Hiền Vương
(VNTB) – Với quy định bắt buộc xuất từng hóa đơn cho mỗi lần bơm xăng bán cho khách hàng, con số đầu tư cho trang thiết bị xuất hoá đơn sẽ khoảng 7.000 tỷ đồng.
Người dân nhận hóa đơn mỗi lần đi đổ xăng, thật sự cũng chẳng biết có thể dùng làm chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân hay không?
Để có thể xuất hóa dơn ở mỗi lần bán hàng thì chi phí thay thế cột bơm hiện dao động 135 – 500 triệu đồng, bộ đầu tính đo đếm 40-50 triệu đồng, và thiết bị in khoảng 3 triệu đồng mỗi cột bơm. Chẳng hạn một cây xăng có 3 trụ bơm, khoản tiền phải đầu tư, nâng cấp thiết bị lên tới cả tỷ đồng.
Thông thường, hiện 1m3 xăng dầu bán ra cửa hàng mới xuất một hóa đơn, chi phí 500 đồng. Tới đây khách mua số lượng ít, 10.000 – 15.000 đồng một lần, cây xăng cũng phải xuất hóa đơn, số lượng phát hành mỗi ngày 300 – 400 tờ, thậm chí 700 – 800 tờ vào những dịp có kỳ nghỉ lễ, Tết. Như vậy, riêng chi phí hóa đơn xuất bán “đội” gấp vài trăm lần so với trước.
“Việc xuất hóa đơn điện tử vào cuối ngày như lâu nay là phù hợp, vì vẫn đảm bảo sổ sách kế toán khớp giữa đầu vào, đầu ra và hàng tồn kho, số kiểm kê của cơ quan thuế hàng quý. Xăng dầu là mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, ông Văn Tấn Phụng, Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Nai, ý kiến.
Ông Đặng Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Phương Nam Lâm Đồng cho biết theo quy định từ tháng 7-2019, cột đo xăng dầu phải có thiết bị ghi, in kết quả đo để in và cung cấp kết quả cho khách hàng khi có yêu cầu.
Thực hiện quy định này hầu hết cây xăng đã bỏ tất cả các đầu số điện tử của trụ bơm đang còn sử dụng để gắn đầu số điện tử mới tương thích với việc gắn được máy in. Nay lại phải thực hiện xuất hóa đơn điện tử và phải đầu tư lớn sẽ làm cho doanh nghiệp thêm khốn đốn. Điều này cực kỳ lãng phí vì lại phải bỏ tất cả các đầu số đang còn giá trị sử dụng lâu dài với số tiền đầu tư 130 triệu đồng/ cột bơm xăng.
Nếu buộc phải xuất hóa đơn điện tử đúng quy chuẩn phải có thông tin khách hàng sẽ dẫn đến việc ảnh hưởng thời gian, công việc của khách hàng, ảnh hưởng đến thời gian, công sức và tiền của doanh nghiệp.
“Chi phí xuất hóa đơn điện tử từ 500 – 700 đồng/hóa đơn điện tử. Thống kê sản lượng xăng dầu do Bộ Công Thương công bố năm 2022 thì trung bình 1 cửa hàng mỗi ngày bán được 2.000 lít. Khi chưa áp dụng xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán với mức chiết khấu 800 đồng/lít doanh nghiệp bán lẻ mới chỉ đủ trang trải chi phí kinh doanh.
Nếu chiết khấu 0 đồng doanh nghiệp lỗ 1,6 triệu đồng/ngày thêm lỗ do xuất hóa đơn điện tử là 1,025 triệu đồng/ngày, tổng mức lỗ mỗi ngày là 2,625 triệu đồng/ngày, tính một năm lỗ 918,75 triệu đồng; còn tính 17.000 cửa hàng trên cả nước sẽ có mức lỗ 15,618 tỉ đồng/năm” – chủ một doanh nghiệp xăng dầu tính toán.
Thống kê chưa đầy đủ thì cả nước có khoảng 17.000 cửa hàng xăng dầu, với quy định bắt buộc xuất từng hóa đơn cho mỗi lần bơm xăng bán cho khách hàng, thì con số đầu tư cho trang thiết bị khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong khi đó, hiện hầu hết doanh nghiệp xăng dầu đang bị thua lỗ kiệt quệ kể từ đầu năm 2022.
Theo một chuyên gia tài chính thì chủ trương xuất hóa đơn điện từ bắt buộc theo từng lần bán lẻ được hiểu là nhằm mục đích chống thất thu thuế trong kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, theo cộng đồng bán lẻ, việc kiểm soát thuế thì cần tăng cường kiểm tra ở khâu đầu nguồn xăng dầu, các tổng kho đầu mối để chống thất thu thuế.
“Khi hàng nhập về số lượng lớn, phải lưu kho để phân phối. Số lượng kho không nhiều nên việc quản lý số lượng nhập khẩu và hàng nhập lậu nếu có không khó. Việc quản lý này vừa căn bản và cũng bảo đảm an ninh, quốc phòng” – vị chuyên gia tài chính này có ý kiến vậy.