VNTB – Andre Menras Hồ Cương Quyết: “Luật biểu tình nằm ở vị trí chiến lược trong đời sống dân chủ Việt Nam”

Tường Vy (VNTB) Dự án Luật biểu tình tiếp tục bị trì hoãn, thay vì trình dự án tại kỳ họp thứ 9 (Quốc Hội khóa XIII) thì nay lại chuyển sang kỳ họp thứ 11 (Quốc Hội khóa XIV). VNTB đã có buổi phỏng vấn với ông Andre Menras Hồ Cương Quyết, một trong những nhân sĩ đã ghi danh ủng hộ đề xuất dự luật biểu tình 2015 của IJAVN.

Tường Vy: Xin ông cho biết, sự cấp thiết phải ban hành Luật biểu tình tại Việt Nam?


Andre Menras Hồ Cương Quyết: Việt Nam hiện nay đang rơi vào khủng hoảng toàn diện. Sự tăng trưởng GDP không thể giấu thực tế khắc nghiệt về khoảng cách giàu nghèo đang ngày được nới rộng, nợ xấu tăng lên, nạn tham nhũng mọi cấp với cán bộ “2Đ – đất; đô-la”, chưa kể đến các nhóm lợi ích… Các yếu tố này làm gia tăng nguy cơ mất chủ quyền, lãnh thổ và khiến Việt Nam dễ bị thôn tính bởi Trung Quốc. 

Với những nguy cơ đó, người dân cần phải có quyền (và nhu cầu) được lên tiếng, và nó sẽ tạo một sức mạnh đồng thuận về mặt xã hội trong giải quyết khủng hoảng xã hội, chính trị Việt Nam. 

Tôi tin rằng, Luật biểu tình ban hành sớm chừng nào sẽ tốt chừng đó.

Tường Vy: Quyền biểu tình được Hiến pháp quy định, nhưng cho đến nay, Luật biểu tình liên tục bị trì hoãn, mới nhất đây, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng nay 16/3, Chính phủ đã đề nghị cho lùi thời gian trình dự án luật Biểu tình sang kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 (10/2016). Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
Ông Andre Menras Hồ Cương Quyết. Ảnh: nhân vật cung cấp cho IJAVN
Andre Menras Hồ Cương Quyết: Đó là dấu hiệu cho thấy hố ngăn cách về mặt chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam với người dân ngày càng lớn. Đảng đã hứa nhưng không làm và nếu có làm thì theo kiểu nói một đằng, làm một nẻo. 

Đảng ngày càng xa dân. Do đó, việc liên tục trì hoãn luật Biểu tình Đảng không khiến tôi ngạc nhiên, bởi lẽ, đại đa số cán bộ này là những cán bộ của Đảng, thay vì của Dân. 

Tường Vy: Ông có suy nghĩ như thế nào về việc, một số cá nhân không ủng hộ sự ra đời về luật biểu tình, vì e ngại chính quyền sẽ lợi dụng “sự xin phép” trong luật biểu tình để ngăn cản quyền biểu tình của người dân?

Andre Menras Hồ Cương Quyết: Cần phải khẳng định rằng, sự ra đời của luật biểu tình chính là một bước tiến trong quá trình đấu tranh dân chủ, bởi nó đảm bảo tiếng nói của người dân được cất lên và buộc chính quyền phải bảo vệ cho sự lên tiếng đó. Tuy nhiên, tiến hành biểu tình không phải là sự tự do vô hạn, và việc “xin phép” chính quyền, là để chính quyền làm tròn nghĩa vụ của họ là bảo vệ người biểu tình lẫn người không biểu tình trước những nguy cơ bạo động có thể xảy ra… Nó là một thỏa ước về mặt xã hội. 

Chính quyền có thể ngăn cấm biểu tình, tuy nhiên, Luật biểu tình sẽ giới hạn quyền ngăn cấm này trong điều luật để tránh bị lợi dụng. Ngay cả khi chính quyền ra lợi cấm, Luật cũng buộc chính quyền phải công khai giải thích vì sao có lệnh cấm đó, sự cần thiết đưa ra lệnh cấm đó. Cá nhân hay tổ chức có quyền dựa vào Luật biểu tình để kiện chính quyền, và xác định sự thực hư về tính chính đáng trong lệnh ngăn cấm một cuộc biểu tình nào đó.

Tường Vy: ĐBQH Đắk Lắk, Bí thư tỉnh ủy ĐakLak – ông Niê Thuật từng cho rằng, “Nước ta là nước Xã hội chủ nghĩa, chưa nói tới biểu tình, để cho quần chúng nhân dân đi ăn xin giữa đường đã là không được”. Ông có suy nghĩ gì về phát biểu này?

Andre Menras Hồ Cương Quyết:
Tôi cho đó là một quan điểm độc tài cận thị, tự kỷ về mặt chính trị – xã hội. 

Tường Vy: Quan điểm của ông như thế nào về sự tham gia của các hội đoàn dân sự xã hội trong góp phần xây dựng dự luật biểu tình? Và nên thực hiện dưới hình thức nào?

Andre Menras Hồ Cương Quyết:
Vì Luật Biểu tình gắn với nhiều quyền con người: tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do cư trú … cho nên quyền biểu tình ôn hòa bản thân nó đã nằm ở vị trí chiến lược trong đời sống dân chủ của bất kỳ xã hội nào. Việc các hội đoàn dân sự xã hội đóng góp xây dựng dự Luật biểu tình, tôi cho đó là trách nhiệm, nghĩa vụ để góp phần hình thành một xã hội Việt Nam trưởng thành hơn.

Tường Vy: Ông Hoàng Hữu Phước, ĐBQH (Tp. Hồ Chí Minh) từng đề nghị “QH loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ QH khóa XIII này” vì cho rằng nó dùng để “chống lại chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của chính phủ nước mình”. Tại sao Luật biểu tình còn gây e sợ đối với chính những ĐBQH như ông Phước? 

Andre Menras Hồ Cương Quyết: Đó là thái độ con cừu. Tức là bất cứ cái gì “chính phủ mình”, “nhà nước mình”, “đảng ta” nói hay đưa ra chủ trương, thì mình phải đi theo vô điều kiện. 

Rất tiếc phải thừa nhận rằng, đa số những ĐBQH của “đảng ta” vẫn giữ cái quan điểm nêu trên, với ngọn cờ trên tay là Điều 4 Hiến pháp. 

Chống lại chính sách nào hay chủ trương nào của chính quyền một cách công khai, ôn hòa khi thấy nó sai, nó đi ngược lại nguyện vọng và lợi ích của quốc dân là một việc hoàn toàn chính đáng. Nó là một phần đóng góp của người dân trong ổn định xã hội.

Tường Vy: Trở ngại lớn nhất khi ban hành Luật biểu tình, Luật lập hội ở Việt Nam là gì? Ông có cho rằng, chính quyền Việt Nam sẽ tiếp tục trì hoãn Luật biểu tình, Luật lập hội tại kỳ họp thứ 2, QH khóa 14?

Andre Menras Hồ Cương Quyết: Tôi sẽ nói thẳng, trở ngại lớn nhất cho luật biểu tình, lập hội và ban hành các quyền dân chủ tại Việt Nam nói chung chính là nằm ở Điều 4 Hiến pháp. Nó là cái khoá thép cài then cửa cho dân chủ. Đặc biệt, cái “khóa thép” ấy lại nằm trong nổ lực “hợp tác toàn diện” của người bạn vàng phương bắc.

Tường Vy: Tại Pháp, việc biểu tình theo Luật có gây ra sự hỗn loạn xã hội hay ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng nào không thưa ông? 

Andre Menras Hồ Cương Quyết: Ở Pháp, biểu tình đã trở thành một thói quen của người dân khi họ muốn những thông điệp mạnh nhằm phản ánh chính sách của chính quyền hay chế độ chính trị. Tham gia biểu tình, ngoài người dân, còn có ĐBQH, lãnh đạo chính trị, đại diện các hội dân sự, truyền thông… Đó không phải là sự “hỗn loạn xã hội”, đó là cách để người dân và chính quyền lắng nghe quan điểm của nhau.

Hoàn toàn ngược lại với sự “hỗn loạn xã hội”, đó là dấu hiệu một xã hội đang sống lành mạnh, có thể xem đó như cách mà một gia đình đang gặp khó khăn, thậm chí mâu thuẫn tạm thời trong con đường phát triển họp lại và bàn với nhau để bước qua khó khăn và đi tới cùng với nhau.

Còn về mặt kinh tế, biểu tình không phải là cuộc đình công, do đó, tác động của nó đến kinh tế không quá lớn, và bản thân Luật biểu tình sẽ điều tiết để tránh các trường hợp đó. 


Có thể ví von, mức độ ảnh hưởng kinh tế của biểu tình so với nạn kẹt xe thường xuyên ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh thì nhỏ hơn rất nhiều.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)