Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ăn cơm dân, mặc áo đảng

Người Giồng Trôm

 

(VNTB) – Cuối tháng Chạp về quê dẫy mả. Cúng ‘đưa ông bà’ chiều giáp Tết, bà con mình chửi um lên về cái thứ ‘ăn cơm dân, mặc áo đảng’.

 

“Ôi mình dị ứng mấy chữ quê hương đồng khởi ghê. Dập mặt Mậu Thân thì nhân dân mới biết thế nào là lãnh đạo trung kiên. Bà dì mình mở hãng nước mắm bị đánh tơi bời, vô khám mới thấy một vị lãnh đạo tỉnh uỷ và một số đầu mối ở trỏng. Bà dì mình nói tức trào máu, biết bả khai rồi.

Ông dượng vì thương bả mà bị bả lôi vào, vào tù đi đổ bô, rửa toa-let cho tay trùm phản bội đó để thu thập bằng chứng. Rồi cũng bà dì thấy tức doạ ông dượng, ông mà còn đi đổ bô đi rửa cầu tiêu cho cha đó là tui từ mặt ông luôn. Thiệt ngặt…” – một ông bạn cùng chung khoa văn hồi đại học với người viết thập niên 80 ở thế kỷ trước, nhớ lại.

Còn đây là câu chuyện của hai đảng viên cao niên cũng trạc như ông Nguyễn Phú Trọng, ngồi tâm sự với giọng rặt tuyên giáo trong cuộc nhậu chiều cuối năm bên bờ Hàm Luông:

– Dạo này đọc báo chí, thấy người ta nhận diện triệu chứng, mổ xẻ nhiều căn bệnh liên quan đến một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nào là bệnh cơ hội, bệnh thực dụng, bệnh ích kỷ, bệnh phô trương, bệnh háo danh, bệnh vô cảm… Bệnh nào cũng đáng lo ngại  ảnh hưởng đến “sức đề kháng” nhân cách cán bộ, đảng viên. Nhưng có một thứ bệnh đáng sợ hơn, ông biết là bệnh gì không?

– Theo tôi, đó chính là bệnh giả dối.

– Đúng vậy! Có lẽ chưa bao giờ cái bệnh giả dối của một bộ phận cán bộ, đảng viên lại biểu hiện dưới muôn hình vạn trạng như thời nay. Nào là khai man tuổi tác, bằng cấp, trình độ học vấn theo kiểu “mập mờ đánh lận con đen”, thậm chí “đổi trắng thay đen”.

Nào là kê khai tài sản theo kiểu “có bốn bảo hai, có hai bảo một”. Nào là “dối trên, lừa dưới” khi tinh vi “đánh bóng” kết quả, tô hồng thành tích; nhưng lại mưu mô giấu nhẹm khuyết điểm của tổ chức và bản thân.

Nào là trong giao tiếp ứng xử, bên ngoài thì tỏ vẻ niềm nở, thân tình, “anh anh chú chú”, nhưng bên trong thì “bằng mặt mà không bằng lòng”, ngấm ngầm giữ miếng, nghi kỵ, tìm cách hãm hại lẫn nhau.

Nào là trên đăng đàn, trong hội nghị, trước tập thể, lúc đương chức thì nói một đằng, nhưng khi ra ngoài, lúc “trà dư tửu hậu” hay khi về hưu thì lại “lươn lẹo” nói khác.

Bệnh giả dối của một số người còn thể hiện ở “vỏ bọc” hào hoa, phong nhã nhưng tâm địa nhỏ nhen, ích kỷ. “Triệu chứng” nổi cộm nhất của bệnh giả dối là ở thái độ “tiền hậu bất nhất”, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, “hứa nhiều làm chẳng đáng bao nhiêu”, thậm chí nói đúng, làm sai, chỉ đạo và yêu cầu cấp dưới phải “làm thế này”, nhưng bản thân làm ngược lại chính những điều mình đã nói.

“Các đồng chí ơi, bệnh gian dối mới nhất là trong hơn 5 triệu đảng viên nước mình, làm gì có chuyện vì không tìm ra được minh chủ, nên phải tiếp tục phò một anh kép độc già nua trên sân khấu kia chứ…” – một đảng viên tuổi chỉ mới ‘chớm heo may’ góp chuyện.

Ông bạn cùng chung khoa văn hồi đại học, thập niên 80 ở thế kỷ trước, kể chuyện hôm về dẫy mả vừa kẹt cầu, vừa kẹt phà – bắc: “Cũng chắt mót, tỉnh nhà tôi miệt mài bán vé số mới đủ tiền xây nửa cây cầu. Cầu mới rợi vậy mà đã kẹt cứng. Ông anh tội phàn nàn tại sao không duy trì lại bến phà, ít nhất cho bảo đảm cơ động khi có trường hợp Sài Gòn bị tấn công từ phía biển.

Ông già tôi cũng từng nói vậy. Có cầu thì vẫn để nguyên bến phà ấy mắc gì mà phá dỡ đi. Về coi mới biết tại sao. Mấy họng đất đó ăn vô rồi cũng mắc đàng bố mà sùi bọt mép, giãy đành đạch. Bến bắc là nhà đương cuộc bỏ tiền mua đất của dân để xây, mua bán sòng phẳng, không có chuyện sở hữu toàn dân do lãnh đạo quyết định  đâu đó.

Chớ nói thiệt, thiệt , thiệt, cái sở hữu kỳ quặc, quái đản ấy mà Việt Nam Cộng Hòa họ áp dụng thì Luật 10/59 không đinh bằng, và chắc dọn sạch ‘mấy ổng’ rồi…”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Sương mù dày đặc ở miền Tây

Do Van Tien

VNTB – ‘Bỏ xứ mà đi thôi cô ơi’

Phan Thanh Hung

VNTB – Hệ thống xa lộ Mỹ

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo