Việt Nam Thời Báo

VND có thể giảm bao nhiêu trong năm 2017?

Chính sách tiền tệ được dự đoán có khả năng sẽ tiếp tục được nới lỏng với xu hướng gia tăng trong tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán trong mấy năm gần đây.

Biến động cuối năm!

Tỷ giá trung tâm (TGTT) và tỷ giá liên ngân hàng của VND theo USD đều giảm 1,2% trong năm 2016. TGTT diễn biến khá ổn định trong 3 quý đầu năm trước khi có biến động mạnh hơn trong quý IV.

Anh rút khỏi Liên minh Châu âu (Brexit), Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, và Fed quyết định nâng lãi suất lần thứ hai kể từ sau khủng hoảng là các sự kiện khiến NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm giá VND trong những tháng cuối năm.

Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng mặc dù có những thời điểm biến động mạnh hơn nhưng vẫn có xu hướng khá đồng điệu với TGTT và đều có mức giảm xấp xỉ 1,2% về cuối năm. Chênh lệch giữa tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa và tỷ giá hữu hiệu thực ngày càng lớn trong nửa cuối của năm.



Tính đến cuối năm 2016, dự trữ ngoại hối (không kể vàng) của Việt Nam đạt khoảng 41 tỷ USD, gia tăng mạnh so với mức 28 tỷ USD vào cuối năm 2015. Dự trữ ngoại hối gia tăng do cán cân thanh toán liên tục đạt thặng dư vào các quý trong năm, đạt tổng mức thặng dư 12,8 tỷ USD.

Mức dự trữ ngoại hối hiện tại tương đương với giá trị của 2,8 tháng nhập khẩu hàng hóa (số liệu 2016 của Tổng cục thống kê). Dự trữ ngoại hối gia tăng tạo điều kiện về nguồn lực giúp NHNN có thể thực hiện các can thiệp bình ổn tỷ giá trên thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, sử dụng kho dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá vẫn cần là lựa chọn không ưu tiên, ngay cả trong khi thị trường ngoại hối có nhiều biến động.

Tiền đồng có thể giảm giá bao nhiêu?

Theo đánh giá của CTCK Bảo Việt (BVSC), tỷ giá trong năm 2017 sẽ phụ thuộc vào những cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cán cân thanh toán, mục tiêu của chính sách tiền tệ, và những diễn biến chính có thể chi phối thị trường ngoại hối và thị trường tài chính thể giới.

Cán cân thanh toán rất khó có thể tiếp tục thăng dư do khả năng quay lại chính sách bảo hộ của Mỹ và một số nước khác. Bên cạnh đó, việc tổng thống đắc cử Donald Trump hàm ý không thông qua Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Chính sách tiền tệ có khả năng sẽ tiếp tục được nới lỏng với xu hướng gia tăng trong tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán trong mấy năm gần đây. Hơn nữa, lần đầu tiên Quốc hội cho phép áp dụng chỉ tiêu lạm phát trung bình các tháng trong năm, không quá 4%, sẽ tạo dư địa nhiều hơn cho NHNN thực hiện nới lỏng tiền tệ.

Trong khi đó, thị trường ngoại hối và tài chính thế giới sẽ bị chi phối bởi lộ trình tăng lãi suất của Fed và chính sách kinh tế mới trong nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump, trong đó nổi lên xu hướng bảo hộ thương mại, cắt giảm thuế và gia tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

Chính sách tiền tệ của một số Ngân hàng Trung ương khác, trong đó có Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), trong mối tương quan với chính sách của Fed cũng là một điểm cần lưu ý đối với tỷ giá.

Trên cở sở những yếu tố ở trên và thực tế tỷ giá hữu hiệu thực đã có mức gia tăng đáng kể trong năm 2016, BVSC cho rằng, nhiều khả năng NHNN sẽ có những thay đổi mạnh hơn đối với tỷ giá trung tâm trong năm 2017; hướng tới mục tiêu hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, mà không gây ảnh hưởng quá lớn đến lạm phát. “Với nhận định này, chúng tôi dự báo VND sẽ mất giá 3-5% ở kịch bản cơ sở”, BVSC nhận định.

Đồng quan điểm, các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng, trong năm 2017, áp lực từ phía bên ngoài và thị trường thế giới sẽ tiếp tục là yếu tố lớn nhất gây sức ép lên tỷ giá và thị trường ngoại hối với tâm điểm là đồng USD mạnh lên đi cùng sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và lộ trình tăng lãi suất của FED với số lần tăng dự báo sẽ nhiều hơn năm 2016 trong khi nhiều đồng tiền lớn khác trong khu vực giảm giá mạnh.

Bên cạnh đó, khi thị trường thế giới có nhiều sự kiện và biến động mạnh, tâm lý đầu cơ có thể sẽ nhen nhóm trở lại. Điều này sẽ tạo sức ép nhất định lên thị trường trong ngắn hạn và đòi hỏi NHNN phải có những quyết sách điều hành hợp lý, linh hoạt và sát sao.

Tuy vậy, trái ngược với BVSC, VCBS kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ trong năm 2017 sẽ ở mức dồi dào và tiếp tục là yếu tố hỗ trợ mạnh cho tỷ giá. Ngoại trừ Mỹ, nhiều quốc giá lớn trên thế giới, đặc biệt là khu vực Châu Á, vẫn đang duy trì chính sách nới lỏng khá mạnh mẽ. Theo đó, với thế mạnh về sự ổn định kinh tế, chính trị và tương đối gần gũi về địa lý, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là điểm sáng thu hút vốn đầu tư.

Hơn thế nữa, năm 2017 sẽ là năm quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tiếp tục diễn ra sôi động, đặc biệt tại những Tổng công ty lớn được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Diễn biến này hứa hẹn sẽ đem lại nguồn cung ngoại tệ lớn cho Việt Nam trong thời gian tới.

Theo đó, VCBS dự báo mức giảm giá của VND trong năm 2017 sẽ vào khoảng 2% – 4%.

Theo Bizlive

Tin bài liên quan:

VNTB – Doanh nghiệp ngành điều của Việt Nam kêu cứu

Do Van Tien

VNTB – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rút bớt tiền khỏi hệ thống

Trương Thế Tử

VNTB – Bức tranh nợ công của Việt Nam qua góc nhìn BVSC

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo