Ngọc Lan
(VNTB) – “Trường hợp tổ chức, cá nhân nào có căn cứ cho rằng mình bị thiệt hại có thể liên hệ với cơ quan chức năng có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã trả lời như vậy trước thắc mắc: trong đại án tham nhũng kit-test Việt Á, những ai vi phạm đã và đang được xử lý, tuy nhiên quyền lợi của người dân chưa nghe nhắc đến.
Tôi cho rằng câu trả lời bằng văn bản có đoạn trích như trên của ông Đoàn Hồng Phong gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, là một trả lời vừa ngạo mạn, vừa mang tính thách thức.
Trước hết, chính phủ cả thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho đến Phạm Minh Chính đều không hề minh bạch cho người dân biết rõ khi buộc họ phải chấp nhận “chọt mũi để lấy mẫu kiểm tra Covid”, là dụng cụ sinh phẩm này có nguồn gốc ra sao, độ an toàn, độ chuẩn xác đến mức độ nào. Liệu thời gian qua có bao nhiêu ca được cho là dương tính Covid buộc phải vào trại tập trung bắt buộc, song độ chuẩn xác của test ấy thuộc nhóm kém tin cậy đến từ Việt Á?
Những nạn nhân của que test ấy phải nhập viện để rồi họ bị lây lan chéo từ đây và dẫn đến tử vong, thì đó có phải là dấu hiệu hành vi giết người? Ngân sách để tiêu tốn vào các khoản hỏa thiêu ca tử vong vì Covid, trong những trường hợp ngay từ ban đầu kết quả sinh phẩm do Việt Á cung cấp là không chính xác, vậy thất thoát đó được quyết toán ra sao trong phần thiệt hại dân sự của vụ án hình sự tham nhũng này?
Tất cả những câu hỏi trên thật ra tính đến hiện tại đều là võ đoán, vì không rõ tại sao mà đến tận hôm nay vẫn chưa công khai chất lượng kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á.
Bộ kit của công ty Việt Á bắt đầu từ một “công trình khoa học” được Bộ Khoa học công nghệ phê duyệt ngày 17-2-2020, giao cho Học viện Quân y cùng công ty này thực hiện. Rất nhanh chóng, ngày 3-3-2020 Bộ Khoa học công nghệ – đứng đầu lúc đó là Bộ trưởng Chu Ngọc Anh – đã nghiệm thu đề tài đồng thời đề nghị Bộ Y tế cấp phép lưu hành và chỉ 1 ngày sau, Bộ Y tế đã cấp phép.
Khi ấy, giám đốc công ty Việt Á từng trả lời báo chí rằng Bộ Y tế và chăm sóc xã hội Anh đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á.
Mãi về sau khi vụ án bị khởi tố thì báo chí mới lên tiếng rằng thông tin này không chính xác. Còn thông tin Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê chuẩn bộ kit này cũng là tin giả, bởi vào tháng 10-2020, WHO đã có thông báo nêu rõ kit xét nghiệm của Việt Á không được chấp thuận (“Not Accepted””), hồ sơ sản phẩm này bị loại vì không cung cấp được chứng nhận quản lý chất lượng ISO cho sản phẩm y tế.
Thật ra cũng khó trách lỗi của một nền báo chí luôn phải tuân theo răm rắp định hướng do tuyên giáo đảng vạch ra.
Báo chí khi đó đã dẫn nguồn ghi ngày 26-4-2020, khi trang web của Bộ Khoa học công nghệ thông báo “WHO đã đánh giá bộ KIT LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit do Công ty cổ phần công nghệ Việt Á sản xuất theo Quy trình danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00”, đồng thời khẳng định “Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được WHO chấp thuận”.
Chưa hết, Bộ Khoa học công nghệ từng gửi thông cáo báo chí và thông tin chính thức tại các cuộc họp với nội dung khẳng định “WHO đánh giá bộ kit do Công ty Việt Á sản xuất theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00”.
Và cũng chỉ khi vụ án được bắt đầu thì báo chí mới tìm hiểu thật hư về các thông tin mà chính họ đưa trước đó, để rồi sau đó báo chí ‘lên mặt’ chê bai rằng Bộ Khoa học công nghệ cố tình không hiểu EUL 0524-210-00 là mã số xác nhận khi công ty đăng ký thẩm định với WHO, chứ không có nghĩa là được công nhận, cấp giấy phép (?!).
Người đứng đầu cơ quan phòng, chống tham nhũng và tiêu cực ở Việt Nam phải trả lời thẳng thắn về thắc mắc là vì sao không công khai chất lượng và hiệu quả của kit test Covid do Công ty Việt Á cung cấp?
Bởi bộ test kit sai như một radar hỏng chỉ lầm đường cho máy bay, có khi làm máy bay đâm đầu xuống đất. Vì kit xét nghiệm là nơi các thông tin số ca nhiễm bệnh, số ca phục hồi, và các chính sách y tế dựa vào.
Bộ test kit sai có thể làm các con số ca báo nhiễm không chính xác, trong khi để lọt ra ngoài các ca bệnh thật sự, và có thể dẫn đến các bệnh nhân bị tử vong do Covid-19 mà không chẩn đoán kịp.