David Brown
Việt Nam sẽ bắt đầu năm 2015 trên một nền tảng kinh tế khá ổn định. Nền kinh tế quốc gia phần lớn đã phục hồi từ sau những nỗ lực thiếu khôn ngoan của Hà Nội để giảm thiểu tác động của cuộc Đại Suy thoái năm 2009. Kinh nghiệm đáng ghi nhớ đó phô bày những yếu kém về cơ cấu mà, nếu không sửa chữa, có thể đẩy Việt Nam lặn ngụp trong bẫy thu nhập trung bình, không thể khai thác tiềm năng của khối dân số tương đối trẻ và có học thức của mình.
Năm 2015 sẽ là một năm đầy căng thẳng chính trị. Đại hội Đảng lần thứ 12 sẽ được tổ chức vào tháng 1 năm 2016 để làm mới ban lãnh đạo quốc gia. Những người nhắm vị trí hàng đầu đã vận động các tổ chức đảng cấp tỉnh và huyện để tìm sự hỗ trợ. Tựu trung chỉ là treo đầu dê bán thịt chó như mọi khi: bạn ủng hộ tôi và tôi sẽ chăm sóc bạn. Chuyện bảo kê là huyết mạch của Đảng.
Dù như thế, 2000 đại biểu hội tụ về Hà Nội có thể sẽ đặt Việt Nam vào một quỹ đạo mới. Bên trong và bên ngoài Đảng, có mối hy vọng sâu rộng rằng, một lần nữa, những thay đổi cơ cấu thực sự có thể xảy ra. Giới trí thức và quản trị của đất nước muốn nhìn thấy một bầu không khí tranh luận chính trị cởi mở hơn, các chính sách kinh tế thúc đẩy hoạt động kinh doanh tư nhân và không gian hoạt động rộng hơn cho các tổ chức tình nguyện.
Năm 1986, Đại hội Đảng lần thứ 6 từ bỏ nỗ lực điều hành một nền kinh tế chỉ huy theo mô hình Liên Xô để hướng về (kinh tế) ‘thị trường xã hội chủ nghĩa “, một sự hòa giải cho phép các doanh nghiệp tư nhân lấp vào những khoảng trống không được các doanh nghiệp nhà nước chiếm cứ. Đại hội lần thứ 7 năm năm sau (Liên Xô đã tan rã trong thời gian đó) phê chuẩn các chính sách nhằm giúp Việt Nam gia nhập vào các định chế khu vực và thế giới. Những thay đổi này, gọi chung là đổi mới – tạo ra một sự bùng nổ tiềm năng thương mại, đã kích hoạt tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 7 hoặc 8% mỗi năm trong gần hai thập niên.
Năm 2007 là một khúc quanh khác. Việt Nam được chấp nhận vào Tổ chức Thương mại Thế giới và các ngân hàng nước ngoài xếp hàng cho Việt Nam vay vốn. Sau đó, khi suy thoái kinh tế toàn cầu gây thiệt hại cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam, chính phủ tiếp tục dồn vốn cho khách hàng vay trong nước, chủ yếu là các công ty nhà nước. Kết quả không phải là phát triển thêm nữa mà là hai cơn lạm phát, tăng mạnh và phá sản trong thị trường địa ốc, sự thất bại của kế hoạch 4 tỷ USD của chính phủ để biến Việt Nam thành một thế lực đóng tàu, và sự thừa nhận muộn màng rằng các công ty nhà nước của Việt Nam hấp thụ (hoặc độc quyền) các nguồn lực mà không tạo ra của cải.
Phải mất nhiều năm để chính quyền Hà Nội chui ra khỏi mớ bòng bong. Nhưng vào năm 2014, sự thể rõ ràng rằng lạm phát đã được kiểm soát, quốc gia vận hành trở lại với thặng dư thương mại ổn định và các đại công ty nước ngoài đặt cược vào Việt Nam như một khu vực nền tảng sản xuất công nghệ cao. Mặc dù hệ thống ngân hàng vẫn còn khập khễnh do các khoản nợ kém hiệu quả, xếp hạng tín dụng của Việt Nam được cải thiện. Trong tháng 11, Hà Nội đã có thể tái tài trợ một khoản nợ đáng kể của chính phủ với các điều kiện tương đối thuận lợi.
Nhưng không phải tất cả đều tốt đẹp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hứa rằng, vào cuối năm 2015 gần như tất cả các doanh nghiệp nhà nước sẽ được “cổ phần hóa” và đặt dưới kỷ luật (kinh tế) thị trường. Không có vẻ như ông có thể kích động được chuyện đó. Một thập niên trước, cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước của Thế giới Thứ ba bán ra dễ dàng. Ngày nay không còn như thế, các nhà đầu tư nước ngoài có vẻ không quan tâm đến việc mua cổ phần thiểu số trong doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam. Cần phải có thuốc mạnh hơn.
Ở mức độ cơ bản hơn, niềm tin vào khả năng của đảng để thực thi cải cách thật mong manh. Một chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã hạ bệ hàng chục sai phạm trong khu vực nhà nước. Mặc dù vậy, tư bản bè phái và phe nhóm lợi ích vẫn còn là tính năng phổ biến của chế độ, đến nỗi khó có thể tưởng tượng một sự đồng thuận trong đảng để từ bỏ ‘kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa’.
Trong lịch sử, đảng đã thống trị tiến trình quyết định của Việt Nam. Dường như không còn là như thế nữa. Ngay bây giờ bộ máy chính quyền ở cấp trung ương và cấp tỉnh triển khai các quan chức có năng lực hơn và thường chủ động trong việc hình thành chính sách và tiến trình thông qua. Cho dù đây là một sự thay đổi đáng kể hay không sẽ được kiểm chứng trong thời gian chuẩn bị cho Đại hội Đảng thứ 12.
Các Đại hội Đảng thường hời hợt về chính sách. Chủ yếu họ quan tâm đến nhân sự và sự bảo bọc: ai sẽ thăng chức, ai không, và chuyện này ảnh hưởng đến hệ thống thế nào. Họ cẩn trọng trong việc duy trì một sự cân bằng giữa các phe phái và khu vực trong việc lựa chọn các đại biểu và sự phân chia số ghế trong Bộ Chính trị và Ủy ban Trung ương Đảng.
Đại hội Đảng lần thứ 12 có thể là ngoại lệ. Các nhà phân tích đã bàn cãi rằng phải chăng việc tạm hoãn phiên họp toàn thể Ủy ban Trung ương dự kiến vào đầu tháng 12 năm 2014 báo hiệu tình trạng bất ổn. Khi Quốc hội triệu tập vào năm tới, 10 trong số 16 thành viên của Bộ Chính trị sẽ đạt đến tuổi nghỉ hưu. Trong số những người hội đủ điều kiện để tiến chức vào Bộ Chính trị và các chức vụ hàng đầu của chính phủ, có sự khác biệt sâu sắc về định hướng chính sách.
Các lựa chọn kinh tế và làm thế nào để đối phó với tham nhũng, dĩ nhiên là chủ đề các cuộc cạnh tranh trong nội bộ đảng. Tư thế quốc tế của Việt Nam cũng tranh cãi như thế. Khoảng giữa năm 2014, hành động gây hấn của Trung Quốc để thiết lập quyền bá chủ của Bắc Kinh ở Biển Đông đã giáng một đòn nặng vào những người trong chính quyền Việt Nam, kẻ ủng hộ quan hệ chặt chẽ và tôn trọng Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc. Trong khi các đại biểu cứng rắn trước sự bắt nạt của Trung Quốc – cho dù phải nghiến răng chịu đựng hoặc chống lại Trung Quốc bằng cách tìm kiếm sự liên kết chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ – cũng sẽ ảnh hưởng phiếu bầu tại Đại hội thứ 12.
Các quyền tự do chính trị là một con bài chủ. Chế độ đã tăng cường bắt giữ và truy tố các blogger chính trị trong năm 2014, điển hình về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”. Mặc dù một số trong đảng nghi ngờ tính thiết thực của phương pháp cộng an trị được dùng để đối phó với các nhà bất đồng chính kiến quá khích, vài thành viên sẽ lên tiếng cho đồng bào mà hy vọng chân thật nhất của họ là chấm dứt sự cai trị độc đảng.
David Brown
Người dịch: Trần Văn Minh
David Brown là một nhà ngoại giao Mỹ đã về hưu, thường viết về chủ đề Đông Nam Á cận đại.
(Ba Sàm)