BBC
Một nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền Việt Nam vừa được trả tự do sau ba năm thi hành án tù giam nói với BBC rằng Việt Nam đã trở thành ‘một cường quốc dân oan’ và bà muốn nhà cầm quyền hãy thay đổi càng sớm càng tốt cách thức ứng xử với giới hoạt động bằng cách ‘đối thoại’ với họ ngay từ ban đầu.
Nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng (giữa) được đón tiếp khi đến Sài Gòn trong ngày ra tù hôm 11/2/2017 từ trại giam Gia Trung, ở Gia Lai. |
Trước năm 1975, đất nước này không có nhiều dân oan như bây giờ, nhưng bây giờ 63 tỉnh thành đều trở thành cường quốc dân oan. Điều đó có khiến cho những người lãnh đạo mà mỗi khi nói đến vấn đề cần lấy lại niềm tin trong nhân dân, cần lấy dân làm gốc, thì họ suy nghĩ gì không?
Bà Bùi Thị Minh Hằng
Trả lời phỏng vấn của BBC một ngày sau khi ra tù, từ Sài Gòn hôm 12/2/2017, bà Bùi Thị Minh Hằng, blogger bị chính quyền kết án năm 2014 vì ‘gây mất trật tự công cộng’ theo Bộ Luật Hình sự của Việt Nam, nói:
“Trước năm 1975, đất nước này không có nhiều dân oan như bây giờ, nhưng bây giờ 63 tỉnh thành đều trở thành cường quốc dân oan. Điều đó có khiến cho những người lãnh đạo mà mỗi khi nói đến vấn đề cần lấy lại niềm tin trong nhân dân, cần lấy dân làm gốc, thì họ suy nghĩ gì không?’
“Họ học tập quan điểm này, quan điểm kia, đưa ra nhiều khẩu hiệu, nhưng trên thực tế, người dân chúng tôi không được đáp ứng thỏa đáng những quyền lợi chính đáng của mình.”
Trước câu hỏi liệu bà có bị ngược đãi hay không trong thời gian ba năm bị tù giam, nhà hoạt động Bùi Hằng nói:
“Cái này tôi cho rằng không một tù nhân chính trị nào tránh khỏi và thậm chí là nó quá tàn ác so với những tù nhân bình thường. Tôi đã phải đặt câu hỏi đối với những cán bộ trong trại…
“Tôi có một thắc mắc, tôi đọc rất nhiều sách của họ viết về những sự ‘hoàn lương’, rồi những sự ‘hướng thiện’ cho những người tù, tù đó toàn những người tù nguy hiểm, có những bản án man rợ, thì họ phục thiện được.
Có những vị lãnh đạo cũng phải thốt lên với chúng tôi một câu rằng ‘họ rất lấy làm tiếc!’. Lấy làm tiếc rằng không có những đối thoại ngay từ ban đầu để mà hiểu nhau
Bà Bùi Thị Minh Hằng
“Mà đối với những tù nhân chính trị như chúng tôi, thì họ luôn luôn hành xử bằng cách coi chúng tôi như một kẻ thù? Chúng tôi có phải là nhân dân không?
“Sau đó những vị cán bộ có trả lời rằng những câu hỏi của tôi khiến cho họ rất suy nghĩ.
“Tôi cũng nói rằng khi họ làm những điều tàn bạo đó, họ đẩy chúng tôi đến một giới hạn không thể chịu đựng được, lúc đó buộc chúng tôi phải có những phản ứng.
‘Liệu họ có nghĩ rằng đối thoại với chúng tôi, nói chuyện với chúng tôi bằng luật pháp, bằng tình người thì nó có sẽ tốt hơn không?
“Thì có những vị lãnh đạo cũng phải thốt lên với chúng tôi một câu rằng ‘Họ rất lấy làm tiếc!’. Lấy làm tiếc rằng không có những đối thoại ngay từ ban đầu để mà hiểu nhau,” bà Bùi Hằng nói với BBC.
‘Chưa có tiền lệ’
Tuy nhiên, nhà hoạt động vừa ra tù cũng chia sẻ với BBC một chi tiết mà bà gọi là ‘chưa có tiền lệ’ ngay trước khi bà ra tù, mà trong đó bà bày tỏ lời cảm ơn tới Trưởng Giám thị Trại giam Gia Trung, ở Gia Lai, khi bà được phép trở về cùng với toàn bộ thư từ, ghi chép, vật dụng tùy thân của bà.
Bà nói: “Tôi rất vui mừng, đây là một trường hợp tất cả anh chị em đấu tranh đều nói đây là điều chưa hề có trong tiền lệ.
“Để có điều này tôi cũng phải nói là tôi gửi lời cảm ơn vị Giám thị trưởng ở Trại Gia Trung, bởi vì trong những ngày cuối cùng, khoảng ba tháng cuối cùng, khi tôi được tiếp xúc với vị lãnh đạo này, trong hai năm tôi sống ở đấy, tôi làm rất nhiều đơn, mấy chục lá đơn, nhưng tôi chưa được tiếp xúc với vị này…
Phải nói là tôi cảm ơn người Giám thị này, tôi là người đầu tiên trong số tù nhân chính trị, tù nhân oan sai của Việt Nam được ra về và mang đầy đủ những thứ, từ bút tích cho đến những tài sản cá nhân của tôi, mang được về nhà
Bà Bùi Thị Minh Hằng
“Nhưng cho tới gần những ngày tôi về, thì tôi bắt đầu được tiếp xúc với vị này từ ngày 10/10/2016, cho tới lúc chúng tôi về, thì chúng tôi đã có rất nhiều những cuộc đối thoại và kèm một lá đơn nữa, tôi yêu cầu là hãy xử lý mọi việc đúng theo pháp luật.
“Vì trước đó những cuốn thơ mà tôi chép tặng gia đình cũng bị cán bộ ở Trung tâm đó lập biên bản. Và khi tôi hỏi họ lập biên bản tôi về những điều gì, thì họ không đưa được những lý do thích hợp. Mà trong khi đó, tôi đưa ra cho họ để họ biết rằng họ đã vi phạm điều 19 Công ước Quốc tế (…), họ vi phạm điều 24 (…) về pháp luật hiện hành của Việt Nam,
“Thế nhưng họ không chịu thừa nhận điều đó, thì mỗi đơn thư của tôi, hay mỗi ấn phẩm tôi viết, tôi đều ghi lại, trích dẫn lại quy định đó ở phía dưới. Sau khi tôi trình bày việc này với Giám thị Trưởng, tôi có đề nghị, yêu sách ông ấy phải chỉ đạo để làm đúng pháp luật.
“Thì phải nói là tôi cảm ơn người Giám thị này, tôi là người đầu tiên trong số tù nhân chính trị, tù nhân oan sai của Việt Nam được ra về và mang đầy đủ những thứ, từ bút tích cho đến những tài sản cá nhân của tôi, mang được về nhà.
“Trong đó bạn bè tôi đã đón nhận và đưa lên Facebook, mạng xã hội một vài bài thơ mà tôi cảm xúc viết ra trong thời gian ở tù, và toàn bộ nhật trình, nhật ký của tôi ghi lại tất cả những sự kiện xảy ra, từ ngày mà tôi đặt chân vào Trại,” bà Bùi Hằng nói với Quốc Phương của BBC Việt ngữ từ Sài Gòn.
Bà Bùi Thị Minh Hằng (giơ tay) và những người đi đón bà trong ngày được trao trả tự do hôm 11/2/2017. |