Ba nhà báo Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã và Nguyễn Phước Trung Bảo bị Công an Cần Thơ bắt và khởi tố ngày 20/4/2021 theo điều 331 Bộ Luật Hình Sự. Đây là 3 thành viên của Báo Sạch, đồng nghiệp của nhà báo Trương Châu Hữu Danh người đã bị bắt hồi tháng 12/2020.
Tối 20/4, Công an TP Cần Thơ cho biết, “Cơ quan An ninh điều tra đang thụ lý điều tra vụ án Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xảy ra tại TP Cần Thơ và một số tỉnh, thành do bị can Trương Châu Hữu Danh và đồng bọn thực hiện.”
Nhà báo Nguyễn Thanh Nhã (SN 1980, cư trú tại căn hộ 3.01 chung cư Flora Anh Đào, phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh); nhà báo Đoàn Kiên Giang (SN 1985, cư trú tại căn hộ 5.04 tầng 6 chung cư 241/1/25C, Phường 11, quận 6, TP Hồ Chí Minh); nhà báo Nguyễn Phước Trung Bảo (SN 1982, cư trú tại 172 Hà Huy Giáp, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng).
Đài VOA đặt câu hỏi liệu “Nhóm Báo sạch bị bắt: Giấc mơ ‘báo chí tự do’ tan vỡ?” khi lần lượt các nhà báo tự do bị bắt với cáo buộc lời” Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” và có khả năng đối mặt với án tù từ 2 đến 7 năm.
Đài Á Châu tự do đưa tin chuỗi bắt bớ các nhà báo trong đầu năm 2021 là nỗ lực bóp nghẹt mọi tiếng nói đối lập, khiến tình hình nhân quyền ở Việt Nam căng thẳng đến nghẹt thở.
Việc khủng bố tiếp tục diễn ra với các nhà báo và blogger có lẽ là điều đã được dự đoán khi ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ngồi lại thêm một nhiệm kỳ. Bên cạnh đó là việc những người dùng mạng xã hội liên tục bị phạt nguội vì những câu trạng thái trên mạng xã hội cùng với các án tù nặng cho thấy Hà Nội sẽ không còn khoan nhượng với bất kỳ ý kiến trái chiều nào.
Theo chỉ số đánh giá tự do báo chí năm 2021 của Tổ chức Phóng viên Không biên giới ( RSF), Việt Nam vẫn ở trong nhóm các quốc gia thù địch với báo chí bên cạnh Trung Quốc và Triều Tiên tại Á châu. Việt Nam đạt 175/180 điểm trong bảng xếp hạng của RSF.
RSF báo động về tình trạng nhà nước sử dụng bạo lực đối với các blogger và nhà báo khiến họ phải chịu các hình thức khủng bố khắc nghiệt. Những nhà báo và blogger bị bắt và kết án theo các điều luật mơ hồ của Bộ Luật Hình Sự mà Đảng thường xuyên sử dụng để biện minh cho việc bắt bớ là “hoạt động nhằm lật đổ chính phủ”, “tuyên truyền chống nhà nước ”và“ lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để đe dọa lợi ích của Nhà nước ”. Tất cả các án an ninh này đều đều phải chịu án tù dài hạn.
Thành tích bắt bớ và tuyên án các nhà báo và blogger được RSF tổng kết bao gồm hơn 30 nhà báo và blogger hiện đang bị giam giữ tại các nhà tù của Việt Nam. Trong đó có 3 thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) đã bị bắt vào năm 2020 và bị tuyên các mức án từ 11 đến 15 năm tù; Phạm Đoan Trang, một nữ nhà báo từng được trao Giải Tự do Báo chí của RSF năm 2019 cũng bị bắt trong năm 2020.
Theo RF, nhà chức trách Việt Nam đã cải tiến các phương pháp trấn áp kỹ thuật số với đội quan tác chiến trên không gian mạng gồm 10.000 người của “Lực lượng 47”, có nhiệm vụ bảo vệ Đảng và nhắm mục tiêu vào các blogger bất đồng chính kiến. Theo luật an ninh mạng có hiệu lực vào năm 2019, các nền tảng trực tuyến nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam trên máy chủ tại Việt Nam và giao nộp cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
[ads_color_box color_background=”#f5eded” color_text=”#444″]
“Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”
[/ads_color_box]