Việt Nam Thời Báo

VNTB- Ba sĩ quan hải quân Trung Quốc có thể vừa tiết lộ điều Bắc Kinh muốn ở Biển Đông

Ryan Martinson và Katsuya Yamamoto, The National Interest, ngày 9/7/2017

(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)


(VNTB) – Bài viết đưa ra một cái nhìn rất hiếm hoi về cách mà hải quân Trung Quốc hiểu các mục tiêu quốc gia ở đây, xây dựng chiến lược riêng của mình và đánh giá các lựa chọn trong tương lai.

Chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông đang mở rộng theo hướng tăng dần theo kế hoạch và hiện thực theo định hướng.
Đầu năm nay, Kyodo News xuất bản một bản tóm lược về một bài báo của Trung Quốc mà dường như cung cấp những hiểu biết hiếm hoi về ý định của Bắc Kinh ở Biển Đông. Thật không may, bài báo của Kyodo quá mơ hồ để được đánh giá cao, hoặc nhớ lâu. Chúng tôi đã xem lại bản gốc và thấy rằng nó rất đáng xem.

Bài báo xuất phát từ một ấn phẩm đặc biệt phát hành nội bộ của quân đội Trung Quốc. Đây không phải là tài liệu mật. Thay vào đó, chúng là tài liệu giảng dạy và là ấn phẩm học thuật được viết cho một đối tượng được chọn. Chúng cung cấp cái nhìn sâu sắc vô giá vào suy nghĩ của quân đội Trung Quốc và đảng-nhà nước Trung Hoa.

Bài báo đặc biệt này đã được in trong một ấn phẩm về Nghiên cứu Hải quân vào giữa năm 2016, một trong những tạp chí phân phát “nội bộ” quan trọng nhất về các vấn đề hàng hải ở Trung Quốc. Được điều hành bởi Viện Nghiên cứu Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), Nghiên cứu Hải quân là một tạp chí khoa học xuất bản hai tháng một lần về những nghiên cứu thuộc chiến lược hải quân.

Bài báo có tiêu đề “Các cuộc khủng hoảng quân sự ở Biển Đông: Phân tích, Đánh giá và Phản ứng”. Được viết bởi ba sĩ quan hải quân Trung Quốc: Trung tá Jin Jing, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân và hai sỹ quan chính trị Xu Hui và Wang Ning của Hạm đội Nam Hải. Chúng tôi giả định rằng những phân tích bởi ba sỹ quan cấp trung trong diễn đàn này là chính thống, trung thực và mang tính thông báo cao.

Bài báo bao gồm ba phần. Phần một phân tích tình hình hiện tại ở Biển Đông, cung cấp bối cảnh cho cuộc thảo luận về các cuộc khủng hoảng quân sự trong tương lai. Phần hai xem xét các đặc điểm có thể xảy ra của bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Bài báo kết luận với các khuyến nghị chính sách.

Jin, Xu và Wang bắt đầu với bối cảnh chiến lược. Tương tự như các phân tích được xuất bản trong các nguồn mở, họ đổ lỗi cho Hoa Kỳ về nhiều căng thẳng ở Biển Đông. Kể từ năm 2015, các tác giả viết, quân đội Hoa Kỳ đã tăng cường hành vi khiêu khích gần các vị trí chiếm đóng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa – một nhóm đảo lớn mà Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei tuyên bố chủ quyền (toàn bộ hoặc một phần). Hoa Kỳ đã dùng tàu tuần tra, máy bay ném bom và tàu tàu ngầm cùng với “lũng đoạn truyền thông” để làm mất uy tín Bắc Kinh. Được thiết kế để “thăm dò” giới hạn chịu đựng của Trung Quốc, các hoạt động này đã có một “tác động xấu đến tình hình an ninh ở Biển Đông”. Các tác giả viết, Hoa Kỳ từ lâu đã “mắc kẹt vào” vấn đề Biển Đông. Nhưng trong nhiều năm, Hoa Kỳ chỉ can thiệp từ phía sau hậu trường. Washington không công khai tuyên bố ủng hộ bên nào trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ ở những vùng nước này luôn luôn hạn chế. Tuy nhiên, từ năm 2015, “sự cân bằng quân sự” ở Biển Đông đã dần dần “nghiêng về phía Trung Quốc”. Do đó, Hoa Kỳ đã trở nên “bồn chồn” và quyết đoán hơn.

Sáng kiến Một Vành đai- Một Con đường cũng làm người Mỹ kích động. Trích dẫn một cuốn sách do Zbigniew Brzezinski xuất bản, họ cho rằng nhiệm vụ chính của chiến lược của Mỹ trong thế kỷ 21 là để ngăn chặn sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào có thể “thách thức quyền bá chủ của Mỹ trên lục địa Á-Âu”. Như vậy, Sáng kiến  ​​ Một Vành đai- Một Con đường của Trung Quốc, một kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên khắp Âu Á – chắc chắn sẽ “chạm vào lòng tự ái của một nước Mỹ vốn luôn bá chủ hoàn cầu. Là một phân khúc quan trọng và phức tạp trong con đường tơ lụa hàng đầu thế kỷ 21, thì Biển Đông là mục tiêu tốt cho việc lật đổ Hoa Kỳ.

Trong tương lai, Trung Quốc có thể có những xung đột căng thẳng với quân đội Hoa Kỳ, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (mà có sự liên quan trực tiếp đến Biển Đông là “không thể tránh khỏi”) và các quốc gia Đông Nam Á. Các tác giả khảo sát những tiến triển này và kết luận rằng có một “khả năng cao” về một cuộc khủng hoảng hàng hải ở Biển Đông. Điểm này hầu như không gây tranh cãi.

Điều đáng chú ý là các tác giả cực kỳ lạc quan về một cuộc khủng hoảng như thế có thể diễn ra như thế nào. Theo quan điểm của họ, quy mô và cường độ của bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong tương lai có thể bị kiểm soát, và “khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng gây ra cuộc xung đột quân sự hay chiến tranh không hề lớn.” Quan hệ Mỹ-Trung sẽ tiếp tục được đặc trưng bởi khuynh hướng “đấu tranh mà không chia rẽ.” Hai nước giữ vững mối quan hệ và các mối quan tâm chung trong các lĩnh vực quan trọng: kinh tế, chính trị và các vấn đề toàn cầu. Những liên kết này sẽ ngăn chặn sự leo thang khủng hoảng. Cũng như trên, các tác giả chỉ ra rằng trong các cuộc đụng độ trên biển, quân đội của cả hai bên đều kiềm chế.

Không bên nào muốn xảy ra một cuộc xung đột quân sự. Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến lược cân bằng các hoạt động bảo vệ quyền tự quyết với các hành động để duy trì sự ổn định trong quan hệ với các quốc gia khác. Nước này sẽ không cho phép các vấn đề vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Xét cho cùng, Trung Quốc cần thời gian để “tiêu hóa và củng cố” những quyền lợi mà nó có được gần đây ở Biển Đông. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn nhìn thấy một cuộc khủng hoảng quân sự leo thang thành một cuộc chiến tranh, vì nó có thể đe dọa “thời kỳ cơ hội chiến lược” hiện nay để tập trung vào các vấn đề trong nước.

Các tác giả cho rằng Hoa Kỳ sẽ vẫn trung lập về các tranh chấp Biển Đông. Washington chỉ đơn thuần là nhằm đảm bảo tự do hàng hải và duy trì tư thế ngăn chặn. Hơn nữa, Hoa Kỳ vẫn chưa có khả năng chiến đấu: “Tái cân bằng ở châu Á” vẫn còn chưa hoàn thiện. Trong khi đó, các quốc gia nhỏ ở Biển Đông không muốn tham dự vào một cuộc xung đột quân sự. Với các cơ sở mới được xây dựng trên quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã đạt được sáng kiến ​​chiến lược. Điều này đã dẫn đến “một tác động ngăn chặn nhất định đối với các quốc gia khác cũng có yêu sách ở Biển Đông”. Tóm lại, xung đột vũ trang ở Biển Đông có thể bị loại trừ.

Phần hai xem xét một số kịch bản cụ thể mà Trung Quốc có thể gặp phải. Bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng có thể liên quan đến một số quốc gia, bao gồm những nước có tuyên bố chủ quyền và cả những nước ngoài khu vực. Ngoài Hoa Kỳ và Nhật Bản, các tác giả tin rằng Ấn Độ và Úc cũng có thể dính líu trong một cuộc khủng hoảng. Các quốc gia này sẽ nắm bắt cơ hội để kiềm chế, đàn áp và đối đầu Trung Quốc.

Trong phần cuối của bài báo, Jin, Xu và Vương phác thảo một số bước mà Trung Quốc nên thực hiện để tăng cường khả năng xử lý khủng hoảng trong tương lai. Thứ nhất, cần sử dụng các biện pháp chính trị, kinh tế và ngoại giao để cải thiện quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, qua đó chia rẽ và phá vỡ bất kỳ liên minh tiềm năng nào chống lại Trung Quốc, tạo ra một môi trường chiến lược thuận lợi và giảm bớt nguy cơ xảy ra khủng hoảng. Đây là phần mềm của chiến lược Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc nên làm các bước để làm nổi bật các giới hạn đỏ, thực hiện những hành động biểu dương sức mạnh và tiến hành nhiều biện pháp cưỡng chế khác để ngăn chặn không cho các cuộc khủng hoảng quân sự xảy ra.

Các tác giả đã sẵn sàng thừa nhận những gì các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã giấu công chúng: “cuộc chiến ở Biển Đông không chỉ là tranh chấp về quyền và lợi ích. Hơn nữa, đó là một cuộc đấu tranh cho sự thống trị trong các vấn đề an ninh khu vực.” Với vị thế của mình, Trung Quốc nên sử dụng tất cả các phương tiện có thể sử dụng – chính trị, kinh tế, ngoại giao, pháp lý, dư luận và quân sự.

Jin, Xu và Wang xác nhận cách tiếp cận hiện tại của Trung Quốc trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Họ mô tả nó như là ” nguyên tắc và linh hoạt”. Cụm từ này đặt ở dấu ngoặc kép, gợi ý nguồn gốc học thuyết. Các hành động để khẳng định các đặc quyền của Trung Quốc phải vẫn ở trong “sự cân bằng năng động” với những hành động được thiết kế để làm dịu căng thẳng. Đây là hành động cân bằng tuyệt vời mà từ lâu đã là trọng tâm của chiến lược tranh chấp hàng hải ở Trung Quốc và giải thích sự không phù hợp và sự thay đổi trong hành vi của Trung Quốc.

Chiến lược của Trung Quốc phải chủ động. Theo các tác giả, Trung Quốc nên tiếp tục tham gia vào cái mà họ gọi là chiến tranh kéo dài. Bằng cách này, chúng có nghĩa là theo đuổi một cuộc đấu “dài hạn, kiên nhẫn và toàn diện để làm chủ sáng kiến ​​chiến lược.” Các xu hướng ủng hộ Trung Quốc. Theo quan điểm của họ, “sau khi mở rộng các cơ sở của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã có một vị thế ​​nhất định về an ninh quân sự. Điều này đảm bảo cho các điều kiện để Trung Quốc tiếp tục chiến lược hiện tại của mình trong việc đưa các lực lượng đánh bắt, dầu khí và lực lượng thực thi hàng hải lên hàng đầu, mà các tác giả đã miêu tả như là “Gửi dân thường trước tiên, và theo họ là quân đội” và “che giấu quân đội trong dân thường.”

Bài báo kết luận bằng cách nhắc nhở bạn đọc rằng một cuộc khủng hoảng trong tương lai, nếu được giải quyết đúng, có thể thực sự tạo ra những cơ hội mới. Những năm gần đây của Trung Quốc tràn ngập những ví dụ như vậy. Jin, Xu và Wang giải thích rằng những cuộc đấu tranh chống lại Nhật Bản gần quần đảo Senkaku và Philippines tại Scarborough Shoal “cho thấy rằng chủ động sử dụng khủng hoảng và khai thác triệt để các cuộc khủng hoảng, làm chủ các cuộc khủng hoảng và thậm chí chủ động sản xuất khủng hoảng giúp Trung Quốc bảo vệ lợi ích của nó. Chỉ bằng cách áp dụng các biện pháp chủ động, Trung Quốc có thể đạt được thắng lợi cuối cùng trong cuộc đấu này.”

Các cuộc khủng hoảng đưa lại những cái cớ để trừng phạt các quốc gia khác, một lợi ích khác không bị mất đối với các tác giả. Jin, Hui và Wang đề nghị Trung Quốc “tấn công dữ dội những nước khác khi nó bị thương.” Nói cho cùng, họ viết, một số nước có tuyên bố phải bị tấn công để đe dọa nước khác và không cho các nước này đoàn kết, đó là mưu “giết gà dọa khỉ.”

Cuối cùng, Trung Quốc nên đóng vai trò tích cực trong các vấn đề an ninh phi truyền thống trong khu vực và các nỗ lực cứu trợ thiên tai. Các tác giả viết, các hoạt động như vậy sẽ giúp “hình thành một cơ chế an ninh và phối hợp giải quyết khủng hoảng do Trung Quốc lãnh đạo ở Biển Đông. Cuối cùng, điều này cũng có thể giúp tạo ra các điều kiện để giải quyết triệt để vấn đề Biển Đông.

Người đọc sẽ rút ra những kết luận của mình từ phần tóm tắt trên. Đối với chúng tôi, bài báo này xác nhận rằng chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông đang mở rộng theo hướng tăng dần theo kế hoạch và hiện thực theo định hướng. Nó cũng xác nhận sự đánh giá rằng các cân nhắc chiến lược của Bắc Kinh tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ – quốc gia duy nhất có thể phá vỡ kế hoạch của Trung Quốc hoặc cạnh tranh với nó về ảnh hưởng khu vực mà nó mong muốn. Bài viết này đưa ra rất ít thảo luận về những nước có yêu sách ở Biển Đông, có lẽ vì sức mạnh vượt trội về quân sự và kinh tế của Trung Quốc đã cho họ ít lựa chọn.

Với bài báo này, chúng ta có được những hiểu biết sâu sắc về lý do chiến lược đằng sau quyết định của Trung Quốc để xây dựng các cơ sở mới ở Quần đảo Trường Sa, một chủ đề vẫn hiếm khi được bàn luận rộng rãi ở Trung Quốc. Trong trường hợp Jin, Hui và Wang phản ánh suy nghĩ chủ đạo của Hải quân Trung Quốc, quan điểm của họ cho thấy các căn cứ mới luôn nhằm mục đích làm thay đổi cân bằng quân sự ở Biển Đông – bất kể các nhà ngoại giao Trung Quốc muốn làm nổi bật tính chất dân sự của chúng. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có thể tin rằng sự cân bằng hiện nay đang nghiêng về phía Trung Quốc, và điều này sẽ không thay đổi cho đến khi Mỹ hoàn thành “cam kết” lớn của mình với châu Á nếu có.

Chúng ta có một số an ủi trong mong muốn rõ ràng của bộ ba nhằm tránh xung đột vũ trang ở Biển Đông. Tuy nhiên, thái độ của họ cho thấy quân đội Trung Quốc có thể là quá tự tin về khả năng của mình trong việc quản lý một cuộc khủng hoảng quân sự trên biển. Đặc biệt đáng lo ngại, Mỹ là đối thủ giả định, nhưng chưa bao giờ tác giả thậm chí đề cập đến vai trò của vũ khí hạt nhân trong cuộc khủng hoảng.

Mặc dù bài viết này có một sự kết hợp hiếm có của sự thẳng thắn và quyền lực, nó không đóng lại nhiệm vụ của chúng tôi để hiểu ý định của Trung Quốc ở Biển Đông. Nó chỉ đại diện cho một nguồn thông tin, ý định của Trung Quốc đang tiến triển, và Hải quân Trung Quốc không phải là lực lực duy nhất hoạt động ở Biển Đông. Tuy nhiên, nó đưa ra một cái nhìn rất hiếm hoi về cách mà hải quân Trung Quốc hiểu các mục tiêu quốc gia ở đây, xây dựng chiến lược riêng của mình và đánh giá các lựa chọn trong tương lai.

———————-

Ryan Martinson là trợ lý giáo sư tại Học viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc của Đại học Hải quân Hoa Kỳ. CAPT Katsuya Yamamoto là sĩ quan liên lạc của Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) và là giáo sư quân sự quốc tế tại Trường Cao đẳng Hải quân Hoa Kỳ. Các ý kiến ​​thể hiện không phản ánh các đánh giá của Hải quân Hoa Kỳ hoặc của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản.

Tin bài liên quan:

Quy trình Xét xử công minh- Ân xá Quốc Tế (Bài 28)

Phan Thanh Hung

Quy trình Xét xử công minh- Ân xá Quốc Tế (Bài 25)

Phan Thanh Hung

VNTB- Liệu ASEAN có chìm ở Biển Đông?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo