Quang Nguyên
(Washington)
(VNTB) – Các ông bà già Việt Nam lưu vong bấm đốt ngón tay, bảo nhau: “Thế mà đã 42 năm rồi nhỉ”.
Câu ngắn gọn, nhẹ nhàng như gió thoảng nhưng chất chứa đầy đau đớn với cả đoạn đường tang thương của họ. Một số trong họ đang ngồi chung quanh nồi bánh chưng bánh tét sùng sục sôi, giống như mấy chục năm trước nơi quê nhà, nhưng xa vạn dặm. Gần một nửa thế kỷ lòng họ vẫn hướng về quê hương; nhất là trong các dịp đặc biệt như Tết Ta.
Người Việt ở ngoại quốc hay ở Mỹ sống trong môi trường văn hóa khác với văn hóa Việt Nam, nhưng chưa bao giờ nghe họ bàn với nhau về chuyện có nên bỏ tết cổ truyền của mình để chỉ celebrate New year như những người nơi họ đang sống. Ăn mừng tết Dương lịch, được nghỉ ăn lương, nhưng người Việt vẫn trông ngóng đến ngày Tết Việt Nam như những người trong nước, dù ngày này họ vẫn phải đi làm, đi học. Trong nhà một số người không thấy có cây mai, đào, bàn thờ tổ tiên lung linh hương khói như ở bên nhà, ngược lại có nhiều gia đình tích cực đón tết. Bên cạnh cây đào, cành mai, thường là giả, trên bàn thờ tổ tiên khói hương nghi ngút , không thiếu mâm ngũ quả, bánh mứt, trái cây. Có hay không tạo không khí tết trong gia đình, hầu hết đều thích tham gia các lễ hội Tết cộng đồng, trong đó phải kể đến các sinh hoạt văn hóa tại các nơi thờ tự của các tôn giáo.
Một trong những nét đặc trưng của các Nhà Thờ Công Giáo và Chùa Chiền là nấu bánh chưng, bánh tét trong dịp tết. Đây là dịp duy nhất trong năm các nơi thờ tự của hai tôn giáo này lập lại tập tục cổ truyền nấu món ăn có từ đời Hùng Vương của dân tộc. Nấu bánh chưng, bánh tét không là thói quen của các đền chùa và nhà thờ. Ở ngoại quốc, lệ này hầu như không thể thiếu được trong mùa tết đối với nhiều cơ sở tôn giáo. Mọi người, nhất là các cụ già, đều nôn nao trông chờ đến ngày hàng trăm cuộn lá chuối được mua về, hàng trăm pounds gạo nếp, đậu xanh, thịt heo được ngâm, ướp.
Bánh chưng ở Mỹ thường gói bằng lá chuối từ Nam Mỹ, Mexico, không thấy lá dong. Các cụ tự nguyện đến lau lá, gói, nấu, làm vệ sinh. Nhiều người không đến đươc đã góp gạo, đậu xanh, thịt, hay tiện hơn cả là gửi tiền cho “ban bánh chưng” tùy ý mua gì thiếu. Tính ra giá thành một chiếc bánh rất thấp.
Các cụ nhân dịp tụ tập thức đêm canh lửa, châm nước, tán gẫu, nhớ lại thời xa xưa. Nhiều cụ không còn tự lái xe được, nhờ con cháu, bạn bè đưa đến. Cùng canh nồi bánh qua đêm, ấm áp trong mùi nếp thơm chín tới , bên cạnh bàn mạt chược, tổ tôm, tài bàn, tứ sắc hàng chục năm nay, “ vắng mặt trong dịp này không chịu đươc”. Bánh chưng cần 8 tiếng đồng hồ , bánh téc 10 tiếng, sau khi nước sôi, để nấu cho “rền”.
Tại hai thành phố St Paul và Minneapolis tiểu bang Minnesota, có ba nhà thờ VN và hai chùa cùng nấu bánh chưng, bánh tét ngày tết. Nhà thờ nấu nhân mặn, nhà chùa nấu nhân chay. Như đã nói, nhận được nhiều thứ free, giá thành một chiếc bánh rất thấp, nhưng bánh được bán ra ngoài đều theo giá thị trường, không vì có nhiều điều kiện thuận lợi như kể trên mà ép giá, hạ giá, phá giá lẫn nhau hay dìm giá bánh bán ngoài chợ. Cạnh tranh nhắm vào khả năng làm đẹp hơn, ngon hơn. Mỗi nơi gói tối đa chừng hai ngàn bánh, tiêu thụ loanh quanh trong giới tín đồ của họ và người bên ngoài đến đặt mua. Đặc biệt, Texas, có nơi nấu đến 15 ngàn bánh. Số bánh gói bao giờ cũng dư ra đủ cho mọi người chung vui bữa tiệc ngày tết cùng giáo xứ, chùa bất kể họ từ đâu đến, tôn giáo nào.
Trong bữa tiệc tân niên, ngoài bánh chưng, bánh tét còn dưa hành, kiệu muối, thịt kho, dưa hấu v..v như bên nhà, (trừ rượu, bia). Phần văn nghệ “cây nhà lá vườn” cũng đong đầy nhắc nhớ đến quê hương. Hầu hết các bà, các cô thướt tha diện áo dài, dù nó làm cho họ không dễ dàng khi phải đi bộ trong tuyết lạnh dưới 0 độ C.
Tiền lời thu được thường chia ra làm ba phần. Một phần gửi đến các cơ quan từ thiện của chính phủ để giúp người nghèo, vô gia cư. Một phần gửi về Việt Nam, qua các tôn giáo liên quan, làm từ thiện và một tỷ lệ nhỏ giữ lại cho chùa hay giáo xứ.
Ít người nghĩ đến hay mong muốn con cái giữ được truyền thống cha ông qua việc nấu bánh chưng, bánh téc ngày tết, nhưng vẫn có một số thanh niên đến góp sức. Tình yêu quê hương và lòng từ thiện khiến những hoạt động như thế này sống mãi hàng chục năm nay.