Việt Nam Thời Báo

VNTB – Báo chí Việt Nam có thật sự là quyền lực thứ 4?

Diệp Chi

 

(VNTB) – Trên thế giới, nhiều người so sánh vai trò của báo chí tựa như quyền lực thứ 4, sánh cùng với các quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp.

 

Trong những năm gần đây, cái quyền lực thứ 4 ấy, một số người còn gọi là quyền lực truyền thông, tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến chiều hướng phát triển của xã hội. Và đó cũng là câu chuyện ở nước ngoài, còn ở Việt Nam, cái gọi là quyền lực thứ 4 hay quyền lực truyền thông ấy phải xem lại!

“Nếu nói báo chí không có quyền lực, theo mình cũng không đúng lắm, bởi trên thực tế, mình thấy có một số phóng viên thái độ rất là hách dịch. Nếu mình nhớ không lầm, đợt mấy năm về trước, Tây Nguyên tổ chức lễ hội về cồng chiêng, mình cũng có tham dự. Bên cạnh các tờ báo khác, mình thấy có sự tham gia ghi hình của các bạn phóng viên bên VTV.

Không biết là do cái mác VTV hay sao mà thái độ các bạn ấy rất khó có thể chấp nhận. Như các phóng viên khác, họ đến sau, thì họ tìm cho mình một góc để ghi hình, không ảnh hưởng đến người khác. Còn VTV thì bất chấp. Dẫu biết phải setup cho phù hợp mọi thứ, tuy nhiên, không thể vì lý do đó mà có cái quyền đuổi người ta đang đứng xem đi chỗ khác”, Ngọc, một phóng viên truyền hình chia sẻ suy nghĩ.

“Mình thì ngược lại với suy nghĩ của bạn Ngọc. Nếu báo chí thật sự là quyền lực thứ 4, ảnh hưởng đến chiều hướng của xã hội thì sẽ không có những vụ việc mà báo chí tích cực lên án như VTV gọi bán hàng rong là ký sinh – ký sinh trùng; vụ ngộ độc pate Minh Chay; vụ sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh diều….

Gần như ngày nào mở báo, mở mạng ra cũng thấy tràn ngập những vấn đề đó. Thế nhưng giải quyết vấn đề thì sao? Ông trưởng đài VTV tới giờ xin lỗi chưa? Sách giáo khoa thì kết cục như thế nào? Thời gian trôi qua, mỗi ngày với hàng loạt những tin tức, cuối cùng rồi cũng thôi. Nói theo kiểu của dân gian, “để lâu phân trâu hóa bùn”. Vậy thì cái gọi là quyền lực thứ 4 ở đâu trong những trường hợp này?”, Minh, một cựu sinh viên trường đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn góp chuyện.

“Tui thì tui thấy thế này. Dầu sao đi chăng nữa, phải công nhận một điều, báo chí là nơi để người dân được nói. Càng nhiều tờ báo, càng nhiều hình thức báo, người dân càng nhiều nơi để chia sẻ, để ‘nhờ’.

Tui nhớ mấy chục năm trước, tờ Đời sống Pháp luật, họ rất sẵn lòng giúp đỡ người dân, nhất là về mảng pháp luật. Tui cũng là người dân được họ giúp đỡ nè, thật sự cũng phải cảm ơn họ nhiều. Sau này, thay thầy đổi chủ, tui cũng không để ý nhiều là còn như xưa hay không”, ông Đức, mưu sinh bằng nghề phụ hồ nhớ lại.

“Có thể nói, ‘ngôn luận’ của báo chí ở Việt Nam tuy không nhiều trọng lượng, nhưng ít nhiều cũng có tác động. Với những vụ đơn giản thì báo chí thật sự ép phê; song với những vụ mang tính chất đụng chạm cao hơn, nói nào ngay cũng hơi khó. Không khéo thì nhẹ nhàng là phạt tiền, đóng cửa tờ báo một thời gian như đợt Tuổi Trẻ, Phụ Nữ từng bị lên bờ xuống ruộng.

Nặng nề hơn, có thể bị tù tội như mấy thành viên của Hội Nhà báo Độc lập hôm rồi. Cho nên với mình, cũng chia sẻ về vấn đề này, trên các tờ báo, còn cái ông gọi là Bộ Thông tin Truyền thông, với vai trò là săm soi đủ thứ coi thử cái nào không phù hợp là phạt. Âm thầm gom một mớ bài viết lại, rồi phạt người ta”, một người dân sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét.

Dẫu chưa hẳn thật sự là quyền lực thứ 4 đi chăng nữa, song thiết nghĩ, với những người dân nghèo, với những người bị áp bức…, trong một phạm vi nào đó có thể lên tiếng, báo chí là tiếng nói bênh vực cho những con người ấy…

Hy vọng một tương lai sáng sủa hơn cho báo chí Việt Nam.


Tin bài liên quan:

VNTB – Có tiếng rao như lời mẹ tôi…

Phan Thanh Hung

VNTB – Ông Thủ tướng ơi, ngó xuống mà coi…

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: Chính phủ muốn khuyến khích người dân đi xe đạp?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo