VNTB – Bắt Huy Đức và LS Trần Đình Triển: lại là điều luật 331

VNTB – Bắt Huy Đức và LS Trần Đình Triển: lại là điều luật 331

Nguyễn Nam

(VNTB) – Mức án mà hai đương sự phải đối mặt là khá nặng nề khi có thể phải ngồi tù đến 7 năm tùy thuộc vào “buồn – vui” của chế độ.

Tối ngày 7-6-2024 cổng thông tin điện tử Bộ Công an xác nhận tin bắt giữ Osin Huy Đức và luật sư Trần Đình Triển.

Các cơ quan báo chí nhà nước đã từ nguồn tin chính thống này để biên tập lại với nội dung gần như mang tính ‘đồng phục’ ở tất cả trang báo.

Toàn văn trên cổng thông tin Bộ Công an, như sau:

“Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tống đạt các Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với:

1. Trương Huy San, sinh ngày 20/8/1961, nghề nghiệp: Lao động tự do;

2. Trần Đình Triển, sinh ngày 02/5/1959, nghề nghiệp: Luật sư, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Trương Huy San và Trần Đình Triển đã có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đăng tải các bài viết trên mạng xã hội Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đã phạm vào tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại Khoản 2, Điều 331 Bộ luật hình sự. Bước đầu, 02 bị can đã thành khẩn khai báo, chấp hành các quy định tại nơi giam giữ.

Cơ quan An ninh điều tra đang tiếp tục mở rộng điều tra, giải quyết vụ án theo quy định pháp luật và khuyến cáo người dân không nghe theo, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng”.

Nội dung bản tin có tổng cộng chưa đến 300 từ với phần kết nhấn mạnh đây là thông tin được xác nhận kiểm chứng về độ tin cậy.

Hai đương sự kể trên bị cáo buộc vào chế định ở chương XXII Bộ luật hình sự “Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính”, theo đó nội dung cụ thể của điều luật hình sự 331 là:

“Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

Với cáo buộc trên cho thấy mức án mà hai đương sự phải đối mặt là khá nặng nề khi có thể phải ngồi tù đến 7 năm về một quyền đang có nhiều chế tài tùy thuộc vào “buồn – vui” của chế độ.

Về tố tụng, bàn luận vấn đề này một luật sư thân hữu trang Việt Nam Thời Báo cho rằng theo góc nhìn của nhà chức trách thì điều 331 nghiễm nhiên được xác định là xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính. Tuy nhiên, việc xác định như vậy vẫn chưa hoàn toàn khoa học. Ví dụ, nếu hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích của nhà nước thì xử lý về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” là đúng.

Thế nhưng, xâm phạm đến lợi ích của tổ chức, thậm chí là của cá nhân, mà đưa vào trật tự quản lý hành chính, thì chưa đảm bảo tính logic, tính khoa học. Bởi vì, khi một người xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một người khác mà phổ biến hiện nay là trên mạng xã hội, thì hành vi này không xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính, mà xâm phạm trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm của người bị xúc phạm.

Mặt khác, nếu xác định cá nhân là một trong những đối tượng bị tác động bởi hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm tại điều 331, thì mặc dù cá nhân là người bị xâm phạm quyền lợi, nhưng lại không được xác định là người bị hại, thậm chí họ cũng không cần xuất hiện tham gia phiên toà với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan với địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ cụ thể.

Chiều ngược lại, nếu xác định cá nhân là bị hại thì vẫn vướng, vì khách thể bị xâm phạm tại điều 331 là trật tự quản lý hành chính, xâm phạm đến hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, mà không phải quyền được bảo hộ danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

“Tội phạm này là tội phạm có cấu thành hình thức. Việc xác định cái gọi là “xâm phạm lợi ích” chỉ dừng lại ở mức định tính chứ chưa định lượng. Tức là nếu xem “xâm phạm lợi ích” là hành vi thì tội phạm này không cần thấy dấu hiệu hậu quả cụ thể ra sao, chỉ cần trên thực tế thực hiện hành vi xâm hại đến quyền lợi của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân là đã có thể cấu thành tội phạm, điều đó có nghĩa là việc xác định cấu thành tội phạm này rất “định tính”, dường như nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố: chủ quan có, khách quan có, rõ ràng có, mập mờ có của các cá nhân, cơ quan tiến hành tố tụng” – vị luật sư nhận xét trong tâm thế dè dặt.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)