Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ai chủ động, ai thích ứng và ai sẽ phục hồi nhanh?

Hàn Lam

 

(VNTB) – Để thích ứng, liệu ai đó có phải tiếp tục “bôi trơn” cho chuyện thủ tục hành chính

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp có chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”.

Hội nghị được truyền trực tuyến đến các địa phương, đơn vị liên quan trong cả nước.

Phát biểu tại Chương trình, đại khái Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng để nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị liên quan cần triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy các loại thị trường phát triển mạnh mẽ, an toàn, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch như thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường lao động….

Thủ tướng nhấn mạnh là sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, công dân số; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính “năn nỉ” các bộ, ngành, địa phương cần tổng rà soát lại các khó khăn, vướng mắc của tất cả các loại hình doanh nghiệp, đồng thời có kế hoạch xử lý, kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc; thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn vốn trong xã hội, trong đó có nguồn vốn của doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các loại thị trường…

Trong phát biểu trên cho thấy chỉ là mang tính nguyên tắc của chỉ đạo chung, và vẫn chưa rõ cụ thể ở đây ai được trao quyền chủ động để sau này “lỡ có gì” thì không bị đe dọa bắt bớ của “củi lò”; để thích ứng, liệu ai đó có phải tiếp tục “bôi trơn” cho chuyện thủ tục hành chính, chuyện “hoa hồng trà nước” trong các đề xuất dáng dấp của “lobby chính sách”; và những ai, nhóm quyền lực nào sẽ phục hồi nhanh theo nghĩa về “túi tiền kinh tế”…

Những câu hỏi trên sở dĩ đặt ra vì lâu nay ai cũng biết trong các khẩu hiệu cổ đọng chính trị thường rêu rao: “Dân biết – Dân bàn – Dân làm – Dân kiểm tra”, song lại thiếu hẳn về “vậy dân có hưởng từ chuyện ‘biết – bàn – làm – kiểm tra’ đó hay không?

Đại diện một tổ chức hội nghề nghiệp về chế biến thủy sản, diễn giải, trước hết đó là vấn đề chi phí sản xuất tăng cao đáng lo ngại khiến cho giá thành sản phẩm tăng và nguy cơ sẽ giảm khả năng cạnh tranh. Đầu tiên là vấn đề thức ăn chăn nuôi, trung bình hiện nay, đặc biệt sau dịch, đã tăng khoảng 20%. Giá thành thức ăn chăn nuôi của sản phẩm cá tra, tôm đang chiếm 65 – 70%, tác động chi phối rất lớn.

Thứ hai, chi phí vận tải biển và nhân công tăng trong 2 năm qua với các lý do liên quan đến dịch, liên quan đến ách tắc và bây giờ liên quan đến giá nhiên liệu tăng, nên hiện nay vẫn đang giữ ở mức cao. Bờ Tây Mỹ hiện nay đang ở mức 400 triệu đồng cho một container, đến châu Âu cũng tăng đến 4 lần từ 10.000 – 12.000 USD. Điều này chi phối rất nhiều, đặc biệt với ngành đông lạnh của chúng ta. Các chi phí đầu vào khác như bao bì, hóa chất, vận chuyển, hội nhập… đều tăng.

“VASEP kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có thủy sản, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi.

Tín dụng đang siết lại từ đầu tháng 8 vừa qua, trong khi lạm phát tăng cao khiến người dân các nước giảm tiêu dùng, nhiều nhà nhập khẩu cho biết không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10. Nghĩa là chúng ta sẽ tồn kho, chúng ta sẽ không có tiền để trả ngay cho ngân hàng, mà không trả khoản vay cũ thì các ngân hàng (trong 1 tuần qua) đều báo sẽ không cho vay khoản vay mới, dẫn đến không thu mua được cá, tôm của nông dân. Mong rằng Thủ tướng Chính phủ cũng như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo giúp cho các vấn đề đang diễn ra trong thời gian qua.

Vấn đề nữa là thách thức trong chi phí tuân thủ xử lý môi trường, một trong ba trụ cột để phát triển bền vững. Hiện ngành chúng ta có hai khâu quan trọng nhất là chăn nuôi và chế biến đều bị ách tắc bởi các quy chuẩn về môi trường.

Xu hướng của chúng ta là phát triển bền vững, bị vướng quy chuẩn môi trường liên quan đến nước thải đầu ra không nằm trong quy chuẩn chăn nuôi mà nằm trong quy chuẩn khác, rất nhiều chỉ tiêu không phù hợp với nuôi tôm, cá, như quy chuẩn xử lý phốt pho hữu cơ trong chế biến thủy sản đông lạnh. Rất mong Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét có quy chuẩn riêng” – trích ý kiến phát biểu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (VASEP).


Tin bài liên quan:

VNTB – Lãi suất ngân hàng lại tăng

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Cái ngu của Phạm Minh Chính ở Mỹ

Trương Thế Tử

VNTB – Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo