Hàng ngàn người đổ về các trung tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trong cuộc xuống đường vì hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra tại miền Trung Việt Nam.
Tại Hà Nội, nhiều con phố ở trung tâm kín người biểu tình với băng rôn “Tôi yêu môi trường biển và tôm cá”, “Toàn dân Việt Nam cứu biển”…
Ước tính có khoảng 1.000 người tham gia cuộc tuần hành tại Hà Nội. Có một số xe chặn ngang đường ngăn đoàn người và nhiều an ninh mặc thường phục.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn người đi qua các con đường Lê Duẩn, Chợ Bến Thành, mang theo các khẩu hiệu “phải trả lại môi trường cho nhân dân”, “Biển chết, tôm cá nghêu chết… Dân Việt Nam rồi sẽ chết nếu không đứng lên đòi quyền sống”, “Trả lại Việt Nam Biển trong xanh, ngừng xả thải ra biển”.
‘Trấn áp’
Một số clip quay lại cho thấy tại đây đã xảy ra việc trấn áp người biểu tình, khi các nhóm mặc áo xanh vây ráp và xô xát với người tuần hành.
Những hình ảnh bạn đọc gửi cho BBC dường như cho thấy đã xảy ra tình trạng trấn áp người xuống đường tại đây.
Các lực lượng mặc trang phục màu xanh xiết chặt dần vòng vây, và xảy ra xô xát với người cầm khẩu hiệu.
Một số bạn trẻ phản kháng bằng cách ngồi xuống và giơ cao khẩu hiệu bảo vệ môi trường.
Có người dân đã tặng hoa cho lực lượng cảnh sát giao thông trên đường đoàn người đi qua.
Ở một số thành phố khác như Nha Trang, Vũng Tàu, cũng có những nhóm người dân mang theo biểu ngữ ra bờ biển, thể hiện quan điểm về vụ cá chết hàng loạt tại Việt Nam.
Trong khi đó, tại Đà Nẵng, một số nhà hoạt động và người dân xuống đường đã ngay lập tức bị trấn áp.
Một số người nói họ “bị đánh” bởi lực lượng an ninh tại thành phố miền Trung này.
Sau thảm họa môi trường cá chết tại miền Trung, nhiều lãnh đạo Đà Nẵng đã công bố công văn nói biển Đà Nẵng không bị ảnh hưởng, dù một số báo tại Việt Nam vẫn công bố hiện tượng một số cá chết dạt lên bờ tại đây.
Ngày 30/4, bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã cùng các lãnh đạo đi tắm biển cùng người dân và ăn cá để giải tỏa lo âu cho người dân.
Thảm họa môi trường này xảy ra hơn ba tuần tại tỉnh Hà Tĩnh, sau đó lan rộng vào Quảng Bình, Quảng Trị, Huế.
Trong hôm 29/4, người dân Cảnh Dương, một làng khác cũng thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, đã chăng lều bạt phản đối trên Quốc lộ 1A.
Nhiều người dân vứt cá ra giữa đường, căng lều bạt phản đối vì tàu đi đánh bắt về nhưng cá không ai mua vì lo sợ cá bị nhiễm độc.
Cho tới hiện tại, truyền thông tại Việt Nam không đưa tin về các cuộc biểu tình này, hãng tin Reuters cho biết.
Theo BBC