PV (VNTB) “Nhiều tâm tư lắm! Tôi đã gửi thư cho nhiều cho lãnh đạo cũng như ký tham gia các kiến nghị của nhân sĩ… nhưng tất cả đều im lặng, chẳng những thế còn bị theo dõi nữa”- Tâm tư của ông Mạc Nguyễn Hùng Trường ở Đà Nẵng khi nghĩ về cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979.
Ngày này 37 năm về trước (17/ 2/ 1979 – 17/ 2/ 2016), lợi dụng tình hình Việt Nam vừa chấm dứt cuộc chiến tranh hai miền Nam-Bắc, những khó khăn vấp phải sau ngày thống nhất đất nước cũng như thế giới đang chứng kiến cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai trục Chủ nghĩa Tư bản (CNTB) do Hoa Kỳ đứng đầu và Chủ nghĩa Cộng sản (CNCS) lấy Liên Xô làm thành trì đối nghịch. Rồi những mâu thuẫn nạn rứt của những nước trong khối cộng sản anh em như mâu thuẫn Trung- Xô, mâu thuẫn Việt Nam- Camphuchia … bất ngờ chính quyền bành trướng Trung Quốc đã tung 600.000 quân tấn công ào ạt 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam gồm: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Hơn 60.000 quân và dân Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến vệ quốc này để bảo toàn sự độc lập của Tổ quốc…
Việt Nam với cuộc chiến ngày ấy…
Tuy không phải là người tham gia trực tiếp trong cuộc chiến biên giới Việt Nam-Trung Quốc năm 1979 nhưng ông Mạc Nguyễn Hùng Trường (Đà Nẵng) vào thời điểm ấy vốn là người trong quân ngũ đã chia sẻ ngắn gọn với Việt Nam Thời Báo (VNTB) về bối cảnh lịch sử của Việt Nam ngày ấy trước khi dẫn đến cuộc chiến ngắn ngày nêu trên.
“Thời ấy tôi là người lính trẻ, đất nước mới “giải phóng” nên chưa rành như bây giờ. Nói về bối cảnh lịch sử Việt Nam lúc đó thật là dài dòng nhưng tôi gói gọn như thế này: Liên Xô – Trung Quốc xung đột nhau, Việt Nam lại thân Liên Xô, hai nước có ký hiệp ước Việt –Xô. Khi Trung Quốc- Liên Xô chấm dứt hiệp ước Xô-Trung , Việt Nam sa vào các tính toán của các cường quốc. Hoa Kỳ lúc đó đang tìm cách hạ Liên Xô…”.
Ông Mạc Nguyễn Hùng Cường. Ảnh: nhân vật cung cấp |
Vì muốn dằn mặt Việt Nam nên bọn bành trướng Trung Quốc dưới sự cầm quyền của Đặng Tiểu Bình đã xua quân tấn công Việt Nam – tạo thành cuộc chiến biên giới Việt Nam- Trung Quốc năm 1979. Cùng thời gian này, theo sử liệu ghi lại thì phía Trung Quốc còn giật dây cộng sản Polpot đang nắm quyền ở đất nước Camphuchia có xu hướng chống Liên Xô đồng thúc quân tấn công các tỉnh biên giới Tây Nam của Việt Nam. Năm 1979, là thời điểm Việt Nam đỏ lửa ở hai đầu đất nước.
Thực hiện được ý đồ chia quân ở Việt Nam, bọn bành trướng Bắc Kinh đã nghênh ngang trước quốc tế rằng, sẽ dạy cho Việt Nam một bài học.
“Đúng là Đặng Tiểu Bình có nói với Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Việt Nam là bọn côn đồ, phải dạy cho nó một bài học…. Vì tính chất nước lớn của bọn bành trướng là vậy, chúng (Trung Quốc) luôn cho chúng là ‘Thiên triêu’ và Việt Nam chỉ là ‘phiên quốc’,” ông Trường nói.
Kết thúc cuộc chiến biên giới Việt – Trung năm 1979, cả Việt Nam lẫn phía Trung Quốc bị tổn thất nặng nề, không bên nào giành phần thắng toàn diện, dù rằng truyền thông hai bên đều đề cập đến “chiến thắng” khi nói về cuộc chiến.
Về phía Việt Nam, theo ông Trường là “Quân sự thì Việt Nam thắng nhưng về chính trị lẫn tình báo Việt Nam đều thua”.
Nhận định của ông Trường cũng chính là nhận định của nhiều người dân Việt Nam quan tâm đến cuộc chiến này. Vì lẽ phiá Việt Nam còn ít tư liệu để tìm hiểu nên đa phần mọi người chưa thể khẳng định nhận định kết quả cuộc chiến như trên là rõ ràng. Riêng nhà văn Phạm Viết Đào thì nhận định có khác một chút khác.
“Tất nhiên nói quân sự thắng cũng chưa đúng lắm vì ta đẩy lùi nhưng vẫn bị mất nhiều đất dọc biên giới…nên chưa thể gọi là thắng”. Ông Đào cho biết.
Và Việt Nam hôm nay đang làm gì?
Mặc dù cuộc chiến biên giới Việt Nam- Trung Quốc đã qua được 37 năm nhưng có lẽ do tính “nhạy cảm” của cuộc chiến có ảnh hưởng đến ngoại giao giữa hai bên, nên hầu hết sách sử Việt Nam đến nay vẫn chưa được viết chi tiết. Thậm chí có cả thời gian dài nó còn hạn chế nhắc đến, và đây là điều nhức nhói, gây tâm tư đối với nhiều người như ông Trường.
“Nhiều tâm tư lắm! Tôi đã gửi thư cho nhiều cho lãnh đạo cũng như ký tham gia các kiến nghị của nhân sĩ… nhưng tất cả đều im lặng, chẳng những thế còn bị theo dõi nữa”.
Lễ tưởng niệm sự kiện 17/02 tại Hà Nội. |
Ông Trường buồn bã chia sẻ bởi trước thực trạng đòi hỏi phải trả sự thật cho lịch sử, không được tránh né khi trong dư luận đã và đang đánh giá Chính quyền nhà nước Việt Nam đối xử không công bằng với anh hùng liệt sĩ Việt Nam đã ngã mình ở cuộc chiến biên giới 1979.
Khi được VNTB hỏi bức xúc của ông trước tội ác của bọn bành trướng Trung Quốc thì ông Trường khẳng định: “Căm hận!”
“Giặc Tàu không bao giờ thành thật vì chúng đang thực hiện chiến lược ‘Chiến tranh phá hoại nhiều mặt’ từ năm 1950 đến nay,” ông Trường thẳng thắn nhận định.
Qua cuộc chiến biên giới Việt Nam – Trung Quốc 1979, theo ông Trường, nó đã nói lên một điều: “Trung Quốc không bao giờ thành thật trong ban giao với Việt Nam, càng khó có thể là bạn tốt, bạn ‘vàng’.
“Cần đấu tranh để cuộc chiến tranh này vào sách giáo khoa, và các bạn trẻ nên tham khảo các trang mạng về cuộc chiến này”. Lời chia sẻ lắng đọng của ông Trường.