Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ai đã khiến các bệnh viện ‘chết lâm sàng’?

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Chính các nhà quản lý chuyên trách đã đẩy y tế nước nhà vào cảnh phải ‘hồi sinh’ 

 

“Khi Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành nghị quyết 30, nhiều lãnh đạo bệnh viện nhắn cho tôi là bệnh viện đã được ‘hồi sinh’…”, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, nói.

Vậy thì ai đã khiến các bệnh viện ‘chết lâm sàng’ để giờ có được ‘hạnh phúc hồi sinh’?

Chính phủ lập công trạng?

Câu trả lời gián tiếp có thể tìm thấy tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 vào chiều 3-4, trong trả lời về việc Chính phủ đã có các giải pháp để giải quyết tháo gỡ khó khăn trang thiết bị y tế, vậy đến nay đã giải quyết vướng mắc của các bệnh viện như thế nào, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: ngày 3-3 Chính phủ đã ban hành nghị định số 07 sửa đổi một số điều của nghị định 98 quy định về trang thiết bị y tế.

Theo bà Liên Hương, nghị định sau khi ban hành đã kịp thời giải quyết được hết các vướng mắc khó khăn của các bệnh viện trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế cũng như đáp ứng nguồn cung, giải quyết các ách tắc tồn đọng trang thiết bị y tế nhập khẩu.

Bà Liên Hương cho biết đối với các trường hợp thiếu trang thiết bị do giấy phép trang thiết bị y tế và số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán hết hạn trong khi tiến độ cấp mới lưu hành trang thiết bị y tế chưa đáp ứng yêu cầu xã hội, thì nghị định 07 quy định gia hạn hiệu lực giấy phép nhập khẩu, số lưu hành trang thiết bị y tế để giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đã được cấp từ 1-1-2018 đến 31-12-2021 thì tiếp tục sử dụng hết 31-12-2024.

Số đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế là sinh phẩm chẩn đoán đã được cấp từ 1-1-2014 đến 31-12-2019 được tiếp tục sử dụng đến hết 31-12-2024.

Như vậy với những giải thích trên đã cho thấy rất rõ một điều, rằng chính Đảng và Chính phủ Việt Nam đã đẩy các bệnh viện đến ngưỡng cửa tử sinh của tình trạng ‘chết lâm sàng’, và sau đó thì ‘hồi sức cấp cứu’ của các giải pháp tình thế, bởi chưa biết sau mốc thời gian 31-12-2024 mọi chuyện có lại lặp lại kịch bản như hiện tại?

Còn nguyên đó những lo ngại lâu dài

Gọi là các giải pháp tình thế vì hồi đầu tháng 3-2023, trong một giao ban giữa Sở Y tế TP.HCM với các bệnh viện thuộc quản lý của TP.HCM, hầu hết các bệnh viện cho rằng Nghị định 07 và Nghị quyết 30, dù đã bỏ quy định phải có 3 báo giá, chỉ cần 1 báo giá, nhưng vẫn lo ngại.

Phía các bệnh viện cho rằng, quy định mới đã tháo gỡ được khó khăn khi chỉ cần 1 báo giá, nhưng liệu công ty có báo giá sát với giá nhập khẩu hay không?. Ngoài ra cách lấy báo giá như thế nào để sau này không bị quy kết về giá, giá nhập về công ty có quyền được lời bao nhiêu phần trăm?

Mặt khác, trong việc sửa chữa trang thiết bị y tế lớn, giá trị cao bị hư hỏng, phải có trong kế hoạch trung hạn 5 năm. Sau đó phải làm báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình cấp có thẩm quyền thông qua hội đồng nhân dân theo quy định của luật Đầu tư công và nghị định hướng dẫn luật. Việc này có bị vướng luật hay không, thì chưa thấy Nghị quyết 30 đề cập đến.

Một luật sư am tường về lãnh vực y tế công cho rằng chính các nhà quản lý chuyên trách đã đẩy y tế nước nhà vào cảnh phải ‘hồi sinh’ như lời của Bộ trưởng Đào Hồng Lan.

Những nút thắt pháp lý

Hàng loạt văn bản kể tên tiếp theo đây cho thấy vì không sát thực tế, chồng chéo, đưa ra các quy định không thể thực hiện được nên các cơ sở y tế công lập lúng túng khi vận dụng, thậm chí không dám thực hiện. Đây là những điểm nghẽn dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong thời gian vừa qua:

Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26-06-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư; Thông tư số 68/2022/TT-BTC ngày 11-11-2022 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước…

Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26-12-2017 quy định chi tiết một số điều của luật quản lý, sử dụng tài sản công. Theo nghị định này, một số trang thiết bị sau khi kết thúc đề án liên doanh, liên kết có giá trị dưới 50% nhưng vẫn trong điều kiện hoạt động tốt thì vẫn tiếp tục được sử dụng.

Trong khi đó, nghị định số 29/2018/NĐ-CP, ngày 05-3-2018 về quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân lại quy định điều kiện để xác lập sở hữu toàn dân thì tài sản phải có giá trị còn lại trên 50%. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng yêu cầu trang thiết bị phải được xác lập sở hữu toàn dân mới thanh toán bảo hiểm y tế.

Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08-11-2021 về quản lý giá trang thiết bị y tế; Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29-03-2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước.

Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 05/11/2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế…

Từ những viện dẫn ở trên cho thấy trên bình diện tổng thể, triết lý “xây dựng chính phủ kiến tạo” được hô hào dưới thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn chưa được các cấp, các ngành vận dụng đầy đủ vào thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội, trong đó những bất cập ở ngành y, từ lĩnh vực xây dựng thể chế, đến hoạt động thực tế của các bệnh viện là ví dụ.


Tin bài liên quan:

VNTB – Lập pháp ở Việt Nam cần cải tổ?

Do Van Tien

VNTB – Trụ trì chùa Ba Vàng đi khất thực hay đi “kiếm tiền”?

Trương Thế Tử

VNTB – Các yêu cầu thời gian giãn cách là quyền của địa phương

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo