Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ai chịu trách nhiệm về phát biểu của khách mời?

Hà Nguyên

(VNTB) –   “Tôi và vị tiến sĩ luật đã phát biểu quan điểm ngay lúc đó. Còn ý của người phát biểu đề nghị quý vị tiếp xúc với người đã phát biểu sẽ rõ thêm. Còn phát biểu quan điểm của người nào người đó chịu trách nhiệm”.

Ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam (là người có mặt tại buổi ‘livestream’, chồng bà Nguyễn Phương Hằng) đã có trả lời như vậy.

Rất có thể đây là một biện minh cho sự việc đã rồi, vì ‘livestream’ ở tài khoản cá nhân nào thì cá nhân ấy phải chịu trách nhiệm về nội dung của các vị khách mời ở phát biểu “…báo chí của cộng sản chung với phản động để đánh một Nguyễn Phương Hằng…”.

Cụ thể, đối với những trang tin điện tử cá nhân không phải cấp phép nhưng cá nhân phải chịu trách nhiệm toàn bộ những thông tin trên đó theo quy định. Những thông tin đó ví dụ như ở các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội được xác định là của bà Nguyễn Phương Hằng, thì rất có thể đã vi phạm những quy định của Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP:

“Điều 5. Các hành vi bị cấm

1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; (…) d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; (…) e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Theo Luật An ninh mạng năm 2018 và các luật, văn bản có liên quan thì công dân sử dụng, bày tỏ quyền tự do ngôn luận trên mạng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Luật An ninh mạng năm 2018 có phạm vi điều chỉnh rộng hơn quyền tự do ngôn luận của cá nhân trên báo chí theo Luật Báo chí năm 2016. Bởi, phát ngôn quan điểm cá nhân trên phương tiện báo chí như báo in, báo hình, báo điện tử – loại hình này phải được cấp phép, đăng ký hoạt động theo một quy định rất chặt chẽ, luôn được các cơ quan này kiểm định, kiểm chứng tính hợp pháp, hợp hiến, sự thực khách quan, bởi một bộ phận khá chuyên nghiệp, có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cao, sau đó mới cho phép đăng phát và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cho đăng phát.

Trong khi đó, để sở hữu một hay nhiều tài khoản cá nhân trên không gian mạng thì thủ tục đăng ký rất đơn giản. Cá nhân có thể đăng tải, chia sẻ thông tin ngay cả khi chưa có kiểm chứng. Cho nên, tính chính xác của thông tin cá nhân trên không gian mạng không cao.

Việc cá nhân sử dụng thông tin trên không gian mạng có hành vi làm nhục, vu khống người khác bị pháp luật nghiêm cấm. Người nào có hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chính vì vậy, tại Khoản 3, Điều 16 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định rất rõ khái niệm, thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác. Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Các giới hạn về tư do ngôn luận còn được thể hiện ở các hành vi bị nghiêm cấm, chế tài hành chính, hình sự trong Luật An ninh mạng năm 2018, Luật An toàn thông tin mạng năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015…

Cụ thể, hành vi xúc phạm nhân phẩm, uy tín của người khác trên tài khoản cá nhân Facebook, Youtube là vi phạm Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (có hiệu lực từ ngày 15-4-2020). Hành vi này bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng và bị buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Về trách nhiệm hình sự, hành vi xúc phạm nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị xử lý theo Điều 155 (tội làm nhục người khác), Điều 156 (tội vu khống) của Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu người đưa thông tin từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Việc sử dụng mạng xã hội xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác được Bộ luật Hình sự năm 2015 coi là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội làm nhục người khác và có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.


Tin bài liên quan:

VNTB – Thánh chửi, thần y, danh hài, và các ngôi sao đang lặn

Phan Thanh Hung

VNTB – Quốc hội cần thể hiện quyền lập pháp Hiến định

Phan Thanh Hung

VNTB – Không động cơ chính trị mà chỉ vì tiền?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo