Vũ Quốc Ngữ, ngày 04/9, 2016
(VNTB) – Trong ngày 02/9, ba ngày trước khi Tổng thống Pháp Francois Hollande bắt đầu chuyến viếng thăm chính thức cấp nhà nước tới Việt Nam, Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và hai thành viên của nó là Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam (VCHR) và Liên đoàn Nhân quyền Pháp (LDH) đã cùng nhau gửi một bức thư ngỏ lên tổng thống và đề nghị ông đề cập đến vấn đề nhân quyền trong các buổi gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Tổng thống Pháp Francois Hollande
Trong bức thư này, ba tổ chức nhân quyền mô tả sự đàn áp đang diễn ra ở Việt Nam nhằm chống lại những người chỉ trích chính phủ, người hoạt động xã hội và người bảo vệ nhân quyền. Nhiều nhà hoạt động xã hội và bảo vệ nhân quyền thường xuyên đàn áp dưới các hình thức đánh đập,giám sát và hạn chế đi lại, bắt bớ và giam giữ.
Trường hợp mới nhất của xu hướng này là vào tháng 8/2016, chính quyền đã kéo dài thời gian điều tra trước xét xử đối với luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài lên thành 12 tháng. Luật sư Đài đã bị bắt giam một cách tùy tiện và cuối năm 2015, một ngày trước cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt Nam-EU, bức thư nói.
Ngoài ra, tòa án Việt Nam tiếp tục kết án nhiều người bất đồng chính kiến ôn hòa và người bảo vệ nhân quyền với mức án nặng nề chỉ vì họ đơn thuần thực hiện quyền tự do ngôn luận, như blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh, người được biết đến với tên Anh Ba Sam, bị kết án năm năm tù giam vào tháng 3/2016, ba tổ chức nhân quyền nói.
Trong bốn tháng qua, chính quyền cộng sản Việt Nam đã tiến hành chiến dịch trấn áp quy mô toàn quốc nhằm chống lại làn sóng biểu tình ôn hòa của nhân dân cả nước nhằm phản ứng lại trước thảm họa môi trường ở ven biển miền Trung, một thảm họa nghiêm trọng đã gây ôm nhiễm một vùng biển rộng lớn ở bốn tỉnh từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên-Huế và làm chết hàng trăm tấn cá. Trong các vụ trấn áp đó, lực lượng an ninh đã đánh đập và bắt giữ tùy tiện nhiều người.
Việt Nam hiện nay đang giam giữ khoảng 130 tù chính trị, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Một trường hợp đặc biệt là thượng tọa Thích Quảng Độ, người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một nhóm tôn giáo độc lập bị cấm một cách tùy tiện từ năm 1981). Hiện nay, thượng tọa Độ bị quản thúc tại nhà riêng ở Sài Gòn. Thượng tọa, người từng được đề cử giải Nobel Hòa bình, đã bị giam giữ và quản chế một cách tùy tiện trong hơn 30 năm qua.
FIDH và LDH VCHR đề nghị Tổng thống Hollande gây sức ép buộc chính quyền Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện tất cả tù nhân chính trị và chấm dứt tất cả các hành vi quấy rối nhằm vào người bất đồng chính kiến và người bảo vệ nhân quyền.
Một số luật và điều luật hiện hành hình sự hóa việc thực thi quyền tự do ngôn luận và biểu đạt, quyền tự do hội họp ôn hòa, và quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Đặc biệt, các quy định trong mục An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự là cơ sở pháp lý để chính quyền đàn áp giới bất đồng chính kiến. Một số điều khoảng đánh đồng các hành vi khủng bố và biểu đạt chính kiến ôn hòa cùng với bản án tử hình không phù hợp với cam kết của Việt Nam theo Công ước quốc tế về Quyền Chính trị và Dân sự.
Gần đây Bộ luật Hình sự Việt Nam sửa đổi bãi bỏ hình phạt tử hình đối với bảy tội phạm, tuy nhiên, 18 tội khác vẫn phải nhận án tử hình. FIDH và hai tổ chức thành viên thúc giục Tổng thống Hollande kêu gọi Việt Nam xóa bỏ án tử hình đối với tất cả các tội danh.
Họ nói dự thảo Luật Tín ngưỡng vàTôn giáo, có khả năng sẽ được quốc hội thông qua sắp tới, là một bước lùi lớn về tự do tôn giáo và tín ngưỡng, vi phạm cam kết quốc tế ở Điều 18 của ICCPR của Việt Nam. Dự luật khi được thông qua, sẽ hợp thức hóa việc nhà nước can thiệp vào đời sống tôn giáo thông qua những quy định về đăng ký cho các nhóm tôn giáo. Dự thảo luật sẽ làm trầm trọng thêm những hạn chế đối với những nhóm tôn giáo không được công nhận, mà nhiều thành viên của các nhóm này đang bị sách nhiễu và bắt giữ tùy tiện.
Tổng thống Hollande nên nêu các vấn đề trên trong các cuộc gặp gỡ với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và yêu cầu Việt Nam tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện đầy đủ các nguyên tắc nhân quyền như đã cam kết với quốc tế và theo các khuyến nghị đưa ra bởi nhiều cơ chế nhân quyền khác nhau của Liên Hợp Quốc, FIDH nói.
FIDH và LDH và VCHR hy vọng rằng khi nói chuyện với sinh viên tại Đại học Quốc gia ở Hà Nội, Tổng thống Hollande sẽ thể hiện sự ủng hộ đối với xã hội dân sự độc lập. Sự ủng hộ của nước Pháp và cá nhân tổng thống sẽ rất có giá trị đối với người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, những người đang cho thấy họ cần môi trường dân chủ hơn và quyền con người được tôn trọng hơn.
Nước Pháp phải thức đẩy “Tự do, bình đẳng và bác ái” ở Việt Nam nơi mà việc hưởng đầy đủ các quyền chính trị và dân sự vẫn còn là một trở ngại, Chủ tịch FIDH Dimitris Christopoulos, Chủ tịch VCHR Võ Văn Ái và Chủ tịch LDH Françoise Dumont đã nói trong bức thư ngỏ.