Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ai dám xét-xử vi phạm quyền con người?

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Dán niêm phong, không cho dân mở cửa xe là vi phạm quyền con người.

 

Quyền con người nếu bị xâm phạm thì xử trí thế nào?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho cho biết sắp tới đây Ủy ban Pháp luật sẽ có đợt rà soát tổng thể toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật, hoặc liên quan tới pháp luật để thực thi nhiệm vụ phòng, chống dịch. Theo đó, cơ quan của Quốc hội sẽ xem xét các văn bản được ban hành có vượt thẩm quyền, trái quy định và tạo ra bức xúc xã hội hay không.

Về phía cơ quan thẩm tra, ông Phong cho biết Ủy ban Xã hội nhận thấy sau khi rà soát cho thấy đa phần văn bản phục vụ, đáp ứng cho nhu cầu quản lý Nhà nước để phòng chống dịch là chính, và ít có lợi cho dân nên gây bức xúc trong dân rất lớn.

Đến nay, ông Phong cho biết Chính phủ và các bộ, ngành chưa có đánh giá tổng thể các vấn đề liên quan đến công tác thể chế về phòng chống dịch, chưa xác định đầy đủ lộ trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan. Ví dụ, Luật Dược, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp… đều là những văn bản có liên quan đến phòng chống dịch, nhưng chưa có đề xuất sửa đổi và xử lý để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cũng nhìn nhận văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương để giải quyết vướng mắc ở địa phương vẫn chậm, chưa kịp thời, khiến nhiều nơi có cách hiểu, cách chưa thống nhất, gây bức xúc xã hội. Đặc biệt, còn tình trạng văn bản hướng dẫn ở một số địa phương chưa được rà soát thận trọng nên còn phải đính chính, thu hồi, sửa đổi bổ sung nhiều lần, thậm chí gây phản cảm.

Ví dụ gần đây nhất là nhiều địa phương dán niêm phong không cho mở cửa xe khi ngang qua địa bàn tỉnh mình, rồi xe đi ngang không cho người trên xe xuống làm những việc bình thường khác. Đây là quy định vi phạm quyền con người”, ông Phong nhấn mạnh.

Ông Đặng Thuần Phong không nói thêm liệu có xem xét về trách nhiệm hình sự của hành vi vi phạm quyền con người này hay không?

Quyền con người thường được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng vì lo ngại việc vi phạm quyền con người trong thời gian dịch giã Covid-19, nên đã từng “đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ áp dụng biện pháp cao nhất là tình trạng khẩn cấp”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nên không cho hay vì sao “tình trạng khẩn cấp” đã không được ban hành.

Xâm phạm quyền con người thì đã rõ…

Nguyên tắc hạn chế quyền đã được cụ thể hóa bằng các quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Luật Thú y năm 2015, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008… và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Có thể chia các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp thành 3 nhóm sau: nhóm quy định về điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp; nhóm quy định về các quyền con người, quyền công dân bị hạn chế trong tình trạng khẩn cấp; nhóm quy định các biện pháp bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp.

Trước hết, với nhóm quy phạm quy định về điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp, thì theo quy định của Điều 1 Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp (phiên bản năm 2000), tình trạng khẩn cấp được ban bố khi trong cả nước, một hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và của tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, hoặc có tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, thì Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp để áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn, hạn chế và khắc phục hậu quả xảy ra, nhanh chóng ổn định tình hình.

Các văn bản luật chuyên ngành xác định cụ thể những điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp đều viện dẫn pháp luật về tình trạng khẩn cấp, cụ thể: Luật Quốc phòng xác định điều kiện khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành vi xâm lược hoặc bạo loạn có vũ trang nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh (khoản 10 Điều 2);

Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm xác định điều kiện khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế – xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp (khoản 1 Điều 42); Luật Thú y xác định điều kiện trường hợp dịch bệnh động vật lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế – xã hội (khoản 6 Điều 28)…

Thứ hai, nhóm quy phạm quy định quyền con người, quyền công dân bị hạn chế trong tình trạng khẩn cấp.

Theo đó, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp, quy định những biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân sau đây: Cấm người, phương tiện ra, vào trên địa bàn, khu vực nhất định; Cấm người, phương tiện hoạt động trong thời gian nhất định;

Trưng dụng phương tiện, tài sản của tổ chức, cá nhân; Đóng cửa nhà hát, rạp chiếu bóng và các nơi sinh hoạt công cộng khác; Cấm bãi công, bãi khóa, bãi thị; Cấm, giải tán các cuộc biểu tình, các cuộc tụ tập đông người và những hoạt động của cá nhân, tổ chức;

Đình chỉ hoạt động giao thông đường bộ, đường không, đường sắt, đường thủy; Hạn chế xuất, nhập cảnh, quá cảnh; tạm dừng việc xuất cảnh, nhập cảnh đối với một số trường hợp đã được cấp thị thực; Kiểm soát phương tiện thông tin đại chúng; kiểm duyệt xuất bản; đình chỉ việc xuất bản; Áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với việc sử dụng các phương tiện liên lạc.

… nhưng ai dám xét và xử?

Như vậy, với những gì đã và đang diễn ra ở hiện tại liên quan đến dịch Covid-19, cho thấy nhiều địa phương đã áp dụng biện pháp khẩn cấp, nhưng không tuyên bố ‘tình trạng khẩn cấp’.

Và giả dụ ở các tỉnh, thành đó cũng tương tự tình cảnh như với TP.HCM là cũng “đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ áp dụng biện pháp cao nhất là tình trạng khẩn cấp”,…, thì xem ra với những vi phạm được cho là liên quan “quyền con người”, thật khó để xem xét khởi tố hình sự, vì không thể nào xét xử các vị gọi là “lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Trách nhiệm về việc “thiếu công khai” là thuộc về ai?

Trương Thế Tử

VNTB – Vì sao không áp dụng kịch bản Vũ “nhôm” với Trịnh Xuân Thanh?

Phan Thanh Hung

VNTB – Những câu hỏi ai dám trả lời?!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo