Khúc Thừa Sơn
(VNB) – Không chỉ ngăn chặn việc đi lại của người dân mà những kẻ mặc thường phục còn ra tay cướp tài sản, phá nát vòng hoa và giở một số hành động quấy phá khác hòng gây khó khăn cho người dân ở TP. Hồ Chí Minh tiến hành buổi lễ tưởng niệm các anh hùng, tử sĩ, các quân dân đã hi sinh trong các cuộc chiến bảo vệ lãnh hải, lãnh thổ chứ không chỉ có riêng cuộc chiến tranh biên giới Việt- Trung năm 1979.
Những kẻ phá rối buổi tưởng niệm của người dân là ai?
Ngày 17/ 2/ 2016, hàng trăm người dân ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã tập trung về tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội) và tượng đài Trần Hưng Đạo (TP. Hồ Chí Minh) để làm lễ tưởng niệm 37 năm ngày hàng chục ngàn quân dân Việt Nam đã bị 600.000 quân bành trướng Trung Quốc sát hại trong trận chiến biên giới Việt Nam- Trung Quốc (17/ 2/ 1979 & 17/ 2/ 2016). Đáng lẽ buổi tưởng niệm sẽ diễn sẽ ra với không khí trang nghiêm, ấm cúng và trọn vẹn hơn đối với người dân ở hai đầu đất nước nếu không có điều đáng tiếc xảy ra ở TP. Hồ Chí Minh.
Trong khi ở Hà Nội buổi tưởng niệm diễn ra suôn sẻ không có vấn đề gì thì tại TP. Hồ Chí Minh có đến chục người dân bị những kẻ mặc thường phục canh giữ trước nhà, ngăn chặn việc đi lại hòng không cho người dân đi tham dự buổi lễ tưởng niệm. Thậm chí những kẻ này còn ra tay đánh người, cướp điện thoại, phá nát vòng hoa ngay tại buổi lễ tưởng niệm gây bức xúc không chỉ số đông người dân có mặt tại buổi lễ tưởng niệm mà còn khiến dư luận trong và ngoài nước đánh giá không tốt, ảnh hưởng xấu đến chính quyền các cấp ở TP. Hồ Chí Minh.
Chị Đinh Như Quỳnh, chị của Tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha bị những kẻ mặc thường phục chặn ở vòng ngoài, không cho vào tham dự buổi tưởng niệm bức xúc chia sẻ:
“Tôi bứơc qua khu vực tượng đài thì có một nhóm khoảng 3 an ninh đi lại cản đường không cho tôi vào. Họ nói là tôi không được vào đó. Tôi hỏi lí do và nói đây là công viên, mọi người khác được vào sao tôi không được? Tôi lấy điện thoại ra quay thì họ (an ninh) liền bẻ tay, gạt điện thoại của tôi xuống đất. Tôi la cướp thì bị đánh vào mặt và (an ninh) nói là tao cướp đấy. Họ đẩy tôi xuống đường”
Không thể vào làm lễ tưởng niệm cùng với mọi người nên chị Quỳnh đành phải ra về. Chung hoàn cảnh bị gây khó dễ như chị Quỳnh còn có anh Trần Hoàn và anh H (nhân vật xin được giấu tên).
“Tôi đứng quan sát và cố giữ không khí trang nghiêm cho buổi lễ và vào lôi bọn phá đám ra ngoài…”
Lời của anh Trần Hoàn. Còn anh H thì bị những kẻ mặc thường phục ra tay nặng nề hơn là thẳng tay đấm vào mặt anh. Anh H kể:
“Họ nhận ra mặt mình nên ngăn cản mình vào trong, mình giằng co đi vào thì anh an ninh đấm vào mặt mình rồi hất điện thoại xuống đường. Mình thấy căng thẳng nên mình quay ra và đi về”
Điều đáng nói là cả chị Quỳnh, anh Hoàn và anh H đều nhận mặt được một vài kẻ phá buổi tưởng niệm chính là những người công tác trong ngành công an, là cán bộ Đoàn TNCS. Với sự quan sát của mình, anh Hoàn nói nhóm người mặc thường phục này khi hành động có toan tính chiến thuật. Lời của anh Trần Hoàn:
“Theo tôi quan sát thì bọn phá đám chúng chia ra hai tốp đều có một vài tay đứng nghiên cứu tình thế thông qua bộ đàm. Tốp 1 gồm khoản gần 10 tay có nam có nữ trực tiếp xông vào phá ngay từ lúc diễn ra buổi lễ. Họ cầm dù che đi tràn hoa và băng rôn… chủ ý tránh camera thấy được những cảnh chúng cướp tràn hoa và băng rôn. Có toan tính chiến thuật. Tốp 2 được bố trí xung quanh khu vực khoảng hơn 30 người chờ lệnh hỗ trợ tốp một. Họ lấy dù che vòng hoa. Sau đó vài kẻ chen vào giựt hoa”
“Anh này là an ninh thành phố, tôi đã gặp rồi và biết rõ tên. Tôi không muốn nêu tên anh ta, mặc dù có cả clip quay nhưng tôi chỉ đăng lên cảnh cáo vậy thôi”- Lời của anh H.
Không chỉ phá rối riêng ngày tưởng niệm 37 năm cuộc chiến biên giới Việt- Trung năm nay mà những ngày lễ Hoàng Sa, Trường Sa trước đó người dân ở TP. Hồ Chí Minh cũng bị những kẻ mặc thường phục phá rối tương tự. Còn nhớ hôm tưởng niệm ngày Hoàng Sa 19/1/2016, cũng tại tượng đài Trần Hưng Đạo, người dân ở TP. Hồ Chí Minh tham gia tưởng niệm ngày Hoàng Sa bị mất về tay Trung Quốc cũng bị những kẻ mặc thường phục phá rối, bắt người. Có đến 3 người bị công an bắt giữ và hoàng loạt người khác bị ngăn chặn tại nhà. Tại nơi tổ chức buổi lễ tưởng niệm, đông đảo lực lượng vệ sinh môi trường dùng vòi xịt nước khiến mọi người làm lễ tưởng niệm hết sức khó khăn. Có mặt trong buổi tưởng niệm Hoàng Sa ngày hôm ấy, anh Hoàng Huy Vũ chia sẻ:
“ Năm nay tôi cũng bị canh từ ngày hôm qua nhưng tôi phải lén đi khỏi nơi canh gác để sáng hôm nay đến nơi tham dự buổi tưởng niệm. Có điều tôi rất buồn là một sự kiện thiêng liêng, ý nghĩa mà cả chính quyền và người dân cả nước đang quan tâm thì tôi bị buộc phải tham gia một cách lén lút như một người trộm hết sức vô lý, tôi khẳng định mình không hề vi phạm pháp pháp luật và hiến pháp Việt Nam”. Anh Vũ bức xúc.
Réo tên Đinh La Thăng!
Hành động của những kẻ mặc thường phục này khiến dư luận bức xúc cho là những kẻ hèn nhát, không đáng tôn trọng. Anh Vũ nhận xét nặng nề hơn khi cho họ là những kẻ vô ơn với Tổ quốc, chính thể CHXHCN Việt Nam dung dưỡng những con người như thế này thì không thật lòng. Lời bức xúc của anh Vũ:
“Tôi nghĩ những kẻ mặc thường phục này đã hành động vô ơn với Tổ quốc, họ đã vô tình chứng minh người dân thấy giữa lời nói và hành động của chính quyền không đi đôi với nhau, họ chưa thật lòng”
Và tình cảnh những kẻ mặc thường phục phá rối tái diễn trở lại trong ngày tưởng chiến tranh biên giới Việt – Trung 17/ 2/ 2016 năm nay khiến người dân phẫn uất réo gọi tên ông tân bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh hiện tại là ông Đinh La Thăng liên tục và cả những người công tác ở ban Tuyên giáo thành Đoàn – Đoàn TNCS có trụ sở tại Quận 1-TP. Hồ Chí Minh.
“Tôi chỉ muốn nói đến các người đang (công tác) trong cái ban tuyên giáo Thành Đoàn – Đoàn TNCS trụ sở ở Q1 là các người chỉ giỏi ma mị lớp Thanh thiếu niên đến sinh hoặt Đoàn, huấn luyện các em vào vai trò trong những âm mưu đê hèn bảo vệ độc Đảng toàn trị, phá đám các cuộc tưởng niệm công khai cũng như xuống đường nêu lên chính kiến của người dân Việt Nam. Làm công cụ vô tri cho bọn Tuyên Giáo trung ương và lũ an ninh, đàn áp những người dân bất đồng chính kiến”
Anh Trần Hoàn bức xúc. Còn anh H thì thấy tội nghiệp cho những kẻ mặc thường phục.
“Mình chỉ cảm thấy buồn và tội nghiệp họ thôi, hành động đó rất thiếu hiểu biết và họ sẽ phải ân hận vì chuyện đó sau này, còn bức xúc thì hết rồi. Thực sự là sau khi bị đánh thì chỉ cảm thấy buồn và tội nghiệp”
Với chính quyền TP. Hồ Chí Minh, người dân đòi hỏi một trách nhiệm trong nghề nghiệp và trách nhiệm xứng danh với hai từ “chính quyền”.
“Chính quyền cần phải công khai trả lời trước công luận về việc này. Nếu họ không làm vậy tức là họ đồng loã và dung túng cho hành động phá hoại và bán nước. Họ không được gọi là “chính quyền”…”
Một vài giờ sau khi buổi lễ tưởng niệm 37 năm ngày chiến tranh biên giới Việt – Trung kết thúc, hình ảnh những kẻ mặc thường phá rối buổi tưởng niệm được đông đảo cư dân mạng phổ biến rộng rãi kèm theo những lời chỉ trích đầy nặng nề. Thiết nghĩ, không khó để các cấp chính quyền ở TP. Hồ Chí Minh truy tìm, điều tra tung tích những kẻ mặc thường phục này là ai? Làm rõ hành vi phá rối của họ là có mưu đồ gì? Hòng tránh tái diễn những hành động tương tự tiếp diễn xảy ra, trước mắt là sự bình yên của người dân tham gia buổi tưởng niệm ngày Trường Sa 14/ 3 sắp tới nếu có tổ chức. Và cuối cùng là xoa dịu sự bức xúc của người dân đối với các cấp chính quyền, đồng thời thể hiện mình là một chính quyền biết gìn giữ truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn”, không quên công ơn của các anh hùng, tử sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến vệ quốc để mình có cuộc sống hôm nay.
” Cư xử vô ơn với người đã hi sinh để bảo vệ tổ quốc thì mai này ai còn dám xung phong ra trận nữa chứ. Chúng nó là một lũ khốn nạn mất hết tính người” – lời phẫn nộ của nghệ sĩ Kim Chi ./.