Tháng 10/2016, một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết “nợ xấu vẫn còn nhiều tiềm ẩn rủi ro và việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là nợ xấu liên quan đến vụ án chiếm tỷ trọng cao tới gần 49% trong tổng nợ xấu. Đây là khoản nợ khó xử lý và phần lớn các khoản nợ này vẫn chưa xử lý thu hồi được”.
Đây là một bằng chứng mới nhất về nguồn gốc nợ xấu, húc đổ toàn bộ cơ sở luận của những kẻ chỉ muốn “lấy của người nghèo chia cho người giàu”, thông qua việc lấy ngân sách để “xử lý nợ xấu”.
Một trong những vụ án “người tốt việc tốt” mà đã khiến vài ngân hàng thương mại bị trôi sông đến 5,000 tỷ đồng là vụ “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như. Ai có thể và dám quyết định rằng những ngân hàng “bị lừa” như Vietinbank và ACB sẽ được đền bù bằng chính ngân sách nhà nước và do đó bằng tiền đóng thuế của người dân?
Hay vụ Phạm Công Danh cùng Ngân hàng Xây dựng với 9,000 tỷ thất thoát, quan chức chính quyền nào sẽ dám khẳng định rằng dân sẽ phải nội tiền nhiều hơn nữa để bù đắp cho nạn tham nhũng kinh hoàng trong giới cá mập ngân hàng?
Chỉ riêng 3 ngân hàng có lãnh đạo bị bắt, nhưng sau đó đã được Ngân hàng nhà ước ưu ái đến mức nghi ngờ khi mua lại với giá 0 đồng – Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng GP – đã có tổng nợ xấu lên đến vài chục ngàn tỷ đồng. Khả năng thu hồi số thất thoát do tham nhũng là rất thấp.
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam lại quá tệ so với mặt bằng chung trên thế giới. Nếu Việt Nam luôn bị Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) liệt vào nhóm cuối của các nước trên thế giới về độ minh bạch nhưng lại đứng ở top đầu về nạn tham nhũng, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam chỉ khoảng 8% theo số báo cáo, so với yêu cầu quốc tế ít nhất 30%.
Gây thất thoát rất nhiều, nhưng thu hồi lại quá ít. Đó chính là nguồn cơ khiến nhiều ngân hàng thương mại đang ngồi trên núi lửa mà có thể bị thổi bay bất cứ lúc nào.
Vấn nạn có thể trở thành quốc nạn “vỡ ngân hàng” như trên đã khiến nợ xấu trong khối ngân hàng thương mại đang biến diễn thành khối ung thư di căn giai đoạn cuối và rất có thể sẽ khiến chế độ phải “hạ cánh cứng”.
Và đó cũng là lý do chủ yếu để khẳng định rằng một khi giới quan chức ngân hàng và quan chức nhà nước phải kêu gào “dùng ngân sách để xử lý nợ xấu”, tình thế đã trở nên vô phương cứu chữa.
Trong tình thế đó, một số chuyên gia nhà nước đang cố gắng lập luận theo hướng “cứu ngân hàng cũng là cứu nền kinh tế”. Nhưng với phân nửa nợ xấu của giới ngân hàng liên quan đến các vụ án do chính ngân hàng hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra, làm sao có thể dùng tiền dân đóng thuế cho nhà nước để gánh nợ cho những kẻ “ngồi mát ăn bát vàng”?
Lê Dung / SBTN