Hai tháng sau khi chính phủ mới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay thế chính phủ cũ của Nguyễn Tấn Dũng, tình hình kinh tế nói chung và nợ xấu nói riêng vẫn nằm nguyên trong vòng thê thiết.
Nếu bỏ qua số liệu công bố về nợ xấu của Ngân hàng nhà nước mà luôn “quyết tâm” đưa nợ xấu về dưới 3%, số liệu mà một trang kinh tế trong nước là CafeF tổng hợp từ 17 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2016, với 11/17 ngân hàng có phần thuyết minh chi tiết về nợ xấu, cho thấy nợ xấu đã thực sự tăng mạnh trong thời gian gần đây, cả về số tương đối và tuyệt đối.
BIDV vẫn đang là ngân hàng đứng đầu về tổng số nợ xấu với con số lên tới hơn 11 nghìn tỷ đồng, trong số này chiếm một nửa là nợ có khả năng mất vốn. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tăng lên 1.84% và trong gần 7,600 tỷ đồng nợ xấu có đến 77% thuộc nợ nhóm có khả năng mất vốn…
Nhìn lại, có thể thấy vũ điệu nhảy múa số liệu nợ xấu của Ngân hàng nhà nước đã biến diễn đầy ma mị kể từ khi chính phủ mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được thành lập vào tháng Tám năm 2011. Từ đó đến nay, thống kê sơ bộ cho thấy đã có ít nhất 15 lần tỉ lệ nợ xấu được Ngân hàng nhà nước cho “khiêu vũ,” với độ biến thiên từ 3% đến 17%. Tuy thế, các số liệu được công bố lại quá thiếu cơ sở và chẳng còn làm mấy người ngờ nghệch tin tưởng.
Trong khi đó, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm tín dụng có uy tín trên thế giới là Fitch Ratings đã tuyên bố một con số khác hoàn toàn dành cho nợ xấu Việt Nam: 13%!
Vào năm 2015, một tổ chức tín dụng độc lập khác là FT Confidential Research cũng công bố: Tỉ lệ nợ xấu ngân hàng Việt Nam vào khoảng 15% trong năm 2014, thực tế cao hơn nhiều so với con số chính thức.
Chỉ đến cuối năm 2014, Thống đốc Nguyễn Văn Bình mới lần đầu tiên tiết lộ con số nợ xấu vào năm 2013 lên đến khoảng 500,000 tỷ đồng (tương đương khoảng $23 tỷ), trong khi vào thời điểm năm 2013, Ngân hàng nhà nước chỉ công bố “láo” con số nợ xấu vào khoảng 150,000 tỷ đồng.
Vào đầu năm 2016 và ngay trước khi khai mạc kỳ họp thứ 11, Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia, một cơ quan khá khép nép thuộc chính phủ, đã đột ngột tung ra số liệu cho rằng trong năm 2015, nợ xấu là 119,660 tỷ đồng, tương đương tỉ lệ 2.9% (năm 2014 là 3.7%), giá trị tuyệt đối khoảng 120,000 tỷ đồng; tuy nhiên, con số này chưa tính đến 243,000 tỷ đồng nợ xấu đang “mắc kẹt” tại công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC), gấp đôi số nợ xấu trên sổ sách được thống kê.
Như vậy sau hai năm rưỡi ra dời, VAMC đã chỉ làm được một công việc rất khiêm tốn là “gom nợ xấu”, nhưng không biết phải xử lý số nợ xấu này ra sao.
Cũng sau hơn hai năm kể từ ngày phát động phong trào thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, số liệu mới nhất cho thấy vẫn còn đến 60% số vốn chưa thể thoái được.
Một trong những hậu quả ngay trước mắt đang ứng vào Tập đoàn tư nhân Hoàng Anh Gia Lai. Chiếm đến hơn phân nửa số nợ xấu của Ngân hàng BIDV, Hoàng Anh Gia Lai lại đang hầu như bế tắc trong việc phát triển kinh doanh và trả nợ. Trong năm 2016 và sang năm 2017, nếu chính phủ không “đặc cách” cứu Hoàng Anh Gia Lai thì nhiều khả năng BIDV cũng phải chịu liên đới với một số lớn nợ xấu một đi không bao giờ trở lại.
Lê Dung / SBTN