Việt Nam Thời Báo

VNTB- Bi kịch “báo chí cách mạng”: ‘Theo Đảng, nịnh Đảng muốn chết vậy mà hở một chút là phê bình kiểm điểm!’

Nguyễn Cao (VNTB) – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son: “không có báo tư nhân, không để tư nhân núp bóng”. Nhưng cho đến nay, chưa hề có văn bản nào cấm tư nhân làm báo.

Ai ngồi trên, ai ngồi dưới?

Cứ mỗi lần ai đó bàn đến tự do báo chí, tôi nhớ ngay đến câu chuyện của nhà báo Huỳnh Bá Thành, cố tổng biên tập báo Công an TP.HCM. Có lần báo Công an vấp một sơ xuất gì đó, anh bị thành ủy gọi lên nhắc nhở, khi trở về, anh nói oang oang trong cuộc họp:

– Các anh chị biết tôi đã nói gì với thành ủy không? Tôi nói: Thời chế độ cũ, báo chí Sài Gòn phần lớn là đối lập. Chính bản thân tôi thường vẽ tranh châm biếm ông Thiệu và gọi ông ta là Sáu Thẹo mà họ cứ cười. Bây giờ tất cả các báo đều của Đảng. Nhà báo chúng tôi ai cũng theo Đảng, nịnh Đảng muốn chết vậy mà hở một chút là phê bình kiểm điểm. Các anh thật quá đáng!

“Chế độ cũ”: có nghề và có tiền thì cứ việc ra báo

Luật báo chí của Việt Nam Cộng hòa, còn được biết đến dưới cái tên Luật 019/69, do Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, ông Nguyễn Văn Thiệu ban hành ngày 30/12/1969 tại Sài Gòn. Toàn bộ đạo luật có 8 chương và 69 điều.

Chương 1 “Điều khoản căn bản” chỉ có 2 điều, trong đó khẳng định ngay câu đầu “Quyền tự do báo chí là quyền tự do căn bản trong chính thể Việt Nam Cộng hòa”. Sự giới hạn của quyền tự do báo chí là không được phương hại đến danh dự cá nhân, an ninh quốc gia và thuần phong mỹ tục. Báo chí cũng không thể bị đóng cửa nếu không có quyết định của cơ quan tư pháp. Chế độ kiểm duyệt báo chí không được chấp thuận.

Chương 2 “Xuất bản báo chí”, ghi rằng các thể nhân (cá nhân) hoặc pháp nhân có quốc tịch Việt Nam đều được xuất bản báo mà không cần xin phép, họ chỉ cần làm thủ tục khai báo tại Bộ Thông tin Việt Nam Cộng hòa. Ngoài các giấy tờ tùy thân, chủ báo chỉ cần có văn bằng, giấy tờ chứng minh quá trình làm báo của chủ bút và chủ nhiệm. Đồng thời là lý lịch tư pháp mới nhất của các vị này và người quản lý.

Bộ Thông tin có nghĩa vụ phải lập tức cấp chứng nhận tạm thời khi nhận đủ giấy tờ nộp lên. Sau tối đa một tháng từ lúc cấp giấy này, Bộ Thông tin phải cấp giấy phép chính thức. Nếu không cấp giấy phép chính thức, Bộ phải viện rõ lý do. Trường hợp không có lý do chính đáng, giấy phép tạm thời thành chính thức. Các kiện cáo liên quan có thể được giải quyết ở cấp cao hơn là Tham chánh viện. Chậm nhất ba tháng sau khi đủ hồ sơ hợp lệ, chủ báo phải xuất bản báo. Nếu họ dừng xuất bản hai tháng, sẽ bị coi là đình bản vĩnh viễn. Thêm một điểm đáng chú ý là các ngoại kiều cũng có quyền xuất bản báo. Tuy nhiên, có khó hơn một chút vì họ cần được Tổng trưởng Bộ Thông tin cấp phép sau khi hội ý với Tổng trưởng Bộ Nội vụ.

Năm 1972, tổng thống Thiệu ban hành Sắc luật 007 (lúc đó nhiều người gọi đùa là luật James Bond 007), ký ngày 5-8-1972, buộc tư nhân muốn ra nhật báo, phải ký quỹ 20 triệu đồng, hoặc một nửa số tiền này, đối với báo định kỳ. Tiền ký quỹ được gửi vào ngân hàng, coi như tiền bảo chứng, bị khấu trừ để trả tiền phạt hoặc bồi thường, nếu bị thua kiện trong quá trình làm báo.

Vào thời kỳ này, báo chí Sài Gòn có sắc thái khá đặc biệt, có thể xếp thành ba khuynh hướng: Vài báo như tờ Tiền Tuyến của quân đội, ở thế không thể đối lập với ông Thiệu; tờ Dân Chủ của đảng Dân Chủ, là đảng của ông Thiệu, đương nhiên bênh ông Thiệu. Vài tờ khác như Điện Tín do nhóm dân biểu thân cộng chủ trương, tờ Bình Minh thân với ông Dương Văn Minh, ra mặt đối lập, chống ông Thiệu dữ dội. Vài tờ có khuynh hướng độc lập, như Hòa BìnhChính Luận

“Chế độ mới”: tư nhân chỉ được quyền…bán báo

Từ sau 1975 đến nay, ở Việt Nam “cấm” tư nhân làm báo, chỉ được phép bán báo; và khoảng 30 năm trở lại đây, tư nhân được quyền phát hành báo.

Trở lại câu chuyện của nhà báo Huỳnh Bá Thành. Các nhà báo, các biên tập viên, thậm chí các ông tổng biên tập hay giám đốc nhà xuất bản cũng chỉ là những kẻ biết vâng lời cấp trên. Và theo cách nói của cố tổng biên tập báo công an Huỳnh Bá Thành, thì họ cũng chỉ là những người “suốt đời nịnh Đảng” để giữ cái ghế của mình, giữ nồi cơm của mình mà thôi.

Cũng thông cảm, họ không có chọn lựa nào khác. Hoặc anh làm việc trong ngành báo chí xuất bản thì anh phải cầm cái kéo, cái đục để “cắt xén”, “đục bỏ”, “vứt sọt rác” những gì trái ý “bề trên”, hoặc anh không thích các ngành ấy thì anh nghỉ việc, đi làm chuyện khác.

“Tôi cũng vậy thôi. Khi tôi làm cán bộ biên tập nhà xuất bản Trẻ tôi cũng cắt xén, đục bỏ như ai. Đôi khi nổi máu giang hồ cho lọt lưới vài quyển, như tập thơ của Nguyễn Quốc Chánh và năm ba cuốn gì đó không còn nhớ, thì cũng bị làm kiểm điểm, bị phê bình, làm giải trình gởi ra Cục xuất bản… không dưới một chục lần!”, nhà văn – nhà báo Đào Hiếu, cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ, kể.

Luật báo chí đang được sửa đổi, tuy nhiên cơ bản vẫn theo nguyên tắc “theo lời bề trên”. Nghĩa là ngay cả những vị tổng biên tập có quyền thế kiểu như Huỳnh Bá Thành hay Hữu Ước, thì thực chất cũng chỉ là những kẻ “sai vặt” của cái ông Tổng biên tập khổng lồ mà không cần gọi tên thì ai cũng hiểu…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, cho hay: “Với tinh thần quy hoạch để báo chí phát triển ngày càng chất lượng tốt hơn, trong định hướng của Bộ Chính trị ghi rõ: Quy hoạch phải khẳng định để làm sao cho báo chí tốt hơn, không có báo tư nhân, không để tư nhân núp bóng. Quy hoạch để làm sao không cần nhiều nhưng cần chất lượng, đấy là định hướng. Nội dung quy hoạch như thế nào Chính phủ sẽ ban hành. Khi ban hành chắc chắn sẽ thông tin một cách rộng rãi đến mọi người dân, trước hết là đến cơ quan báo chí…”. Tuy nhiên cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật.

Liên quan vấn đề này, trong một phát biểu hôm 16-6-2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, nhấn mạnh: “Hiến pháp 2013 đã quy định rất rõ là mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Do vậy khi xem xét các luật ban hành mới hoặc sửa đổi các điều luật hiện hành, phải căn cứ trên tinh thần đổi mới của Hiến pháp năm 2013. Không để tình trạng Hiến pháp mở ra còn các bộ luật, các điều luật thì đóng lại”.

Cho đến nay, chưa hề có văn bản nào cấm tư nhân làm báo.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo