vọng họ sẽ bảo vệ người dân vô tội. Nhưng khi sang đó anh càng bị đánh nhiều hơn. Anh bị đánh vào mặt làm chảy máu miệng, vào bụng, chúng dùng vật cứng đánh mạnh vào đầu đến nát cái mũ bảo hiểm.
 
1.19 Ngày 18/5 Nguyễn Ngọc Lụa, Nguyễn Thế Lữ, Huỳnh Trong Hiếu, Võ Quốc Anh, Trịnh Anh Tuấn bị công an Tp HCM tấn công khi chuẩn bị tham gia biểu tình phản đối TQ.
 
Blogger Võ Quốc Anh cho biết: “Có 4 – 5 côn đồ xông vào tôi và nói “mày ra đó để gây rối trật tự công cộng phải không?”. Tôi nói: “tôi đi biểu tình ôn hòa”, nhưng họ đã xông vào đập tôi tới tấp, họ dồn tôi vào tường, để đầu tôi bị đập vào tường. Họ tát vào tai tôi khiến tôi bị tai tôi bị lùng bùng. Thậm chí có một người dùng mũi giày nện vào ống quyển của tôi, khiến tôi đau, không đi được mà phải đi cà nhắc cà nhắc. Họ thấy tôi mặc áo “Freedom for Le Quoc Quan”, họ bắt tôi cởi ra nhưng tôi không cởi, nên họ tiếp tục đánh đập vào người tôi và có những lời lẽ xúc phạm đến tôi.” 
 
 
 
1.20 Khoảng 16 giờ ngày 25/5/2014, chị Trần Thị Nga cùng 2 con trai nhỏ là cháu Phú (5 tuổi) và Tài (2 tuổi) ngồi sau xe máy do một người bạn cầm lái. Lúc đến địa phận huyện Thanh Trì, Hà Nội thì bất ngờ bị 5 tên “côn đồ” ép xe đánh hội đồng. Chúng đạp vào đầu xe khiến chị Nga cùng 2 con ngã lăn ra giữa đường rồi lao vào đánh rất dã man. 
 
 Bác sĩ cho biết chị Nga bị gãy xương cổ tay trái, vỡ xương chân phải và chấn thương phần mềm. 
 
1.21 Ngày 26/8  khi phiên tòa xét xử  Hằng-Quỳnh-Minh đang diễn ra thì Nguyễn Ngọc Lụa và nhiều người bạn khác đi cùng cô, trong đó có cô Nguyễn Hoàng Vi đang mang thai sắp đến ngày sinh, bị bắt đưa về đồn công an phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh.
 
Vì không chấp nhận ký biên bản của an ninh, chị Lụa đã bị một nhân viên an ninh tát mạnh vào tai. Sau khi về Sài Gòn, cô phải nhập viên tại bệnh viện 115 để điều trị vì nhức đầu không chịu đựng nổi và vô cùng mệt mỏi.
 
An ninh chìm ngay lập tức vào cuộc để áp lực nhân viên bệnh viện 115 không chữa trị cho cô Lụa. Họ bỏ cô nằm rất lâu ở bên ngoài phòng chụp CT. Sau khi bị buộc phải đưa cô vào phòng chụp, họ lại giở trò hệ thống máy tính điều khiển bị hỏng.
 
1.22 Ngày 28/8 Nguyễn Bắc Truyển bị an ninh mật vụ theo sau và tông xe thẳng vào anh khi anh và vợ đang đón xe ở trạm xe buýt. Bạn bè hay tin đã đưa anh đi chụp CT tại bệnh viện Việt Pháp.
 
 
1.23 Ngày 8/9 Trương Minh Đức, cựu tù nhân lương tâm bị đánh khi đang đi taxi đến số 7 Nguyễn Đình Chiểu.
 
Cùng đi với anh có Đỗ Thị Minh Hạnh, anh Trương Văn Dũng và cô Trần Thị Nga. Khi taxi đi tới vị trí ngang số 63 Khâm Thiên thì hơn chục tên côn đồ chặn xe giật cửa lôi anh Đức xuống đường. Chúng vừa lôi vừa đánh tui bụi đến khi anh Đức bị ngất. 
 
 
1.24 Vào lúc 16h15 ngày 30/09/2014, CTNLT Dương Âu đã bị công an mật vụ tên Vinh (cấp bậc thượng úy) xông vào nhà đánh vỡ đầu. Theo lời kể chị Phạm Thị Loan, vợ anh Dương Âu, an ninh Vinh là một trong sáu người thường xuyên gác trước nhà anh Âu. Chiều hôm đó, tên Vinh lại xông vào, đòi canh giữ anh Dương Âu ngay trong nhà. Thấy hành động vô lý của tên công an này đã xâm phạm đến đời sống riêng tư của gia đình, anh Dương Âu yêu cầu anh ta muốn canh gác thì ở phía ngoài, chứ không được quyền vào nhà. Trong lúc lời qua tiếng lại, tên Vinh dùng tay đánh vào người anh Âu, sau đó, tên Vinh chạy ra nhặt một cục gạch đập vào đầu anh Âu gây thương tích, chảy nhiều máu.
 
1.25 Ngày 29/10 Phạm Bá Hải Lê Văn Sóc đi thăm CTNLT Dương Âu đã bị an ninh mật vụ đánh đập sau khi họ rời khỏi nhà Dương Âu.
 
Trong một bài viết, anh Phạm Bá Hải kể lại: “Cuộc trò chuyện thỉnh thoảng cũng có góp vài lời của ông an ninh tỉnh. Thi thoảng ông cũng nhận và gọi điện thoại. Dương Âu nói với tôi là bên ngoài lực lượng an ninh đã tăng cường. Không tiện ở lại, tôi từ giả người bạn tù kiên cường, đón xe về thành phố Đà Lạt, cách đó hơn 10 cây số. Bước xuống xe khách, chúng tôi đi bộ hướng về chợ Đà Lạt cách đó hai đoạn đường. Hai xe gắn máy trinh sát vẫn theo kề bên. Vừa rẽ sang Lê Đại Hành, có 4 thanh niên xuất hiện. Một người lấy thân mình hất bả vai tôi, một người hỏi “đi thăm ai?”. Ngay sau đó là cú đấm vào mũi tôi của người thứ 3.
 
Tôi ngã sóng xoài trên vĩa hè, hai tay che lấy đầu để đỡ những cú đá vào bụng và lưng. Thấy không vừa ý, một người đã nắm cổ áo khoác tôi cố dựng tôi dậy trong khi chân liên tục đá vào hông, ngực. Anh Lê Văn Sóc ngay từ đầu bị họ đẩy sang bên kia đường, thấy tôi bị đánh, anh nhào sang nên bị đạp vào bụng, túi quần áo với mấy bộ đồ giản dị đứt dây rơi xuống đất. Màn cuối của kịch bản được kéo lên: một người đi nhanh đến, nói to “tôi là công an đây”. Bốn kẻ tấn công hưởng ứng: “công an, chạy, chạy!”. Người công an kịch bản, nắm tay đỡ tôi dậy, nói rằng anh có cần trình báo gì không. Tôi nhìn anh ta và nói “Thôi được rồi, cám ơn anh”.
 
1.26  Ngày 30/10 Phạm Bá Hải bị nhục hình tại Tp Vinh. Anh bị bắt cùng với Lê Văn Sóc khi vừa bước ra khỏi máy bay tại sân bay Vinh.
 
 
 
Anh kể lại vụ ông chỉ huy an ninh tỉnh Nghệ An xúc phạm như sau: “Ông thọc hai ngón tay vào mũi tôi khi tôi ngồi tịnh khẩu, nhắm mắt thiền định, ông hy vọng tôi sẽ mở miệng nói. Tôi mở miệng, nhưng để hít thở không khí trong lành mà tôi có thể có. Ông liền lập tức móc ngược lên trên cao, làm đầu tôi bị giật ngược ra sau. Tôi vẫn giữ im lặng, nhắm mắt. Ông trở nên vồn vả, đay nghiến hơn sau những câu hỏi lặp đi lặp lại. Lần này tôi thấy nóng ở cổ tay trái khi đang khoanh tay. Tôi mở dần mắt nhìn điếu thuốc bốc khói ông đang dí vào và nói “ông không có quyền làm như vậy” “luật pháp không cho phép ông tra tấn nhục hình người khác”. Ông nâng điếu thuốc lên cao, nghiến răng trong màn khói “Cái loại chúng mày…” rồi vội vàng bước ra ngoài.”
 
 
1.27 Ngày 30/10/2014 Chu Mạnh Sơn đi đón anh Phạm Bá Hải tại sân bay tp Vinh vào lúc 14 giờ. Khi anh vào khu vực sân bay thì thấy Công An mặc thường phục và sắc phục đứng đầy sân bay. Anh chắc chắn là anh Hải đã bị lực lượng công an TP Vinh bắt nên chạy xe ra khỏi sân bay. Nhưng họ đã chặn và chụp bắt anh.
 
Sau đó, họ đưa anh Sơn về Trụ sở Công an xã Nghi Ân – TP Vinh để làm việc. Tại đây, có người đã đánh vào mặt anh, có người chửi rủa anh là “loại chó”. Sau đó họ gọi CA huyện Yên Thành đưa anh về.
 
Khi về đến trụ sở công an Huyện Yên Thành khoảng 18g20 thì họ đưa anh vào phòng làm việc của anh Chu Văn Phú (Trưởng phòng Thi Hành Án hình sự huyện yên thành). Họ đóng của phòng lại và chính anh Chu Văn Phú này đã tới tấp đánh vào mặt, vào ngực, vào lưng, vào người và còn dùng 2 tay tát vào tai anh trước sự chứng kiến của công an xã Phúc Thành là anh Nguyễn Văn Trung, có sự có mặt của Trưởng Phó Công An huyện Yên Thành và rất nhiều người là cán bộ công an nhưng không một ai lên tiếng ngăn can. Cũng chính miệng ông Trưởng Công An huyện Yên Thành bảo là: “đánh chết nó đi, đánh cho nó không còn kêu được nữa mới thôi và không để mồm ăn cơm nữa. Nếu còn ngoan cố thì trị cho biết mặt mới được.”  
 
 
 
1.28 Ký giả Trương Minh Đức bị 8 an ninh thường phục giả dạng côn đồ truy đánh và cướp tài sản tại Thủ Dậu Một, Bình Dương.
 
Vào ngày 02-11-2014, vào lúc 20 giờ 30 tối tại ngã ba Suối Giữa, phường Hiệp An, Tp Thủ Dầu Một, Bình Dương, có đến 8 người mặc thường phục theo dõi ông từ nhà ở Phường Mỹ Phước – huyện Bến Cát – Bình Dương. Khi đến còn cách trạm thu phí Suối Giữa khoảng 3 km thì họ tiến hành tấn công, đánh đập rất dã man! Sau đó họ cướp hết tài sản. Nhóm người này do trung tá có tên là Hòa trực tiếp chỉ huy mà ông đã nhìn được tận mặt, bởi tên trung tá Hòa này là người đã đánh ông tại đồn công an phường Mỹ Phước – huyện Bến Cát vào lúc nửa đêm 11 rạng sáng 12-09-2014.
 
1.29  Lý Quang Sơn, Triệu Hồng Minh  bị đánh vì các hoạt động nhân quyền.
Lý Quang Sơn kể lại vụ việc xảy ra lúc 19h ngày 27/11/2014: “Bên dưới họ sắp sẵn thêm 20 công an, an ninh và điều động thêm một xe cứu thương và hai xe thùng đến để gọi là giải tán những người đến ủng hộ chúng tôi. Họ đưa chúng tôi xuống tầng hầm của tòa nhà rồi đưa lên mặt đường. Lúc đó tôi thấy những người bên ngoài, tôi đưa bàn tay lên với biểu tượng bàn tay nhân quyền chào anh em; họ giật tay tôi xuống, nắm tóc kéo vào xe. Họ đập đầu tôi liên tiếp vào thành xe và trong xe họ dùng tay tát vào mặt tôi.”
Tại đồn công an phường Dịch Vọng, anh Minh bị tát vào mặt và bị đánh liên tiếp vào đầu, bụng và vai khi anh Minh từ chối khai báo nhân thân và trả lời về các tài liệu có trong phòng 604 tòa nhà N06. 
 
 
1.30 Lúc 15:30′ chiều ngày 9/12/2014 Hoàng Vi đang đi bộ gần nhà, cô bất ngờ bị 3 người phụ nữ lạ mặt lao xe đến tấn công. Hoàng Vi vừa tránh được cú lao xe đầy ác ý thì bất ngờ xuất hiện hàng chục kẻ lạ mặt khác chặn từ hai đầu xông đến túm tóc, rồi đánh đập cô túi bụi.
 
Vụ tấn công xảy ra trước sự chứng kiến của hàng chục viên côn an, dân phòng đang bao vây và chốt chặn trước nhà riêng của Hoàng Vi tại hẻm 107 (đường Phan Văn Năm, quận Tân Phú, Sài Gòn). Mẹ ruột Hoàng Vi nghe tin vội cùng một số người dân xung quanh đến can thiệp, lập tức nhóm người lạ mặt này cùng với côn an, dân phòng vội bỏ đi mất.
 
1.31 Dân oan Lê Thị Ngọc Đa rời khỏi nhà ở Vĩnh Hưng, Long An lúc 2g sáng ngày 21/12/2014 đón xe khách để đến Chùa Liên Trì. Đi được một đoạn thì CSGT chặn xe lại, chủ xe làm theo lệnh của an ninh đuổi bà Đa xuống xe. Sau đó bà quyết tâm tiếp tục đến chùa cho dù đi bộ. Khi đi được khoảng 8 cây số, thì một cục đá to bằng cổ chân ném từ trong bóng tối vào trúng tay bà, thâm tím. Bà la lên rằng “Bớ làng xóm ơi công an ám sát tui, bà con ơi cứu tôi với.” Ngay lập tức tên an ninh mặc thường phục từ trong bóng tối ven đường chạy nhanh ra chiếc xe gắn máy dừng bên lề, nổ máy bỏ chạy.
 
Trước đó mấy ngày bà cũng bị công an an ninh khám xét nhà, ngăn chặn không cho bà đi tham dự phiên tòa Bùi Hằng.

2.     Giam cầm chưa xét xử người bất đồng chính kiến, người bảo vệ nhân quyền

Khuyến nghị các nước về cải cách Bộ luật hình sự:

Khuyến nghị 156. Dành không gian cho truyền thông không phải của nhà nước, và làm cho các điều 79, 88 và 258 Luật Hình sự cụ thể hơn và nhất quán với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế về tự do ngôn luận (Australia);

Khuyến nghị 157. Sửa đổi các quy định về các tội danh vi phạm an ninh quốc gia có thể làm hạn chế tự do ngôn luận, bao gồm trên internet, đặc biệt liên quan đến các điều 79, 88 và 258 của Luật Hình sự, để đảm bảo tuân thủ với các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, bao gồm nghĩa vụ theo Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (Canada);

 
VN chấp nhận khuyến nghị nhưng thực hành lại hoàn toàn trái ngược. Dưới đây là những người đang bị giam giữ để xét xử:
 
2.1   Blogger Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt ngày 5/5 vì các bài viết trên Internet. Ông Vinh và bà Thúy bị Bộ Công an cáo buộc “đã có hành vi đăng tải các bài viết trên mạng Internet nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân về cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân, quy định tại Điều 258 – Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
 
 
2.2    Sáng 15/5/2014, Lê Thị Phương Anh, Phạm Minh Vũ Đỗ Nam Trung đi tham quan thực tế ở tỉnh Đồng Nai. Đến khoảng 10h15, cả ba bị một toán công an chặn lại gần Khu Công nghiệp AMATA, P. Long Bình, Tp Biên Hoà và yêu cầu Lê Thị Phương Anh xoá hết những bức ảnh mà cô ấy đã chụp dọc đường trong buổi sáng hôm đó. Sau đó nhóm ba người đã bị tạm giam đến nay và bị truy tố tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245.
2.3   Ngày 8/7/2014 ba dân oan Nguyễn Thị Trí (Bình Dương), Ngô Thị Minh Ước (Bình Phước), Nguyễn Thị Bé Hai (Đồng Tháp) đã bị bắt khi vừa xuống xe buýt tại Bến Thành.
Ba người này cùng với các bà con dân oan đã tổ chức biểu tình, phản đối ôn hòa trước cổng Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, số 4 Lê Duẩn, Q1. Quá bức xúc khi các cuộc biểu tình của bà con dân oan bị chính quyền đánh đập, đàn áp một cách dã man, ba dân oan đã nhiều lần gửi thư kiến nghị phản đối nhưng nhà cầm quyền đã làm ngơ trước mọi sự việc.
 
Trong hai ngày 7 và 8/7/2014 bà Trí, bà Ước và bà Hai đã cầm biểu ngữ “cờ vàng 3 sọc đỏ và 6 sao – mỗi bên ba sọc đỏ là 3 ngôi sao” và kêu gọi “Những người Việt hải ngoại về phục hưng dân tộc”. Ba bà bị bắt, đưa về nhà để khám xét và đọc lệnh tạm giam hình sự theo Điều 88. Hiện đang bị tạm giam tại Trại giam số 4 Phan Đăng Lưu – Thành phố Hồ Chí Minh.
 
 
2.4    Hồi 10h30’ ngày 29/11/2014, cơ quan an ninh điều tra công an TpHCM đã khám xét khẩn cấp và bắt giam blogger Hồng Lê Thọ theo Điều 258. Ông Thọ sinh năm 1949, hộ khẩu thường trú tại số 32 Cửu Long, phường 15, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là chủ trang blog khá phổ biến Người Lót Gạch.
 
 
2.5    Nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ trang blog Quê Choa có tiếng tăm, đã bị khám nhà sáng ngày 6/12/2014 và bắt đưa đi lúc 2g chiều cùng ngày tại Sài Gòn. Ông bị tịch thu máy vi tính.
 
Nhằm cổ xúy cho khẩu hiệu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” nhà văn Nguyễn Quang Lập đã không ngừng mở rộng đưa tin các vấn đề bất cập của xã hội, bao gồm cả các vấn đề ngược lại với quan điểm nhà nước. Ông bị bắt theo Điều 258 “Lợi dụng quyền tự do dân chủ”, nhưng khi khởi tố lại là Điều 88 “tuyên truyền chống nhà nước”.
 
2.6   Blogger Nguyễn Ngọc Già bị bắt ngày 27/12/2014. Ông có tên thật là Nguyễn Đình Ngọc (1966) đã viết đều đặn 6 năm qua về các vấn đề tù nhân lương tâm, dân oan và phê bình các chính sách của ĐCS. Trang thông tin của BCA không nói rõ ông bị bắt theo điều luật nào.
 
 

(còn tiếp)

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Bảo vệ nhân quyền ở Olympic Bắc Kinh 2020

Phan Thanh Hung

VNTB – Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU: Sức ép cải cách thể chế

Phan Thanh Hung

VNTB – Giấc mơ nhân quyền

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo