Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bản quyền của người dịch

Đỗ Văn Phúc

 

 

Bài viết “Nói Chuyện về Tác Phẩm và Tác Quyền” của chúng tôi phổ biến từ mấy năm qua và có in trong cuốn Chuyện Dài Chữ Nghĩa vừa gây ra một cuộc bút đàm khá thú vị giữa tác giả và một người quen – Vị này cũng là người sinh hoạt nhiều năm trong làng văn học. Sự bàn luận xoay quanh vấn đề bản quyền (copyright) của người dịch.

Trước hết, xin minh định rằng trọng tâm của bài trên là về hai chữ “Tác Quyền”. Hôm nay, xin mạn bàn về chữ “Bản Quyền”.

Chữ “Tác Quyền” (Author’s Right) – có chữ “Tác” là sáng tác, là tạo ra, là làm nên – thì quả đã rõ nghĩa, đó là quyền tối thượng, không thể tranh cãi, không thể di nhượng của tác giả tức là người đầu tiên làm ra một thứ gì đó mang tính cách sáng tạo. Ví dụ viết một cuốn sách, một bản nhạc, làm một đoạn hay một cuốn phim, hay vẽ một bức tranh… Người sáng tác này – tác giả – có đủ tác quyền rộng rãi về tác phẩm của họ; sử dụng thế nào, phân phối và được tái tạo ra sao. (“author’s right,” which refers to the legal ownership that an author has over their original creative work, such as a book, song, or movie. It grants the author the exclusive right to control how their work is used, distributed, and reproduced…)

Còn “Bản Quyền” nên dùng cho chữ “Copyrights” là một quyền pháp định, cũng là một phần trong “Tác Quyền” như trong định nghĩa vừa dẫn ở đoạn trên. Chữ Copy cho ta ý nghĩa một bản văn, một sự sao chép. Vậy Copyright, hay “Bản Quyền” là quyền cụ thể trong việc sử dụng một tác phẩm văn nghệ, văn hoá nào đó.

Luật Bản Quyền của Hoa Kỳ (Copyright Law of the United States) bảo vệ các công trình nghệ thuật bao gồm truyện thơ, các tác phẩm văn học, âm nhạc, hội hoạ, điêu khác… Luật coi tác giả đầu tiên là người sở hữu các quyền “copyright” của tác phẩm mình. Theo luật bản quyền của Hoa Kỳ, từ khi có tác phẩm ra đời, tác giả đương nhiên có bản quyền; tác giả không cần phải nộp xin giấy phép về Copyright. Tuy nhiên, để có thể đòi bồi thường thiệt hai do sự sử dụng trái phép, và cũng tránh tranh tụng có thể phức tạp, tốn kém về sau, họ khuyến khích nên nộp bản lên Copyright Office của Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ để xin chứng thư về bản quyền cho vững tâm.

 Tác giả có thể chuyển nhượng bản quyền (copyright) cho một người khác với những điều kiện về thời hạn và phạm vi sử dụng tác phẩm của mình (sử dụng trong 5, 10 năm hay lâu hơn, có khi bán luôn bản quyền vĩnh viễn; tác phẩm có thể được dịch, quay thành phim, đem ra dùng trong việc giáo dục, vân vân).

Trong khi tác quyền (author’s right) gắn bó với tác giả, bản quyền (copyright) không phải trường tồn, mà có thể kéo dài trong một thời hạn nào đó, sau khi tác giả qua đời.

 

Người Dịch có Bản Quyền hay Không?

 

Xin nhắc lại, theo Luật Bản Quyền của Hoa Kỳ, bản quyền dành cho tất cả những công trình nguyên thủy được sáng tác qua những phương tiện diễn đạt được minh xác.

Từ đó, nẩy sinh ra vấn đề bản quyền của người dịch. Liệu những công tác dịch thuật có đáp ứng được tiêu chuẩn cần thiết để được nhận bản quyền hay không?

Theo luật trên, một bản dịch trên căn bản chỉ là một công tác chuyển ngữ (derivative work) mà chỉ có người nắm bản quyền mới được trao cho ai đó quyền bao gồm việc dịch sang ngôn ngữ khác và phân phối tại những vùng trên thế giới, nơi sử dụng ngôn ngữ đó. (A translation is basically a derivative work.  Only the copyright owner can authorize a translation that will be distributed.  This includes works that are translated into another language and distributed in parts of the world where that language is spoken).

 

Khi nào thì người dịch bị xem là vi phạm bản quyền?

 

Luật Hoa Kỳ ghi rõ những việc chuyển dịch sẽ bị coi là vi phạm bản quyền nếu người dịch không có sự chấp thuận của người giữ bản quyền. Đó là trường hợp khi có một tác phẩm bị người khác tái dựng, phổ biến, trưng bày ra công chúng, hay diễn dịch thành một tác phẩm khác mà không xin phép và được chấp thuận. Càng nghiêm trọng hơn nếu việc sử dụng nhắm mục đích thương mại. Luật cũng ghi rõ nếu tác giả cho phép dịch tác phẩm, thì ông ta vẫn giữ bản quyền, vì việc dịch thuật bị coi là việc được thuê mướn.

(What is copyright infringement? As a general matter, copyright infringement occurs when a copyrighted work is reproduced, distributed, performed, publicly displayed, or made into a derivative work without the permission of the copyright owner).

Vì mục đích bảo vệ bản quyền (copyright), người ta nhấn mạnh đến sự sáng tạo trong tác phẩm. Một tác phẩm phải là nguyên thủy do sự sáng tạo, không sao chép từ tác phẩm người khác.

Khi nói về bản quyền của người dịch, có hai khảo hướng trái ngược.

 

1.- Khảo hướng thứ nhất cho rằng việc dịch thuật chẳng mang tính sáng tạo mà chỉ là một công việc chuyển dạng chữ nghĩa (derivative work) hay ít ra, nó chẳng ngang tầm với nguyên bản. Ý nghĩa chính của bản văn do tác giả viết ra đã có sẵn, người dịch chỉ viết lại bằng ngôn ngữ khác mà thôi. Như thế, người dịch không thể đòi bản quyền.

2.- Khảo hướng thứ hai thì quan niệm rằng trong các dịch phẩm, ít nhiều cũng mang tính sáng tạo. Ngôn ngữ mỗi nước có sắc thái riêng; có những chữ mang nhiều nghĩa; nên người dịch cũng phải uyển chuyển chọn câu, chọn chữ. Xét cho cùng, dịch một cuốn sách cũng là một công trình, lại là công trình trí tuệ. Ít nhiều thì dịch giả cũng góp chút sáng tạo để dịch phẩm hợp với văn phong, ngôn ngữ, và cả tâm lý người đọc.

Do đó, dịch giả cũng có thể đòi có bản quyền. Nhưng đánh giá tính cách sáng tạo phải ở mức nào để được công nhận? Thử so sánh việc dịch một trang web với việc dịch tác phẩm bất hủ Hy Lạp là Iliad. Dịch trang web chẳng có gì là sáng tạo; nhưng dịch bản trường ca Iliad tử cổ ngữ Hy Lạp rắc rối khó hiểu qua Anh Ngữ hiện đại là một công trình sáng tạo đấy. Thí dụ này làm chúng tôi nghĩ đến cụ Nguyễn Du với tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh dựa trên cuốn Kim Vân Kiều Truyện của Trung Hoa. Chúng tôi xin rút lại những nhận xét về cụ trong bài “Tác Phẩm và Tác Quyền” để thừa nhận tình sáng tạo trong tác phẩm của cụ.

Luật về Copyright của nước Đức có vẻ rất độ lượng trong trường hợp này. Đức thừa nhận copyright cho các dịch giả ngang bằng copyright của tác giả.

Nhưng luật Hoa Kỳ thì có những điều kiện khắt khe hơn. Người ta ví những điều khoản về dịch phẩm ghi trong Luật Hoa Kỳ này là có vẻ mơ hồ, coi như một phạm vi khó xác định ranh giới (Because copyright laws protect original works, translations occupy a gray area).

Luật Hoa Kỳ xét thuận cho những công trình dịch thuật trong trường hợp mà người dịch đầu tư nhiều trí tuệ vào đó. Như đã nói ở trên, nhiều dịch giả, khi làm công việc chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia, mang tính sáng tạo (creative) vào làm cho dịch phẩm sống động, phù hợp với môi trường văn hoá xã hội nơi dịch phẩm được phổ biến. Ví dụ như Bà Đoàn Thị Điểm dịch cuốn Chinh Phụ Ngâm từ bản chữ Hán của ông Đặng Trần Côn. Phải nói là quá xuất sắc, đầy sự sáng tạo trong từng câu thơ.

Vấn đề là: từ mức sáng tạo nào thì người dịch mới coi là có bản quyền?

Thay tên Jean Vanjean bằng Văn Giảng, Javert bằng Gia Vệ; đưa bối cảnh từ một vùng ở Pháp qua một quân lỵ ở miền Nam có thể coi là sáng tạo không – khi cốt chuyện, luận đề luân lý, bố cục tình tiết vẫn là nguyên si của Les Miserables.

Bản quyền của người dịch không thể đi ra ngoài phạm vi bản quyền mà anh ta được tác giả thỏa thuận trao cho.

Có trường hợp người giữ bản quyền trao lại cho người kế thừa hay cơ sở xuất bản nào đó. Nhưng cũng có những tác phẩm lâu đời mà dù cố gắng bao nhiêu, cũng không truy tìm ra ai giữ bản quyền. Chúng ta không trách những người đã tự ý dịch và phổ biến các tác phẩm không còn ai giữ bản quyền; nhưng nên ghi xuất xứ của nó. Những tài liệu của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà nay đã trở thành của công chúng vì Quân Lực không còn tồn tại. Có muốn xin phép, cũng không biết xin ai! (Xin mở ngoặc nhắc rằng, những vị còn giữ các tài liệu đó, chỉ là sở hữu chủ của vật đó thôi. Ông ta không thể kết tội bất cứ ai sử dụng nội dung của chúng nếu họ thấy ông ta đưa ra trên truyền thông đại chúng).

Tại những quốc gia nhỏ như Việt Nam, người ta tha hồ chọn dịch các tác phẩm ăn khách ngoại quốc để bán kiếm tiền. Dù cho Việt Nam ngày nay cũng có luật bản quyền và tuân thủ luật quốc tế về bản quyền, nhiều tác giả không những bị đánh cắp tác quyền, mà lại còn phải mất công khiếu nại kiện tụng; chỉ mất thì giờ, tiền bạc vô ích ở một nước mà ai cũng thấy chính quyền ngồi xổm trên luật pháp.

Trong bài viết đã dẫn của tôi, có nêu nhận xét là nhiều dịch giả người Việt – chắc không hề xin phép tác giả trước khi dịch – mà còn rất sai khi in tên mình là tác giả lên trang bìa cuốn sách bán kiếm tiền. Đó là việc làm quá sai, vừa về pháp lý, vừa về mặt đạo đức của người cầm bút mà không ai có thể bào chữa với bất cứ lý do gì. Chúng ta thử lên các trang web hay vào thư viện Hoa Kỳ, sẽ thấy người ngoại quốc rất tự trọng và tôn trọng luật pháp. Họ in tên tác giả trang trọng trên bìa và chỉ in tên người dịch cách khiêm tốn ở trang trong.

Vì đây là một vấn đề phức tạp, không thể cô đọng trong vài trang giấy cho đủ chi tiết; quý vị muốn tìm hiểu thêm, xin vào các trang web sau:

https://www.copyright.gov/title17/92chap5.html

https://guides.library.cornell.edu/authorrights/knowyourrights#:~:text=People%20often%20use%20the%20terms,in%20a%20fixed%2C%20tangible%20form.

https://thestudentlawyer.com/2021/04/17/what-you-should-know-about-copyright-in-translations/

https://copyright.uslegal.com/enumerated-categories-of-copyrightable-works/translation/

https://ipwatchdog.com/2021/11/03/copyright-translated-content-creator/id=139477/

https://www.inter-contact.de/en/blog/copyright-for-translations 

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Giải quyết nạn lạm phát của Harris

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Mình ơi! Nói Sao Cho Vừa Lòng Mình?

Do Van Tien

VNTB – Những Chữ thường bị Hiểu và Dùng Sai

Trương Thế Tử

1 comment

Michael 01.04.2023 3:31 at 03:31

Tác giả thêm một phần quan trọng:

Thời hiệu của Bản Quyền:

Khi có tranh tụng tại toà, bản quyền có mức thời hiệu xét riêng trong hai trường hợp sau: Thời hiệu Pháp lý và Thời hiệu Giao ước.

1.- Thời hiệu Pháp lý (Statutory Limitation)

Pháp luật ấn định một thời điểm nào mà sự việc coi như không còn thời hiệu để toà có thể xét xử khi có sự tranh tụng giữa các bên). Trong mục thời hiệu pháp lý này, có hai điều quen thuộc đối với các nhà nghiên cứu và các quản thủ thư viện. Đó là “Fair Use” trong Đoạn 107 (tạm dịch là sự sử dụng có chừng mực hợp lý) và “Libraries Exception” Đoạn 108 (Ngoại lệ cho các Thư viện). Trong các trường hợp này, người có bản quyền vẫn là người chủ của tác phẩm và còn mọi quyền, nhưng luật cho phép những người khác được sử dụng tác phẩm trong vài hoàn cảnh nào đó.
Vấn đề thời hiệu này rất phức tạp, nó tùy thuộc loại hình của tác phẩm như sách truyện, phim ảnh, bang ghi âm… Phải đọc và nghiên cứu từng mục.

2.- Thời hiệu Giao ước (Contractual Limitations)

Thời hiệu Giao ước được nêu ra khi có sự tranh chấp ảnh hưởng đến chủ quyền hay sự sử dụng tác phẩm có bản quyền trong trường hợp người giữ bản quyền ký hợp đồng riêng tư cho phép người khác (có thể nhà xuất bản, dịch giả, vân vân) sử dụng tác phẩm của mình. Người có bản quyền có toàn quyền kiểm soát từng mục trong quyền của mình được ấn định trong Khoản 106 (khoản này ghi rõ 6 quyền của người có bản quyền); ông có thể cho phép một phần hay toàn bộ; có thể chuyển nhượng các quyền đó cũng như có thể lấy lại theo ý mình (revocable or irrevocable).

Thời hiệu thông thường của Bản Quyền:

Theo Chương 3, điều 301 của luật bản quyền của Hoa Kỳ, nếu tác phẩm làm ra từ 1 tháng Giêng, 1978 trở về sau, thì bản quyền của tác giả sẽ chấm dứt 70 năm sau khi ông/bà ta qua đời. Công chúng ai muốn dùng thì cứ tùy nghi. Tuy nhiên, phải luôn ghi tên tác giả là chính. (trong vòng 70 năm sau khi tác giả chết, bản quyền thuộc về người kế thừa hay người ngoài được ủy nhiệm, hợp đồng)
Nếu tác phẩm ra đời trước 01-01-1978 (nhưng chưa phát hành và xin bản quyền), coi như bản quyền chấm dứt ngày 31 tháng 12, 2002. Còn nếu tác phẩm đó phát hành trước 31/12/2002, bản quyền sẽ chấm dứt ngày 31/12/2047.
Khoản 304 Subsisting copyright (áp dụng cho tác phẩm ngoại quốc) có bản quyền nước họ nhưng không có chứng chỉ bản quyền do Mỹ cấp, thì hạn kỳ là 28 năm.
Bộ Luật rất dài và phức tạp. Khả năng và thời giờ của tôi cũng hạn chế; nên chỉ nêu ra các điều quan trọng thôi.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo