(VNTB) – Ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu như có bất kỳ rủi ro nào xảy ra?
Những hình ảnh này được ghi nhận vào sáng 2.9.2024 tại tỉnh An Giang. Tuy một số nơi có giăng dây nhưng cũng không ít địa điểm, dây cảnh báo nguy hiểm không còn. Một vài nơi, cây cối che khuất những mảng cống hở, tiềm ẩn những nguy hiểm không chỉ cho trẻ nhỏ nơi địa phương mà còn đối với người đi bộ (nhất là vào buổi tối và những khi trời mưa).
Trong một diễn biến có liên quan đến cống hở, truyền thông đại chúng cũng đã từng đưa tin (tạm dẫn):
- Chỉ sau một cơn mưa, 2 bé trai ở tỉnh Bình Dương đã mất mạng mà nguyên nhân là do đường ngập, cống thoát nước thiếu an toàn. Trong vụ này có dấu hiệu của hành vi vô ý gây chết người.
- Cư dân mạng và người dân địa phương đã rất đau lòng trước cái chết tức tưởi của cháu Nguyễn Văn Huy (4 tuổi, ngụ thôn Xuân Hải, TT.Lộc Hà, H.Lộc Hà, Hà Tĩnh). Chiều 28.5, Huy theo mẹ – chị Nguyễn Thị Nghiêm, ra đồng để thu hoạch lạc.
Trong lúc chị Nghiêm tập trung làm việc thì cháu Huy chơi một mình trên đường ven biển đang thi công và chẳng may rơi xuống miệng cống nằm sát mép đường mà không ai hay biết.
Theo quy chuẩn Quốc gia, các hố ga bê tông cốt thép, bắt buộc phải có nắp đậy hoặc sàn chắn rác. Cũng theo quy định về quản lý xây dựng, nếu tuyến đường đã thi công xong, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng để xảy ra tình trạng cống không nắp gây mất an toàn giao thông thi trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể là Ủy ban nhân dân xã, phường hoặc Sở Giao thông vận tải. Tuy nhiên, với những dự án, công trình, tuyến đường chưa bàn giao, trách nhiệm là do chủ đầu tư và nhà thầu thi công thiếu biện pháp an toàn, gây cản trở giao thông.
Cũng mong rằng nhà chức trách sẽ mau chóng giải quyết vấn đề để bà con, trẻ em được an toàn khi tham gia giao thông, chơi đùa…