Hoàng Mai
(VNTB) – Gần như trọn một vòng hoa giáp gia đình tôi đều ăn Tết ở Sài Gòn.
Về ý nghĩa “Lục thập hoa giáp”, theo ông bà già xưa, bao gồm sự kết hợp 6 chu kỳ hàng Can và 5 chu kỳ hàng Chi, hình thành thành hệ 60. Theo chu kỳ này, một vòng tuần hoàn kéo dài 60 năm bắt đầu từ Giáp Tý và kết thúc ở Quý Hợi, sau đó lại quay trở về Giáp Tý để bắt đầu một chu kỳ tuần hoàn mới. Các năm thứ 61, 121, 181,… sẽ quay trở lại Giáp Tý.
Giờ cách nói này dần ít được nhắc đến, có chăng là trong văn phong mang tính bóng bẩy của các cụ cho chữ Nho trên hè phố miệt Chợ Lớn.
Sách tử vi cổ học viết đại khái vầy: Bảng “hoa giáp” về bản chất giống như cái thước đo, trong đó đơn vị đo là “bản mạng”. Trên cơ sở lý luận của thuyết “âm dương ngũ hành”, theo thói quen, một trong những nền tảng dự báo học phương Đông chính là bảng “Lục Thập Hoa Giáp” (bảng LTHG).
Bảng LTHG như một quy ước định danh và nạp ngũ hành (5 hành như Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) cho tất cả vật, sự vật, hiện tượng. Cấu trúc Bảng LTHG như một hệ đếm cơ số 60. Mỗi tên gọi của cơ số đếm đại diện cho một hay một nhóm vật, sự vật, hiện tượng, thuộc tính… Ví dụ như: Tuổi Canh Tý; Năm Mậu Thân; Tuổi Giáp Ngọ; Mạng Thiên Thượng Hỏa; Hành Mộc(s); Mạng Hải Trung Kim; Mạng Mộc…. Chúng ta có thể gặp rất nhiều tên gọi như vậy, nhưng thực chất chỉ có 60 nhóm danh xưng mang tính độc lập tương đối với nhau xét từ góc độ bản chất “ngũ hành” và tên gọi trong nhóm. Về thời gian tính theo năm, chu kỳ lặp lại của nhóm danh xưng này là 60 năm nên được gọi là một vòng hoa giáp, nói chính xác – vòng lục thập hoa giáp.
Trong lục thập hoa giáp đó với riêng gia đình tôi ở đất Sài Gòn này đó là chuỗi thời gian nối liền những mưu sinh theo thế nước thăng trầm; và trong đó dường như những cái Tết đi qua các thành viên đều ăn cái Tết ngay trên đất Sài Gòn…
Miên man trong dòng suy tư đó, với tôi một thằng nhỏ năm xưa giờ đã đi hết một vòng hoa giáp đời người, từng chứng kiến các bậc trưởng thượng trong gia đình sum vầy vui xuân, và rồi dần “rơi rụng” thành người “muôn năm cũ” càng khiến cứ mỗi năm Tết đến xuân về trong lòng xem chừng lại ngổn ngang suy từ rằng trong vòng hoa giáp đó mình đã làm được gì?
Giờ thì nồi thịt kho nước dừa vẫn là món ngon không thể thiếu. Ăn kèm với thịt kho có dưa kiệu, một sự kết hợp rất ngon miệng và thú vị. Ở Sài Gòn món canh phổ biến được nhiều gia đình lựa chọn đó là khổ qua hầm thịt. Trái khổ qua còn là vị thuốc, có tính mát. Bà con suy nghĩ đơn giản, khổ qua là cái khổ của năm cũ sẽ qua đi. Ước vọng đầu năm ai cũng mong muốn năm mới được tốt đẹp. Thời khắc giao thừa thật thiêng liêng và để lại nhiều kỷ niệm trong đời rất khó quên.
Thế nhưng rồi cứ mỗi năm dần thay đổi những thế hệ con cháu “lên” thay quyền kho nồi thịt ngày Tết này. Những người già trong gia đình ngồi bên nhau chờ đón giao thừa với biết bao nhiêu chuyện cũ chuyện mới đan xen nhau, cứ dần thưa thớt bởi lẽ tử sinh. Ý nghĩa nhân sinh của ngày tết Nguyên đán gói trọn trong khung cảnh sum họp của gia đình và họ hàng, ngày đầu năm bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên qua một nén nhang với tất cả lòng thành kính, có lẽ cũng vì lẽ ấy mà mang những hoài niệm khác nhau của một vòng hoa giáp đó ….
Tôi đã trải qua nhiều cái Tết như vậy. Tết mang đến nhiều ước mơ và hy vọng. Con người vui vẻ, hớn hở giữa trời xuân. Mỗi người con dù sống ở đâu cũng đều nhớ về quê hương yêu dấu của mình – kể cả tôi giờ cũng bước vào ngưỡng “lẩm cẩm” với sức nặng của bệnh tật, tuổi tác khi xuân về với những nhớ quên đong đầy thế cuộc.