Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bên thắng cuộc đã đánh mất cái gì?

 TS Phạm Đình Bá

 

(VNTB) – Nền kinh tế Việt Nam thường đóng vai trò là sự mở rộng của chuỗi kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hơn là phát triển năng lực độc lập.

 

Tôi đọc vài lần biên dịch của chị Lê Thị Thanh Loan trên VNTB về phân tích của một chuyên gia Trung Quốc với tựa đề “Chuyên gia Trung Quốc chê kinh tế Việt Nam và VinFast”. [1] Đây là một bài phân tích và phiên dịch công phu.

Bên dưới là những điều tôi học hỏi từ bài viết này về những cơ hội bị đánh mất của “bên thắng cuộc” trong việc phát triển kinh tế bên nhà.

Việt Nam đã đạt được tăng trưởng GDP khá ấn tượng kể từ khi sau năm 1986, nhưng vẫn tụt hậu so với các nước như Hàn Quốc và Đài Loan.

Đài Loan bắt đầu xây dựng nền kinh tế định hướng xuất khẩu vào năm 1958. 38 năm sau, vào năm 1996, Acer, Formosa Plastics, Asus và Uni-President đã nổi tiếng ở châu Á. Chính phủ Park Chung-hee của Hàn Quốc thực hiện kế hoạch 5 năm đầu tiên vào năm 1962. 38 năm sau, vào năm 2000, các công ty như Samsung, LG, Huyndai và Kia đã được nhiều người biết đến.

Sau 38 năm cải cách, Việt Nam tụt hậu so với các nền kinh tế Đông Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan về số lượng công ty có tên tuổi. Việt Nam có rất ít công ty tên tuổi trên thị trường quốc tế, ngay cả ở các nước lân cận.

Cơ cấu kinh tế Việt Nam còn nhiều bất cập. Sau 20 năm cải cách, Trung Quốc đã nâng cấp từ dệt may cấp thấp lên sản phẩm cơ điện có giá trị gia tăng cao, trong khi Việt Nam vẫn dừng ở nguồn tài nguyên và sản phẩm công nghiệp cấp thấp.

Câu chuyện này minh họa cho “tư duy nô lệ” của giới thượng lưu ở Hà Nội. Một nhà kinh tế Trung Quốc đã đến thăm ông Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội, một chuyên gia về kinh tế Việt Nam. 

Nhà kinh tế Trung Quốc hỏi Thành: “Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ nhiều ngành sản xuất, vậy Việt Nam có chính sách công nghiệp riêng không?”

Thành nói dứt khoát: “Chúng tôi không cần chính sách công nghiệp vì chúng tôi có Quảng Châu!”

Nhà kinh tế Trung Quốc sửng sốt: “Ý anh là anh có Quảng Châu?”

Thành trả lời: “Khi cần sản xuất thì cứ đến Quảng Châu mua. Không cần chính sách công nghiệp”.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò chủ đạo trong xuất khẩu của Việt Nam, chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2023.

Trong lĩnh vực công nghệ cao, doanh nghiệp FDI chiếm trên 90% kim ngạch xuất khẩu, để lại rất ít đất cho doanh nghiệp trong nước.

Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc đào tạo các doanh nghiệp địa phương có khả năng cạnh tranh toàn cầu, bất chấp sự hiện diện của các công ty nước ngoài như Samsung.

Cơ cấu kinh tế hiện nay của Việt Nam giống như một trạm trung chuyển sản xuất cho các công ty nước ngoài ở Đông Nam Á, để lại rất ít không gian cho các công ty trong nước, và các công ty Việt càng không thể tham gia cạnh tranh toàn cầu.

Tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong GDP của Việt Nam thấp hơn đáng kể so với các nước Đông Á khác, cản trở quá trình nâng cấp công nghiệp.

Năm 2023, đầu tư cho R&D của Việt Nam chỉ chiếm 0,43% GDP, so với tỷ lệ cao hơn nhiều ở Hàn Quốc (4,91%), Nhật Bản (3,3%), Đài Loan (3,96%) và Trung Quốc (2,43%).

Đây là một trường hợp mà ngay cả chính người Việt cũng phải tiếc nuối: Orion Hanel, từng là liên doanh lớn nhất Việt Nam, thành lập năm 1993 với sự đầu tư chung của các doanh nghiệp nhà nước Hàn Quốc và Việt Nam. Vào thời điểm đó, công ty sản xuất ống hình truyền hình khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau năm 2000, khi toàn bộ ngành công nghiệp đang chuyển dần sang LCD, Orion Hanel không kiên quyết đầu tư mạnh vào việc nghiên cứu và phát triển tấm nền. Cuối cùng, công ty tụt lại phía sau và tuyên bố phá sản vào năm 2009.

Các công ty Việt Nam có ít tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư lớn nước ngoài như Samsung, chủ yếu cung cấp các linh kiện có giá trị thấp như bao bì, linh kiện nhựa.

Nền kinh tế Việt Nam thường đóng vai trò là sự mở rộng của chuỗi kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hơn là phát triển năng lực độc lập.

Hãy lấy Samsung làm ví dụ. Samsung Electronics là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Giá trị sản lượng của nó ở Việt Nam từng chiếm 28% GDP của Việt Nam.

Theo danh sách nhà cung cấp được Samsung Electronics công bố năm 2023, Samsung Electronics có tổng cộng 103 nhà cung cấp cốt lõi trên toàn thế giới, 27 trong số đó có cơ sở sản xuất tại Việt Nam và có thể cung cấp tại địa phương. Tuy nhiên, trong số 27 công ty này có 23 công ty Hàn Quốc, 2 công ty Nhật Bản và 2 công ty Trung Quốc, không có một công ty nội địa Việt Nam nào.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã mang lại lợi ích cho Việt Nam, khiến nước này trở thành điểm đến cho các công ty Trung Quốc tìm cách phá vỡ các rào cản thương mại. Với “ngoại giao tre”, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do để có vị thế thuận lợi trong thương mại toàn cầu, tuy rằng vai trò của Việt Nam phần chính là trạm trung chuyển hàng hóa từ Đông Á sang Mỹ và các nước lớn khác.

Gần đây có nỗ lực phát triển năng lực nghiên cứu địa phương và tạo việc làm có tay nghề cao trong ngành điện tử, nhưng thực tâm cho nỗ lực này vẫn không chắc chắn.

Để cải thiện tình hình, Việt Nam cần có chiến lược phát triển công nghiệp rõ ràng, tăng đầu tư cho R&D, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực, và có chính sách thu hút FDI có chọn lọc hơn để thúc đẩy chuyển giao công nghệ.  

 

________________

Nguồn:

  1.       Lê Thị Thanh Loan. VNTB – Chuyên gia Trung Quốc chê kinh tế Việt Nam và Vinfast. 18.09.2024 Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-chuyen-gia-trung-quoc-che-kinh-te-viet-nam-va-vinfast/.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Cướp ngày là đảng viên

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tăng GDP nhưng lại không giúp cải thiện cuộc sống của người dân

Phan Thanh Hung

VNTB – Vẫn ngóng chờ mùa xuân…

Do Van Tien

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 25.09.2024 7:25 at 07:25

“Bên thắng cuộc đã đánh mất cái gì?”

Theo tớ, cái lớn nhất là chủ nghĩa Mác & tư tưởng Hồ Chí Minh

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo