Hoài Nguyễn
(VNTB) – Bà Trần Thị Tuyết Diệu không nhận tội, bảo là việc làm như vậy thì phải có bị hại, phải mời bị hại ra trước tòa, còn không chỉ ra được một người nào bị tác động bởi những hành vi của cô ấy làm, thì cô ấy không chịu.
Những phiên tòa không hiện diện của “bị hại”
Phía bên tòa Phú Yên thì nói rằng đây là tác hại đến quốc gia, là cái chung chứ không phải là một cá nhân nào hết, cho nên không thể đưa cá nhân nào ra được.
Luật sư Nguyễn Khả Thành kể như vậy về phiên tòa xử cô nhà báo ở Phú Yên về tội danh theo Điều 117, Bộ luật Hình sự.
Bà Trần Thị Tuyết Diệu sinh năm 1988, trú thôn Xuân Thạnh 1, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Diệu tốt nghiệp khoa báo chí và truyền thông Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn TP.HCM, từ năm 2011, đến tháng 12 năm 2017, Trần Thị Tuyết Diệu là phóng viên báo Phú Yên.
Diệu bị khởi tố ở khoản 1 điều 117 Bộ luật Hình sự “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tội này thuộc nhóm tội ‘Xâm phạm an ninh quốc gia’, khoản 1 có mức hình phạt từ 05 năm đến 12 năm.
Trần Thị Tuyết Diệu bị bắt ngày 21/8/2020. Lúc 11g ngày 23/4/2021 TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt nguyên nhà báo Trần Thị Tuyết Diệu 08 năm tù theo khoản 1 điều 117 Bộ luật hình sự.
“Bị hại” là ai trong tố tụng hình sự?
Trở lại với thắc mắc: có phải Nhà nước là “cái chung”, cho nên không thể đưa cá nhân nào ra được ở vị trí là “bị hại”?
Vậy thì, “người đại diện” trong tố tụng thay mặt bị hại tham gia các giai đoạn tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử, hoà giải tại phiên toà,…) để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại trong hoàn cảnh của điều luật 117 là ai?
Theo quy định tại Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về bị hại thì “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”.
Trong trong tố tụng hình sự, quyền của bị hại được quy định tại Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như: Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; được thông báo về kết quả điều tra; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này; đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường; tham gia phiên toà; trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; kháng cáo bản án, quyết định của Toà án về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bị cáo.
Theo như quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bị hại có các đặc điểm sau đây: Thứ nhất, về chủ thể bị hại bao gồm là cá nhân, pháp nhân, tổ chức; Thứ hai, thiệt hại do tội phạm gây ra được phân chia bao gồm: Cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín. Tuy nhiên, cần lưu ý là hậu quả của sự thiệt hại không phải là điều kiện bắt buộc trong tất cả các trường hợp;
Thứ ba, thiệt hại của bị hại phải là đối tượng tác động của tội phạm, tức là phải có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội với hậu quả gây ra cho bị hại. Đây là điều kiện quan trọng để phân biệt giữa bị hại và nguyên đơn dân sự hay các đương sự khác trong vụ án hình sự;
Thứ tư, công dân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại chỉ được tham gia tố tụng với tư cách là bị hại khi và chỉ khi được cơ quan tiến hành tố tụng công nhận.
Khi ‘bị hại’ nắm trong tay quyền trừng trị bị cáo
Có một so sánh thế này: nếu như tòa án nước ngoài nhân danh công lý để xét xử, thì tòa án ở Việt Nam không nhân danh công lý, thay vào đó tòa án nhân danh nhà nước hay nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Vậy, phải chăng khi chủ tọa phiên tòa nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để tuyên bản án về chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì rõ ràng ở đây khó thể có sự tử tế, vì ‘bị hại’ đang nắm trong tay quyền trị tội bị cáo.
Còn với quan điểm của tòa, rằng đây là tác hại đến quốc gia, là cái chung chứ không phải là một cá nhân nào hết, cho nên không thể đưa cá nhân nào ra được – vậy thì đến lượt mình, chủ tọa phiên tòa nếu nhân danh nhà nước thì cũng không ổn, vì nhà nước chỉ là sản phẩm công cụ của con người, có thể trở thành một bên đương sự đối trọng với người dân.
Trong hệ thống pháp luật đã có một luật là Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, vậy khi Nhà nước có sai phạm và trở thành một bên đương sự thì làm sao Nhà nước vừa là người phán quyết đem lại công lý vừa là đương sự được?