VNTB – Ai đã duyệt việc mang hành khách ra để ‘giỡn mặt’?

VNTB – Ai đã duyệt việc mang hành khách ra để ‘giỡn mặt’?

Đông Đô

(VNTB) – Lãnh đạo Hanoi Metro: Sẽ còn nhiều lần diễn tập trên tàu điện Cát Linh!

 

Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã họp với Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) để kết luận, rút kinh nghiệm sau tình huống diễn tập xử lý sự cố tại đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

“Hành khách cũng cần diễn tập cho quen dần với các tình huống có thể xảy ra. Như ở Nhật Bản từng có vụ đánh khí độc trong tàu điện, hành khách không được diễn tập trước thì nguy hiểm”, lãnh đạo Hanoi Metro giải thích.

Ông Vũ Hồng Trường – tổng giám đốc Hanoi Metro – cho biết lúc 18g30, bộ phận khai thác nhận được thông tin về sự cố máy đếm trục tín hiệu của đoàn tàu tại ga Cát Linh. Thời điểm đó một đoàn tàu chuẩn bị rời ga Cát Linh với hơn 30 hành khách đã mua vé nhưng phải dừng tàu để khắc phục. Đây là sự cố về lỗi tín hiệu và cũng là sự cố đầu tiên từ khi đường sắt Cát Linh – Hà Đông được đưa vào khai thác.

Theo phương án ứng phó sự cố, Hanoi Metro đã thông báo cho hành khách tại ga và trả tiền mua vé cho hành khách, gọi xe buýt chở hành khách bị ảnh hưởng bởi sự cố. Tuy nhiên, ông Trường cho biết phần lớn hành khách không sử dụng xe buýt mà nhận lại tiền đã mua vé.

Nhà ga Cát Linh đã tạm ngừng khai thác để khắc phục sự cố hơn 30 phút. Đến 19g10, sự cố được xử lý, đoàn tàu chạy lại bình thường. Trong thời gian đó, các đoàn tàu chỉ khai thác từ ga Yên Nghĩa cuối tuyến đến ga Thượng Đình.

“Sau khi khắc phục xong sự cố, tôi nhận được điện thoại của lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội thông báo đây là tình huống diễn tập không báo trước theo khuyến cáo mà tư vấn đánh giá an toàn hệ thống đưa ra trước đó. Chúng tôi bất ngờ nhưng thở phào vì đây không phải là sự cố đầu tiên từ khi tuyến đường sắt này khai thác”, ông Trường cho biết.

Nhà báo Huỳnh Kim Sánh phản ứng gay gắt: “Mấy anh không thông báo cho nhau thì mặc mẹ mấy anh, nhưng hành khách thì một số đang lên tàu, mấy anh bảo xuống tàu để đi xe buýt, một số đang từ ga khác chạy về mấy anh buộc phải quay đầu trở lại. Họ là khách hàng có công có việc cần đi đến đúng thời gian, chớ đâu phải là “quân” của mấy anh mà mấy anh mang họ ra diễn tập!

Họ bị buộc phải trả vé, phải thay đổi lộ trình kéo dài thời gian, thiệt hại của họ mấy anh có bồi thường không ? Những người thấy sự cố rồi sợ hãi tổn hại đến sức khoẻ tâm thần mấy anh có chịu trách nhiệm không ?

Mấy anh giỡn với nhau thì kệ xác mấy anh, còn mấy anh mang dân ra giỡn thì quá lố rồi đó. Cấp trên của mấy anh đã rước cái đường sắt này về giỡn với dân hơn 10 năm chưa đủ sao!”.

Luật sư Trần Thành dịu giọng hơn với tình huống giả định: “Nếu như trong số hành khách đó vì hoang mang nên dẫn đến tăng hay tuột huyết áp, và tính mạng bị đe dọa, khi ấy kịch bản trong diễn tập ra sao? Ông Trường viện dẫn đây là tình huống được tư vấn Apave-Certifer-Tricc, ACT khuyến cáo cần thực hiện, vì hay xảy ra với các đoàn tàu điện.

Thế nhưng phía ACT có yêu cầu tình huống phải được tiến hành trên số hành khách đang đi tàu, bất chấp các vị hành khách ấy có đồng ý tham gia vào cuộc gọi là diễn tập này không?

Tôi cho rằng người chịu trách nhiệm trả lời ở đây về căn cứ pháp lý nào để buộc hành khách  phải mạo hiểm cho cái gọi là diễn tập này, đó chính là ông Vũ Văn Viện, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội”.

Một nhà báo yêu cầu ẩn danh, thắc mắc: “Thông thường, dù là có diễn tập không báo trước đi nữa, thì phía giám sát vẫn theo dõi và ghi nhận đầy đủ hình ảnh về các bước cứu hộ, cứu nạn xem có đúng quy trình, thái độ, tâm lý ra sao của các bên liên quan. Đàng này ở vụ việc này không thấy công bố hình ảnh, thang điểm và nhận xét ra sao từ phía tư vấn giám sát…”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    tran 3 years

    Nói chuyện theo kiểu CS, thì thà chơi với “chị 5” còn lý thú hơn!