VNTB- Bán hàng qua facebook phải đóng thuế (!?)

Trúc Giang

(VNTB) – Hình như đề xuất này cũng tương tự việc bán hàng qua mạng có thể sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 292 Bộ luật hình sự 2015 (hiện bộ luật đang hoãn thi hành).



Có mua – bán, thì… nộp thuế
“Có tới 35% doanh nghiệp đang bán hàng trên mạng xã hội. Có thể tới hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh đang bán hàng trên Facebook với doanh thu lớn nhưng không nộp thuế”.
Đó là lý do được Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM viện dẫn khi đề xuất lãnh đạo TP.HCM cần “làm việc với Facebook để quản lý nguồn thu thuế”.
Tuy nhiên đứng về pháp luật thuế, thì dịch vụ mạng xã hội Facebook chỉ được sử dụng như một kênh rao vặt, kênh phát hành, các website này không có chức năng mua bán, đặt hàng, thanh toán, quản lý đơn hàng nên việc quản lý và thu thuế là không thể. Hiện chưa có bất kỳ cơ sở pháp lý chứng minh người kinh doanh online có thu nhập và trốn thuế – ngoại trừ khi thanh tra giả làm khách đặt hàng để bắt tại trận (hành vi gài để phạm pháp này bị cấm).
Theo quy định hiện hành, các trang facebook bán hàng, các trang mạng bán hàng online không phải đăng ký, nếu chủ sở hữu trang mạng đó chỉ phục vụ riêng cho mục đích bán hàng của cá nhân.

Giao diện của trang Facebook buộc phải theo luật Việt Nam?
Trong trường hợp chủ sở hữu có một trong các hoạt động, như cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ trên trang của mình…, thì phải đăng ký hoạt động dưới hình thức Sàn giao dịch thương mại điện tử (theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP).
Như vậy để có thể đánh thuế được người bán hàng trên Facebook, thì những thương nhân, tổ chức nước ngoài, các chủ trang mạng xã hội nước ngoài phải có sự hiện diện tại Việt Nam, như việc có văn phòng đại diện, có chi nhánh hoạt động ở Việt Nam; hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam, đuôi “.vn” thì mới thuộc đối tượng quản lý của các văn bản trên.
Sau đó, người kinh doanh trên Facebook cũng phải thực hiện các trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật. Nói một cách khác, người kinh doanh trên Facebook buộc phải cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định khi bán hàng hóa. Đảm bảo tính chính xác, trung thực về thông tin của hàng hóa, dịch vụ cung cấp hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Mặt khác, còn buộc tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mãi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Tuy nhiên trên thực tế, giao diện của trang Facebook không được thiết kế để đáp ứng những yêu cầu của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP. Khả năng buộc công ty Facebook thiết kế lại giao diện phù hợp với các quy định về thương mại điện tử của Việt Nam, là bất khả thi vì cho đến nay, Facebook là dịch vụ mạng xã hội miễn phí dành cho người dùng.

Sao không thu từ gốc?
“Xin hỏi tại sao các vị không đánh thuế chính trang Facebook? Đó chính là kẻ thu tiền không ít từ quảng cáo của người bán. Ví dụ, bạn của tôi là người bán quần áo online 1 tháng mua ‘like’ hết 15 triệu đồng, trừ tiền vốn, lãi còn 8 triệu bạc/1 tháng. Nếu mấy vị đó không đánh thuế công ty Facebook mới là thiệt hại lớn đó, vì kinh doang trên mạng, tôi quên với rất nhiều người, ai cũng than là tiền lãi phải bỏ ra mua ‘like’ trả cho công ty Facebook không dưới 50% lợi nhuận, tại sao không tìm cách thu thuế kẻ hưởng lợi nhiều nhất là công ty Facebook?”.

Một người kinh doanh online qua kênh Facebook cho biết như vậy.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)