TS Phạm Đình Bá
(VNTB) – Sử dụng “sở hữu toàn dân” để cướp đất từ mọi người
Vi và Nam thân,
Tôi chắc các anh chị cũng đang rộn rã trong không khí Tết cũng như nhiều người khác vào những ngày cuối năm. Những lúc này lại rất nhớ những háo hức đợi lên xe đò từ Sài gòn về Đà Nẵng lúc tôi đi học năm đầu đại học năm 1974. Đầu thư, xin nói “Chúc mừng năm mới!” với các anh chị.
Bên này thì tuyết phủ và 3 độ âm. Tôi viết cho các anh chị sau khi đi sau khi đi trượt tuyết băng đồng trong gần hai giờ – phong cảnh dọc theo con sông gần nhà tôi không có gì khác ngoài ngoạn mục ở vài nơi. Tuy thế với nhạc Thái Thanh vang vang mang theo, vẫn nhớ quê hương rất giai diết.
Cám ơn các anh chị cho biết về những lục đục bên nhà về việc chúng bàn về luật đất đai. Cũng cám ơn các anh chị về câu hỏi ở Hoa Kỳ và Gia Nã Đại có “sở hữu toàn dân” không. Tôi có đọc bài chúng viết trên báo Nhân Dân mà các anh chị đã giới thiệu và có để ý đến việc chúng chuẩn bị để lấy ý kiến “nhân dân” về cái mà chúng gọi là “sở hữu toàn dân”. [1]
Tôi cũng có đọc các bài trên Tạp chí Luật Khoa về vấn đề này bởi tôi vừa mới đăng ký và ủng hộ báo này. Trong bài “Biên niên sử “sở hữu đất đai” Việt Nam đương đại: Hiểu sao cho đúng?”, tác giả Võ Văn Quản của báo này cho rằng “công hữu”, “tư hữu”, “sở hữu toàn dân”, “sử dụng đất ổn định lâu dài”, “thu hồi đất” đều là những thuật ngữ được sử dụng nhiều đến ám ảnh trong cả không gian pháp lý lẫn không gian dân sự Việt Nam. [2] Tác giả đã làm một xem xét và đánh giá nhanh về sở hữu đất đai qua các bản hiến pháp Việt Nam.
Theo tôi hiểu, xuyên suốt qua những bản hiến pháp này (mà chúng nó chẳng tuân thủ gì cả), là cái khái niệm gọi là “sở hữu toàn dân”. Tôi rất thích bài xem xét trên báo Luật Khoa. Tuy vậy, tôi nhận thấy là ngay cả người có tham hiểu rất rộng như tác giả Võ Văn Quản của Luật Khoa cũng cho rằng “sở hữu toàn dân” có một “lợi thế rất lớn so với cơ chế sở hữu đất đai tư nhân tại phương Tây mà ít người Việt Nam nhận ra”.
Để tôi vẽ ra cái bản chất và khái niệm của “sở hữu toàn dân” cho dễ hiểu. Hình vẽ đơn giản hóa và minh họa cách chúng xử dụng “sở hữu toàn dân” để cướp đất từ mọi người. Hơn nữa, chúng còn láo lếu hợp pháp hóa cách làm nầy trong “hiến pháp”. Cái hình này lột trần nhiều chuyện phù phiếm về “sở hữu tài sản” mà theo Gorbachev, là một trong các khái niệm mà theo ông ấy vẫn còn “ở nhiều khía cạnh ở cấp độ của những năm 1930-1940” khi xã hội rất khác với xã hội ngày nay. [3]
Tác nhân chính trong hình là bọn siêu giàu và quyền lực, là một nhóm nhỏ khoảng chừng 0.1% của dân số nhưng có quyền tự tung tự tác lên mọi người còn lại. [4] Bọn 0.1% nầy thỉnh thoảng vứt cho bọn 1% mà chúng gọi là “đảng viên” hay “cán bộ” “ưu tú” một số chức quyền và tài sản nhất định.
Bọn 0.1% siêu giàu và quyền lực này làm nhiều chuyện để đánh hỏa mù và làm rối rắm vấn đề đến nỗi ngay cả những người tự cho là biết “luật” cũng có khi phải nhầm lẫn. [3] Thực ra cũng không trách gì họ cả, với hệ thống đàn áp và tuyên truyền to lớn qua gần 100 năm, hiệu ứng nước chảy đá mòn làm thẩm thấu những cái nghịch lý vào tâm não của một số người, nhất là trong bối cảnh của cái mà chúng gọi là “hiến pháp”.
Bọn 0.1% siêu giàu và quyền lực chạy qua chạy lại trên quê hương như những con thú đói trong các chuyện hoang dị và nhòm ngó nhà cửa của người dân, đảng viên, cán bộ, các tôn giáo và những người khác. Khi chúng thấy cái chúng thích, thế là chúng dùng đủ cách kể cả bạo lực để cưỡng chế và thu hồi. Chúng tạo dựng một đội ngũ “quy hoạch” rất lớn trên cả nước chỉ để phục vụ lợi ích cưỡng chế của chúng.
Quyết định thu hồi đất được vẽ qua cái hột kim cương đỏ ở giữa cái hình. Nếu dân mà không phải ở trong nhóm 0.1% cực giàu và quyền lực thì thật là xấu số cho họ. Dân Đồng Tâm và cụ Kình là nạn nhân của cái quyết định đỏ này. Dân giáo xứ Cồn Dầu là nạn nhân. Dân Vũ La, Nam Đồng, Nam Sách, Hải Dương là nạn nhân. Dân vườn rau Lộc Hưng là nạn nhân. Dân Thủ Thiêm một phần là nạn nhân. Danh sách này rất dài và vẫn còn đang cập nhật nhanh chóng nhất bởi ngoài việc ăn cướp ra, lũ 0.1% này không có kỹ năng làm ăn nào khác.
Thế thì có phải là phải sống như thế hoài hoài không? Có cách làm nào khác tốt đẹp hơn không? Có phải phương Tây không biết “sở hữu toàn dân” là một bảo bối kỳ diệu để giải quyết bất bình đẳng tư hữu như tác giả Võ Văn Quản của tạp chí Luật Khoa gợi ý không?
Nhân đây tôi cũng xin trở lại câu hỏi của các anh chị là “sở hữu toàn dân” có ở Gia Nã Đại không? Để trả lời các câu hỏi này, tôi xin kể một câu chuyện cá nhân nhỏ.
Đầu năm 2021 giữa đại dịch bên này tôi cảm thấy rất nhớ những ngày mình còn làm ruộng sau 1975. Ruộng trong cả nước lúc ấy là thuộc về sở hữu tập thể và đa số nông dân làm cho hợp tác xã. Những người hợp tác xã chưa đụng đến thì vẫn làm mùa trên ruộng lâu đời của họ, nhưng chưa biết lúc nào thì hợp tác xã quyết định tịch thu ruộng. Ở đây cũng không cần nhắc đến sự kỳ diệu về những năm đói kém lúc cả nước theo sở hữu tập thể.
Vì nhớ ruộng và nhớ chuyện làm ruộng cũ, tôi mới quyết định lấy số tiền mà tôi để dành để mua xe hơi để đi mua một miếng đất rất xa ở trong rừng. Tôi muốn dựng một cái chòi mà khi rảnh thì lên đó sống gần với thiên nhiên, tránh xa những tiện nghi của đời sống hiện tại, giống như lúc xưa phải đi làm ruộng rất xa trên ruộng đá vì rất nhiều ruộng gần thì đã bị vào hợp tác xã rồi.
Sau bốn tháng tìm kiếm, tôi chọn được một miếng đất rộng mấy mẫu nhưng hơn 90% phần lớn của đất này là một cái đầm đầy nước đọng, với một khoảng nhỏ đất là một góc đồi sát bên cái đầm ấy. Chung quanh mảnh đất này là những hàng thông gần cả 50 năm được người chủ trước trồng làm hàng rào mà tôi rất thích. Miếng đất này không có giá trị gì cho người muốn làm nhà lớn và vì vậy không mấy ai chú ý, chỉ có tôi và vài người nữa muốn mua.
Tôi đồng ý trả nguyên giá chủ đất hỏi để chắc là mình mua được. Thế là chủ muốn bán. Tôi đặt tiền cọc, với điều kiện là tôi có 2 tuần để coi những chi tiết về miếng đất có đúng như đăng trên quảng cáo không. Miếng đất này thuộc một thôn cách thành phố tôi ở khoảng 4 tiếng lái xe.
Tôi tìm hiểu về luật lệ của thôn ngay trên mạng vì thôn ngày họ phác thảo các quy tắc và quy định khá rõ ràng và dễ hiểu trên trang mạng mặc dù có rất nhiều quy định cần phải tuân theo. Có vài điều mà tôi nghĩ có liên hệ đến câu hỏi của các anh chị.
Nếu tôi mua, sở hữu đất là đứng tên tôi. Đất này được phân vào diện đất thôn, nên muốn làm nhà thì phải qua một phiên điều trần mở của những người sống gần miếng đất hay người nào trong thôn muốn biết về vấn đề. Ban điều hành thôn thu thập ý kiến từ phiên điều trần mở rồi cho quyết định cuối cùng về việc cấp giấy để xây nhà. Một điểm quan trọng nữa là bởi vì đất đầm nên phải có xem xét và phê chuẩn của ủy ban môi trường của cả vùng, một cơ cấu độc lập khỏi ban điều hành thôn cũng như chính phủ trong vùng.
Tôi điền đơn và xin gặp nhân viên của thôn. Khoảng vài tiếng sau họ gọi lại để dàn xếp cho một cuộc họp trên mạng vào hai ngày sau đó. Người đại diện thôn nói chuyện với tôi là ông chủ ban quy hoạch và phát triển của thôn. Ông ấy khẳng định những điều tôi hiểu từ trang mạng của thôn, giải thích những chuyện tôi không hiểu và giải thích những bước mà tôi phải làm theo.
Theo ông ấy, phần đất trên miếng đất là quá nhỏ để đáp ứng những khoảng cách tối thiểu từ nhà đến ven nước của đầm, từ nhà đến ranh giới với những miếng đất lân cận. Ông ấy không từ chối nếu tôi muốn làm đơn xin thôn tổ chức một phiên điều trần mở, nhưng theo ý kiến ông ấy thì việc xin giấy phép xây nhà của tôi là khó thành công. Sau khi nói chuyện với ông ấy, tôi quyết định báo với người bán đất là tôi từ chối việc thương thảo và rút lại tiền đặt cọc.
Sau đó, tôi tiếp tục tìm kiếm. Tôi thấy có rất nhiều đất công mà các thôn xã ở xa thành phố muốn cho mướn cho người ta lên chơi, đi săn, đi xe máy trong rừng, đi trượt tuyết xuyên đồng quê và rừng, cùng nhiều hoạt động khác. Các anh chị có thể xây nhà trên đất thuê (tuy vẫn phải qua đúng thủ tục) và có thể thuê đến cả gần trăm năm, tùy theo vùng. Các anh chị có thể thuê cả hòn đảo lớn hay nhỏ và cả những khu rừng lớn nếu muốn.
Hợp đồng thuê thì thường được thương thảo giữa bên cho thuê và bên đi thuê. Trong khi mình thuê, họ không thu hồi đất được, miễn là mình làm đúng hợp đồng. Thu hồi đất là không thể tùy tiện như trong hình vẽ về cách làm của bọn 0.1% ăn cướp bên mình.
Phải đến mùa thu năm nay ngoái thì tôi mới tìm được miếng đất rất nhỏ mà tôi muốn và vừa túi tiền của mình. Sở hữu là đứng tên tôi. Cách xin phép xây nhà trên đất lần này thì đơn giản hơn nhiều vì miếng đất nầy thuộc một cái làng nhỏ và làng đã quy hoạch đây là đất ở có thể xây nhà được (khác với đất làng thì phải qua những thủ tục để xin phép xây nhà). Miếng đất này cũng cách thành phố tôi ở 4 tiếng lái xe, từ đường nhựa vào đến đất phải lái xe trên nhiều đường đất không trải nhựa khoảng 45 phút, rất rừng rú.
Tôi hơi ngạc nhiên khi đi ký giấy tờ chuyển giao sở hữu ở phòng luật sư. Cô ấy đưa ra một xấp giấy tờ như cuốn vở mỏng, gồm giấy chuyển giao sở hữu miếng đất mà tôi sẽ đứng tên, giấy cho phép dùng một cái bải rất nhỏ trên một cái hồ khoảng 150 mét gần đó để dùng chung với 5 chủ đất khác, những giấy cho phép dùng 6 con đường khác nhau mà tôi có thể dùng để đi vào miếng đất, và bản đồ khảo sát đất đai. Nói thì lộn xộn, nhưng tôi không lo nghĩ gì vì cô nầy là bạn hơn mười mấy năm nay và cô ấy rất kỹ lưỡng trong công việc. Đời sống trở nên đơn giản hơn nếu trong giao tiếp mình có niềm tin vào luật lệ, sự chân thật và kỷ năng của nhau.
Nhiều điểm của câu chuyện là như thế này. Thứ nhất, ở đây không có cái gọi là “sở hữu toàn dân”. Ở đây không phải là không có bất bình đẳng về tài sản, nhưng không thể giải quyết bất bình đẳng bằng làm luật tầm bậy rồi dùng bạo lực để trấn áp việc cướp đất của dân. Những người đại diện chính phủ của các thôn làng ở đây thường được bầu vào bốn năm một lần, họ làm việc theo luật viết rõ trên mạng và thông qua các phiên điều trần mở để mọi người đóng góp điều mà họ muốn thôn làng của họ sẽ phát triển ra sao.
Theo tôi được biết, chính phủ ở đây phải làm việc chăm chỉ để ngăn chận tiền tham nhũng và tẩu tán tài sản từ Trung Quốc, Nga và một số nước cai trị bởi độc tài toàn trị khác. Dân đây không muốn tiền bẩn đi vào làm lũng đoạn hệ thống bất động sản tại đây. Họ không muốn đất lên giá vì tiền bẩn. Trong một bài trước, tôi đã tóm tắt dữ liệu về hàng trăm triệu Mỹ kim tiền tham nhũng từ Việt Nam đã bị tẩu tán sang New Zealand để mua nhiều nhà đất ở đó. [5]
Nhà ở là nhân tố quyết định của đời sống. Bởi vậy luật lệ liên hệ về nhà đất có tầm ảnh hưởng rất sâu đến mỗi và mọi người. Luật tốt là luật mà khi các anh chị đối mặt với nó, các anh chị cảm thấy yên tâm và thoải mái về những điều các anh chị phải làm để bảo đảm việc các anh chị muốn làm là hợp pháp và kết quả các anh chị gặt hái được từ công việc đó được công nhận và bảo vệ bởi pháp luật.
Đây là cách nhìn về luật pháp từ quan điểm của dân thường. Luật mà làm dân cảm thấy dễ hiểu và dễ theo thì luật có mà như không có bởi vì dân không bị vướng bận gì khi làm việc. Dân vui và hạnh phúc trong đời sống hằng ngày thì luật là tốt – nếu không thì luật không tốt. Nhận định này bao gồm cả cách những người được lựa chọn để thực thi luật pháp đang thực sự thực hiện chúng một cách đúng đắn.
Luật lệ không rõ ràng làm giảm đi giá trị cuộc sống của mọi người. Các anh chị và tôi có nhiều điều lo nghĩ trong việc kiếm sống hằng ngày, chúng ta không cần thêm những áp bức và lo lắng triền miền về nhà ở của mình bị chúng muốn giải tỏa. Thể chế mà cố tình làm căng thẳng đời sống của mọi người thì không đáng một xu để giữ và vào đúng thời điểm cần phải dẹp đi.
_____________
Nguồn:
1. Nhân dân. Khó nhất, quan trọng nhất và được trông đợi nhất. 09/12/2022; Available from: https://nhandan.vn/kho-nhat-quan-trong-nhat-va-duoc-trong-doi-nhat-post728851.html.
2. Luật Khoa – Võ Văn Quản. Biên niên sử “sở hữu đất đai” Việt Nam đương đại: Hiểu sao cho đúng? 03/12/2022; Available from: https://www.luatkhoa.com/2022/11/bien-nien-su-so-huu-dat-dai-viet-nam-duong-dai-hieu-sao-cho-dung/.
3. Bialer, S., Politics, society, and nationality inside Gorbachev’s Russia. 2019: Routledge.
4. Hoang, K.K., Spiderweb Capitalism: How Global Elites Exploit Frontier Markets. 2022: Princeton University Press.
5. Phạm Đình Bá. VNTB – Tẩu tán tài sản ra ngoài còn độc hại cho dân hơn tham nhũng. 12/01/2023; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-tau-tan-tai-san-ra-ngoai-la-doc-hai-cho-dan-hon-tham-nhung/.