Trần Thành – Thảo Vy
(VNTB) – Tháng 11-2010, UBND xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cho báo chí biết là đang hoàn tất thủ tục khởi kiện chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Hố Hô vì không đền bù như cam kết, và buông lỏng công tác vận hành cửa van cung xả lũ gây thiệt hại lớn cho địa phương.
Việc khởi kiện Nhà máy Thủy điện Hố Hô được căn cứ vào các lý do như sau: Ngay từ năm 2007 đến 2010, Nhà máy Thuỷ điện Hố Hô đã gây hai đợt lũ cực kỳ dữ dội trên địa bàn của xã và buông lỏng công tác vận hành, không mở được cống xả lũ khiến mực nước trong lòng hồ dâng cao.
Đặc biệt, ngày 3-10-2010 đã gây ngập nhiều hoa màu, phá hỏng nhiều đường sá, cầu cống… ước tính thiệt hại khoảng 8 tỉ đồng và một người dân bị chết lũ.
Luật sư Phan Chiều, thuộc Văn phòng Luật sư An Phát (Đoàn luật sư Hà Tĩnh), nói: “Năm 2010, hàng trăm người dân xã Hương Hoá định nhờ tôi tư vấn khởi kiện yêu cầu Nhà máy thuỷ điện Hố Hô bồi thường, tôi đã có động thái ban đầu tư vấn, tập hợp hồ sơ nhưng sau đó chính quyền địa phương sở tại vận động người dân chờ đợi và chờ đợi… đến bây giờ vẫn vậy”.
Luật sư Phan Chiều cho biết khi Nhà máy thuỷ điện Hố Hô chuẩn bị đưa vào vận hành, do không có phương án dự phòng nên khi mất điện, không mở được cổng xả nên nước dâng cao, gây tràn đập và sau đó buộc Thuỷ điện Hố Hô đã phải dùng các công cụ hỗ trợ xả một lượng nước lớn không thể điều tiết gây nên trận ngập úng lịch sử năm 2010.
Hậu quả của việc xả lũ không điều tiết này không những gây ngập úng, thiệt hại về người và tài sản, cây cối, hoa màu, mà còn làm mất đi công cụ sản xuất của người dân. Cụ thể, hàng ngàn ha đất canh tác hoa màu của bà con người dân xã Hương Hoá đã bị san lấp toàn đá sỏi trong một đêm không thể canh tác.
“Sau sự cố này, đã nhiều lần Ban lãnh đạo Nhà máy thuỷ điện Hố Hô hứa sẽ hỗ trợ người dân xã Hương Hoá, nhưng cho đến nay việc hỗ trợ vẫn nằm trên giấy”. Luật sư Phan Chiều nói.
Chưa có nhà máy thủy điện nào ‘hầu tòa’
Thủy điện Hố Hô xả lũ giết sống dân
Ông Lê Trí Tập, cựu chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói rằng lâu nay khi xả lũ làm người dân thiệt hại, người ta hay dùng cụm từ “hỗ trợ”. Hỗ trợ là cái hàm ơn, còn đền bù là trách nhiệm.
“Bắt “ông” thủy điện đi vào trách nhiệm, nghĩa vụ này thì bây giờ rất khó vì trước nay chúng ta chưa từng làm. Và thực tế không dễ gì làm, vì ở đó có các nhóm lợi ích mà Nhà nước rất khó có thể điều khiển được các nhóm lợi ích ấy. Bây giờ mình bắt đền chắc chắn là không được, đôi khi mình nói hỗ trợ thì mấy “ông” thủy điện thấy mang tính hàm ơn thì họ làm! Không thể bắt nhau được đâu, cho nên hỗ trợ là giải pháp tốt hơn kiện cáo trong lúc này”. Ông Lê Trí Tập, nói.
Góc nhìn khác, cựu thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Phạm Hồng Giang nhìn nhận: “Có thể nói, việc này không phải đã diễn ra lần đầu, đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Đến bây giờ, cũng không biết là lỗi tại ai? Nhà máy bảo rằng, tôi làm đúng quy trình. Đúng quy trình tức là khi anh nhận được thông báo phải hạ thấp mức nước hồ, thực tế anh có hạ không? Địa phương thì nói rằng, nhà máy xả nước không đúng. Thế thì, tôi cho rằng, việc cãi vã nhau như thế này, rõ ràng thể hiện chúng ta có những lỗ hổng nhất định trong quy trình và có những lỗ hổng nhất định trong việc giám sát”.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, và phó Chủ tịch Hội đập lớn thế giới (ICOLD), ông Phạm Hồng Giang nói rằng việc quản lý đập, quản lý an toàn đập là một lĩnh vực chuyên môn rất hẹp.
“Chịu trách nhiệm về việc phải là người được đào tạo nghiêm túc, huấn luyện đầy đủ. Chưa nói những người thuộc chuyên môn khác, ngay các kỹ sư thủy lợi cũng không phải ai cũng am hiểu thấu đáo về kỹ thuật an toàn đập. Chỉ những người trực tiếp tham gia xây dựng, luôn cập nhật được những công nghệ tiên tiến thì mới có thể đảm trách công việc này. Không thể khoán trắng an toàn đập cho chủ đập. Chủ nào thì cũng theo đuổi lợi nhuận, chủ ‘quốc doanh’ lại chỉ có nhiệm kỳ. Trong khi đó, nguy cơ mất an toàn đập thì lâu dài và thiệt hại thì hết sức lớn”. Ông Phạm Hồng Giang nhấn mạnh và cho biết đập Hố Hô (Hà Tĩnh) vỡ năm 2010 là “do quản lý thiếu trách nhiệm, không biết gì về an toàn đập”.
Quy trình xả lũ cho phép gây thiệt hại tài sản người dân?
Vụ Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả lũ thủy điện trong đêm kinh hoàng 14-10-2016, được Bộ Công thương cho là hồ chứa xả lũ là chuyện bình thường, đầy thì phải xả. Nó chỉ không bình thường khi xả không đúng với quy trình!
Nếu thủy điện xả sai quy trình là phải xử lý. Vấn đề là kiểm tra thủy điện xả có đúng quy trình hay không, coi quy trình đã hợp lý chưa để điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, điều kiện quan trọng nhất để có thể quy trách nhiệm đền bù khi xả lũ, là ai giám sát và khẳng định xả lũ của các hồ chứa thủy điện là đúng qui trình, thì vẫn chưa có câu trả lời!
Như vậy câu hỏi đặt ra: “Có phải quy trình xả lũ cho phép gây thiệt hại tài sản, tính mạng người dân?”.
Có lẽ câu trả lời sẽ thuyết phục, khi đó là một phán quyết từ một phiên tòa cho chuyện Nhà máy thủy điện Hố Hô sẽ “hỗ trợ”, hay buộc phải “đền bù” tất cả các thiệt hại của người dân do việc xả lũ đêm 14-10-2016 do Nhà máy Thủy điện Hố Hô gây ra.
Nói thêm, chỉ xét riêng nhận xét của ông Phạm Hồng Giang: “Không thể khoán trắng sinh mạng của hàng chục nghìn người dân cùng với những tài sản, kết cấu hạ tầng quốc gia ở hạ du của đập cho các doanh nghiệp thủy điện vì mối quan tâm hàng đầu của họ là lợi nhuận”, cho thấy đã có căn cứ để xem xét/ truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 285 “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Bộ Luật Hình sự 1999, của các đời bộ trưởng Bộ Công nghiệp/ Công thương.
—————
Xem lại:
VNTB- Bộ trưởng công thương sẽ là bị can trong các vụ xả đập thủy điện gây thiệt hại cho dân? (Bài 1)
http://www.ijavn.org/2016/11/vntb-bo-truong-cong-thuong-se-la-bi-can.html
http://www.ijavn.org/2016/11/vntb-bo-truong-cong-thuong-se-la-bi-can.html