Trần Thành (lược ghi)
(VNTB) – “Đời sống hiệp hội – Từ góc nhìn của người dân” là nội dung một báo cáo do Lê Quang Bình cùng các cộng sự Trần Chung Châu, Hoàng Anh Dũng, Trần Văn Tuấn và Vũ Hồng Phong (Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường – iSEE) thực hiện qua việc khảo sát ý kiến của người dân.
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả nói rằng: Nếu Nhà nước xác định Mặt trận tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị – xã hội là Hội hoạt động xã hội dân sự, thì Luật về hội cần điều chỉnh MTTQ và các tổ chức này. Đây cũng là ý kiến của 84% người tham gia khảo sát khi được hỏi liệu Luật về hội có điều chỉnh MTTQ và các đoàn thể hay không.
Có chín vấn đề đặt ra trong nội dung của Luật về quyền lập hội.
Thứ nhất, quyền lập hội là quyền dân sự nên cần tôn trọng tinh thần “nhà nước công nhận hợp đồng dân sự lập hội của người dân”, vì vậy Luật về hội cần áp dụng “thủ tục mang tính thông báo” (mô hình đăng ký) hơn là “thủ tục phê duyệt trước” (mô hình xin – cho) cho tất cả các loại hình hội, kể cả hội có thành viên hay hội không có thành viên (NGO, Quỹ).
Điều này đảm bảo ai muốn thành lập hội cũng thực hành được, đồng thời tránh tình trạng phải “giả trang” vì khó lập hội, chẳng hạn tổ chức tôn giáo phải đăng ký như tổ chức khoa học công nghệ, tổ chức phi lợi nhuận phải đăng ký như doanh nghiệp, dẫn đến không minh bạch, gây khó khăn cho hoạt động của hội cũng như quản lý của Nhà nước.
Cụ thể, Luật về hội cần quy định người đại diện hội chỉ cần nộp hồ sơ đăng ký ở cơ quan chuyên trách cấp tỉnh (ví dụ như Sở Nội vụ) hoặc cấp trung ương (ví dụ như Bộ Nội vụ) ghi rõ loại hình hội của mình.
Về thời gian, sau 10 ngày làm việc, cơ quan nhận hồ sơ cấp giấy xác nhận và hội có tư cách pháp nhân và hiện hữu với bên thứ ba. Đồng thời, Luật cần bỏ chế độ “bộ chủ quản” để tránh các thủ tục rườm rà, không cần thiết. Điều này sẽ giảm khối lượng công việc hành chính phê duyệt của các cơ quan nhà nước, đồng thời giải quyết một trong những khó khăn lớn nhất của các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam hiện nay: đăng ký tư cách pháp nhân.
Thứ hai, Luật về hội không nên giới hạn địa bàn hoạt động theo địa điểm hành chính nơi hội đăng ký trụ sở chính. Cụ thể, khi Hội đăng ký ở một địa phương (ví dụ ở Huế), nhưng có quyền hoạt động trên toàn quốc, thậm chí khu vực và quốc tế.
Điều này là cần thiết vì các vấn đề Hội giải quyết như môi trường, bảo vệ tài nguyên, quyền, hay trao đổi văn hóa, giáo dục không giới hạn trong địa bàn hành chính. Giống như thị trường tự do cần cho doanh nghiệp hoạt động không giới hạn địa bàn hành chính, thì dòng chảy thông tin, tri thức và hợp tác của hội cũng không nên bị giới hạn trong địa bàn nơi đăng ký.
Thứ ba, Luật về hội không được quy định một địa phương trong một lĩnh vực chỉ được có một hội hoạt động vì như vậy là hạn chế quyền tự do hiệp hội của người dân.
Một trong những bản chất cơ bản của quyền tự do hiệp hội là quyền lựa chọn tham gia hoặc thành lập hội mới một cách tự nguyện, không ép buộc. Nếu trong một vùng chỉ có một hội thì người dân bị ép phải tham gia hội đó, hoặc không thể thành lập hội của mình (vì trùng lĩnh vực).
Như vậy, rõ ràng quyền tự do hiệp hội của họ bị vi phạm. Bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền lựa chọn tham gia Hội của người dân cũng là điều kiện quan trọng để đảm bảo hoạt động hiệu quả, minh bạch và vì lợi ích công cộng của Hội (do có cạnh tranh).
Thứ tư, Luật về hội cần công nhận và bảo vệ hoạt động hợp pháp của Hội không có tư cách pháp nhân (hội không đăng ký). Trên thực tế, có nhiều hội, nhóm không cần đăng ký và không muốn đăng ký như dòng họ, hội đồng hương, hoặc hội cựu sinh viên. Việc này là phù hợp và đỡ tốn chi phí xã hội.
Tất nhiên, từ khía cạnh dân sự, Hội không có tư cách pháp nhân có thể sẽ không được công nhận và bảo vệ một số quyền, như sở hữu tài sản, giao dịch dân sự, và trách nhiệm pháp lý như Hội có tư cách pháp nhân.
Nói cách khác, Hội sẽ tự chọn đăng ký hay không đăng ký tùy vào đánh giá chi phí – lợi ích của Hội nhưng sự tồn tại và hoạt động của hội là hợp pháp. Để khuyến khích Hội đăng ký thì Luật cần đơn giản hóa việc đăng ký như khuyến nghị thứ nhất đã nêu.
Thứ năm, Luật về hội cần cho phép doanh nghiệp và cá nhân ghi phần đóng góp tài chính cho Hội để thúc đẩy các mục đích vì lợi ích công cộng như là chi phí trước khi tính thuế, và chỉ cần đăng ký các khoản viện trợ nước ngoài hơn là phải xin phê duyệt khó khăn như hiện nay.
Luật cần định nghĩa các hoạt động mang tính lợi ích công cộng (ví dụ như giảm nghèo, bảo vệ môi trường, giáo dục, văn hóa), nếu Hội triển khai các hoạt động này thì bản thân Hội và các doanh nghiệp, cá nhân đóng góp cho Hội sẽ được miễn thuế cho phần đóng góp đó.
Hội và các tổ chức phi lợi nhuận cũng được quyền nhận tài trợ từ các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước, tổ chức các hoạt động gây quỹ, kinh doanh và thu lời để phục vụ cho mục đích công cộng mà không phải chịu thuế.
Bên cạnh đó, nhà nước có thể cung cấp ngân sách theo tinh thần xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công trên nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng giữa các Hội. Dù nguồn lực từ đâu, nếu phục vụ cho lợi ích công cộng và đúng với sứ mệnh và hoạt động của Hội, thì Hội chỉ cần đăng ký tài trợ với cơ quan chuyên trách chứ không cần phải xin phép phê duyệt.
Thứ sáu, Luật về hội cần bảo vệ tính tự chủ về tài chính, tự quyết về lãnh đạo và tự chịu trách nhiệm về điều lệ và hoạt động của hội.
Cụ thể, Nhà nước không được can thiệp vào nội dung điều lệ của Hội, việc bầu chọn ban lãnh đạo của các Hội hay cử người của mình vào ban lãnh đạo Hội. Nói cách khác, cơ quan nhà nước không có quyền phê duyệt điều lệ hoặc Ban lãnh đạo của Hội, hoặc chiến lược hoạt động của Hội.
Trong trường hợp Điều lệ vi phạm pháp luật hoặc phương hại đến quyền con người thì Nhà nước có quyền can thiệp. Tuy nhiên, quá trình này cần phải được giải quyết qua quá trình khiếu nại hoặc khởi kiện ở tòa án để đảm bảo công lý cho các bên liên quan.
Thứ bảy, Luật về hội chỉ được hạn chế quyền tự do hiệp hội trong trường hợp cần thiết cho một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia hoặc an toàn, trật tự công cộng, bảo vệ sức khỏe và đạo đức xã hội, bảo vệ các quyền và tự do của người khác, và các hạn chế này phải ghi trong luật.
Tuy nhiên, việc hạn chế này phải cụ thể, rõ ràng theo chuẩn mực quốc tế và như quy định trong điều 14 của Hiến pháp.
Ví dụ chỉ có thể viện dẫn lý do an ninh quốc gia để giới hạn một số quyền khi điều đó là cần thiết để bảo vệ sự tồn tại của quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc sự độc lập chính trị của quốc gia trước việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực từ bên ngoài (Điều 22, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị); Hạn chế được biện minh với lý do an ninh quốc gia là không chính đáng nếu mục đích thực chất hoặc hiệu quả có thể thấy được là để bảo vệ lợi ích không liên quan đến an ninh quốc gia, bao gồm, ví dụ, để bảo vệ một chính phủ khỏi xấu hổ hay khỏi phô bày những hành động sai lầm (Nguyên tắc 2 của Các nguyên tắc Johannesburg).
Trong tất cả các trường hợp có hạn chế, cơ quan giải thích giới hạn quyền tự do hiệp hội phải là một cơ quan độc lập, ví dụ như tòa án chứ không phải là cơ quan hành chính.
Thứ tám, Luật về hội phải quy định theo hướng khi người dân có nhu cầu lập hội thì Nhà nước không có quyền từ chối nếu không có căn cứ đầy đủ và lý do chính đáng.
Trong trường hợp bị từ chối lập hội, hoặc đình chỉ, giải tán không thỏa đáng thì người dân có quyền khiếu nại theo thủ tục hành chính và khởi kiện ra tòa. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế cho phép Hội tuyên bố thành lập hợp pháp, nếu cơ quan nhà nước chậm trễ trong việc ra quyết định thành lập; hoặc đền bù thiệt hại cho những sai phạm về quyền tự do hiệp hội của các cơ quan hành chính.
Thứ chín, Luật về hội nên điều chỉnh MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội nếu Nhà nước coi các hội này hoạt động xã hội dân sự chứ không phải hoạt động chính trị quyền lực nhà nước.
Để quyết định điều này, Nhà nước cần định nghĩa rõ bản chất của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội. Nếu không coi họ là Hội hoạt động xã hội, dân sự, mà là tổ chức chính trị gắn liền với hoạt động quyền lực nhà nước, thì nên có luật riêng, không điều chỉnh trong Luật về hội.
Nếu Nhà nước xác định các tổ chức này là Hội hoạt động xã hội dân sự, thì Luật về hội cần điều chỉnh MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội. Đây cũng là ý kiến của 84% người tham gia khảo sát khi được hỏi liệu Luật về hội có điều chỉnh MTTQ và các đoàn thể hay không.
Về kinh phí, có thể có một chính sách riêng về ngân sách theo hướng giảm dần, tiến tới tự chủ về tài chính. Đây cũng là mong muốn của đa số người tham gia khảo sát, khi có 63% cho rằng Nhà nước không nên bao cấp ngân sách cho hội, tất cả các hội nên tự chủ tài chính.
Trong trường hợp Nhà nước sử dụng ngân sách cho Hội thực hiện các chương trình kinh tế, xã hội theo định hướng phát triển của mình, thì 80% người khảo sát cho rằng, cần chi ngân sách theo phương thức đấu thầu, cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt dựa trên bất cứ đặc điểm nào của Hội.
Việc ban hành Luật về hội như những kiến nghị ở trên sẽ tạo ra một động lực mới cho người dân thuộc mọi tầng lớp tham gia vào giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị ở Việt Nam.