Đỗ Đăng Bắc (VNTB) Một tháng đã trôi qua, kể từ ngày cô gái Việt Nam Đoàn Thị Hương bị bắt tại Malaixia, nơi cô đang cư ngụ. Một tuần nay làng báo im bặt đưa tin về cô gái Việt này, để chuyển sang một đề tài “hot” khác. Đề tài về “dành lại vỉa hè cho người đi bộ”(!); mà thông qua đề tài này, lãnh đạo cao cấp của đảng-chủ tịch UBND tp HN đã cho “phát lộ” việc lâu nay vỉa hè bị lấn chiếm bán bia, trông giữ xe máy,và các loại hình kinh doanh khác, có sự bảo kê của công an và chính quyền…
Hương, cô gái đang đối diện với án tử hình, quê Nam Định, một vùng quê nghèo khó Miền Bắc. Cũng như bao cô gái khác của những vùng quê nghèo xứ Việt, trải dài từ Mục Nam Quan tới Mũi Cà Mau, Hương trôi dạt qua xứ người. Ở đây, Hương cũng “chẳng kém anh kém chị”, những đồng hương Việt Nam. Họ là những thứ mà nhà nước coi như một thứ hàng để xuất khẩu, với cách gọi đã được dán tem, mác rất “bắt mắt”: Xuất khẩu lao động! Đa số trong lực lượng này là phụ nữ trẻ. Rất nhiều người trong số họ từng là nạn nhân của những công ty ma. Họ và gia đình từng phải vay mượn, chạy vạy khắp nơi để kiếm cho ra vài chục triệu đồng để “đặt cọc”, đợi ngày “xuất khẩu”. Nhiều người đợi mãi, hết tháng này qua tháng khác mà chẳng thấy tên mình trong “lô hàng” xuất khẩu. Công ty đóng cửa. Những kẻ gom tiền cuốn xéo. Người bị lừa chẳng biết tìm bọn lừa đảo nơi đâu, chỉ còn biết kêu trời…
Rồi khi sang được xứ người, trong số họ, mỗi người mỗi việc. Người thì làm “ô-sin”, nếm đủ các công việc mà người bản xứ không hề đụng tay. Người thì làm hãng xưởng, cơ cực đến mức nhiều người hết hạn hợp đồng, không có tiền mua vé về quê. Những cô gái hôn thê, lấy chồng xứ lạ, cũng chẳng may mắn gì. Nhiều người trong số họ bị ngược đãi, hành hạ, sỉ nhục bởi chồng và gia đình nhà chồng. Thậm chí nhiều người bị những tên chồng vũ phu xuống tay hạ sát. Nhiều người phải bỏ xứ lạ, ôm con về lại quê nhà trong sự bao bọc của cha già mẹ héo…Và cho dù họ là công nhân trong các nhà máy, hay làm ô sin, hay buôn bán vặt, sống hợp pháp hay bất hợp pháp…thì họ cũng là những đối tượng rơi xuống tầng đáy của xã hội. Những tưởng thoát cảnh bần cùng sau lũy tre làng, nào ngờ khi sang tới xứ người, họ cũng chẳng thể đổi đời. Nhiều người trong họ nhắm mắt đưa chân, kệ cho số phận đưa đẩy. Họ có thể buôn bán hàng cấm. Họ có thể là người chuyên vào các siêu thị để chôm hàng. Họ cũng có thể là những gái gọi rẻ tiền…
Hương, cô gái đang gây sốt trong làng báo trong nước cũng như quốc tế những ngày qua, là một trong số ấy- những cô gái đáng thương, hết sức tội nghiệp. Họ là những người có xuất phát điểm không thuận lợi, thậm chí là rất éo le. Và cũng mấy ai trong họ đủ nghị lực, sức mạnh để vượt lên trên số phận? Họ có “gia phả hệ” từ xưa. Họ từ trong số “Cô gái Sông Hương” bước ra. Họ từ “Đêm Đông” trở lại. “Lời kỹ nữ” là tiếng hát đắng cay của các đàn chị để lại cho họ!…Nơi quê hương họ bị bóc lột, hay không thể “hội nhập”, họ đành nhắm mắt đưa chân…
Sẽ chẳng phải đợi lâu, số phận em cũng sớm được định đoạt. Con đường nào sẽ mở ra trước mắt em? Liệu em có còn cơ hội để hồi hương, về lại mái nhà xưa, nơi có người cha tật nguyền và người mẹ kế xơ xác đang ngóng đợi?
Phiên tòa ngày mai…Sự nghiêm minh của pháp luật. Phiên tòa ngày mai, dù không phải là “phiên tòa bỏ túi”. Phiên tòa ngày mai, dẫu có sự tranh tụng rất dân chủ giữa công tố với luật sư bênh vực cho em…; thì “Lành ít, dữ nhiều” là điều đang đứng đợi em nơi cổng tòa xứ lạ.
Một sợi dây thừng? Hay một liều độc dược chạy thẳng vào tim!?
Một tấm bia mộ khắc tên một người thiếu nữ trẻ dại đáng thương!
Em có lý do để hận cuộc đời này; Bởi cuộc đời này bạc đãi em.
Ánh mắt em có tia sét của một trời giông tố…