BBC
Dù vẫn do một đảng cộng sản lãnh đạo, Việt Nam có vẻ ngày càng bớt sử dụng các cụm từ về ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, ít ra là trên các văn bản đối ngoại.
Gần đây, trên các mạng trong và ngoài Việt Nam có cuộc tranh luận về phát biểu của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn rằng nhờ nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã “phát triển ngoạn mục”.
Nhưng hồi tháng 10 năm ngoái, ông John Kerry, Ngoại trưởng Hoa Kỳ vào lúc đó lại nhận xét ông thấy ở “VN hiện nay chỉ có chủ nghĩa tư bản cuồng nhiệt”.
Vậy trên các văn bản đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam thời gian qua, khái niệm ‘chủ nghĩa xã hội’ xuất hiện thế nào?
Thông cáo chung Việt Nam – Trung Quốc được công bố hôm 15/05/2017 nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trần Đại Quang sang Bắc Kinh chỉ nhắc đến tên nước Việt Nam là ‘Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa’.
Còn từ phía họ, Trung Quốc chúc “Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Cả câu văn không nhắc gì đến mô hình thể chế ‘xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam.
Ngược lại, chính phía Việt Nam thì chúc Trung Quốc “trở thành đất nước hiện đại xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa”.
Khái niệm ‘hài hòa’ phản ánh ý tưởng của ông Tập Cận Bình về định hướng phát triển của Trung Quốc.
‘Quyền cho mọi người dân’ khác ‘nhân quyền’?
Hơn hai tuần sau, tại Washington DC, Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến việc ra tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ về tăng cường đối tác toàn diện hai bên.
Nội dung được đưa ra hôm 31/05 sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump viết:
“Phía Hoa Kỳ ghi nhận sự quan tâm của Việt Nam muốn đạt quy chế kinh tế thị trường và hai bên đồng ý tiếp tục tham vấn một cách hợp tác và toàn diện thông qua việc đẩy mạnh nhóm làm việc song phương.”
Toàn bộ tuyên bố chung không nhắc gì đến thể chế ‘xã hội chủ nghĩa’ ở Việt Nam.
Đặc biệt, văn bản này có câu bằng tiếng Việt, theo trang web Bộ Ngoại giao Việt Nam được các báo nước này đăng tải:
“Hoa Kỳ hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền cho mọi người dân.”
Đây là khác biệt với bản tiếng Anh của Bộ Ngoại giao Mỹ ghi rõ về “nhân quyền cho tất cả mọi người”, theo ý ai cũng được hưởng quyền này (nguyên văn: The United States welcomed Vietnam’s ongoing efforts to refine its legal system to better protect and promote human rights for everyone).
Từ ‘mãi mãi’ đến ‘kiên trì’
Tuy nhiên, hồi đầu năm nay, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc, khái niệm ‘chủ nghĩa xã hội’ được nêu nhiều lần trong tuyên bố chung hai nước, công bố hôm 14/04/2017 tại Bắc Kinh:
“Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có truyền thống hữu nghị lâu đời, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có chế độ chính trị tương đồng, con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung…”
“Trong điều kiện lịch sử mới với tình hình quốc tế, khu vực thay đổi sâu sắc, phức tạp, việc kiên định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và con đường xã hội chủ nghĩa là lựa chọn đúng đắn phù hợp với lợi ích căn bản, lâu dài của hai nước và nhân dân hai nước.”
Nhưng cường độ của ý thức hệ trong văn bản này cũng đã giảm đi nhiều so với tuyên bố chung ký năm 2005, khi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sang thăm Trung Quốc và hội kiến với ông Hồ Cẩm Đào.
Lúc đó, lãnh đạo hai nước đều “bày tỏ vui mừng trước những thành tựu… hai nước đã giành được trong quá trình tìm tòi con đường phát triển xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình của mỗi nước”.
Ngoài ra, phía Trung Quốc chúc mừng và tin rằng Đảng CSVN sẽ “xây dựng Việt Nam thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Hơn 10 năm trước, văn bản năm 2005 vẫn còn chứa đựng nhiều từ ngữ mang tính thể hiện ước vọng của Đảng Cộng sản Việt Nam khi đó gắn bó chặt chẽ, vĩnh viễn với Bắc Kinh.
Hai đảng cầm quyền nêu ra trong tuyên bố trung về mục tiêu thúc đẩy giao lưu hữu nghị thanh niên Việt – Trung “làm cho tình hữu nghị Việt Nam- Trung Quốc được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
Họ cũng muốn “mãi mãi là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Trong văn bản công bố khi ông Nguyễn Phú Trọng thăm Bắc Kinh, người đọc không thấy hai chữ “mãi mãi” nữa.
Nay, hai bên chỉ khẳng định, “sẽ tiếp tục kiên trì phương châm ‘láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai’ và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Nhẹ nhàng hơn, trong các phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ có câu “tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hữu nghị nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước”, chứ không lưu truyền nhiều thế hệ nữa.