VNTB – Biển miền Trung sau hơn 7 năm ‘xả thải Formosa’

VNTB – Biển miền Trung sau hơn 7 năm ‘xả thải Formosa’

Hùng – Sơn

 

(VNTB) – San hô đã bị chết cỡ 90% ở đầu nguồn và cuối nguồn như bãi Cả của Lăng Cô (Huế) cách Formosa chừng 350 km, khoảng 60% san hô cũng bị chết.

Ngày 6-4-2016 trên biển Vũng Áng thuộc Kỳ Anh, Hà Tĩnh lộ ra việc nhà máy thép Formosa xả thải chất độc khiến cho cả vùng nước rộng lớn bị ảnh hưởng.

Những con số thiệt hại ngay từ ban đầu

Một thống kê được công bố sau đó từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng số tàu thuyền khai thác hải sản của bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế là 16.444 chiếc, trong đó có 14.474 tàu có công suất dưới 90 CV và 1.970 tàu có công suất trên 90 CV với khoảng 50.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp và 176.334 người phụ thuộc.

Cụ thể, đối với những người khai thác hải sản ở vùng biển ngoài 20 hải lý có tổng số 1.970 tàu khai thác hải sản xa bờ (có công suất từ 90 CV trở lên) và 15.800 lao động trực tiếp, từ ngày 6-4-2016 chỉ có 50% – 80% tàu tham gia khai thác, tuy nhiên giá bán sản phẩm khai thác bị giảm nghiêm trọng.

Đối với các tàu về khai thác hải sản ở vùng biển trong 20 hải lý, tàu khai thác hải sản lắp máy dưới 90 CV có 9.212 tàu (trong đó tàu lắp máy từ 20 đến dưới 90 CV là 2.249 tàu) bị ảnh hưởng dẫn đến hơn 90% tàu phải nằm bờ và trên 46.060 lao động trực tiếp không có việc làm ổn định và thu nhập thấp; năng suất khai thác rất thấp (bằng khoảng 10% so với trước thời gian xảy ra sự cố môi trường.

Đối với tàu khai thác hải sản không lắp máy có 5.262 tàu bị ảnh hưởng phải nằm bờ do ảnh hưởng của ‘sự cố môi trường’; có trên 13.150 lao động trực tiếp không có việc làm và không có thu nhập. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng hải sản khai thác ở vùng biển trong 20 hải lý bị thiệt hại ước tính khoảng 3.200 tấn/tháng.

Chưa dừng lại ở những tác động đến hoạt động đánh bắt, khai thác thủy, hải sản, hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng suy giảm, trong đó diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 ha, tương đương chín triệu tôm giống và khoảng bảy tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch. Trên 3.000 ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đã thả giống nhưng không thể lấy nước bổ sung do chất lượng nước không an toàn dẫn đến độ mặn trong ao tăng cao, môi trường suy giảm nên tôm chậm lớn, xuất hiện bệnh và có trên 350 ha nuôi tôm bị chết rải rác. Có 3.218 lồng nuôi cá bị chết (khoảng 49.884 m3), tương đương 1.000 tấn cá…

Sự thất bại trong nói – làm của Tổng bí thư

Qua vụ Formosa cho thấy sự thất bại trong sự nghiệp chính trị của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi trên cương vị là lãnh đạo tối cao của đất nước, song cung cách quản trị mà ông đưa ra – nói theo ngôn ngữ Tuyên giáo Đảng thì chưa có sự thống nhất giữa chính sách pháp luật với thực tiễn thực hiện.

Cụ thể, ở giác độ chính sách pháp luật, quan điểm về phát triển bền vững thể hiện xuyên suốt trong Văn kiện Đại hội Đảng VIII, IX, X, XI, XII; Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2004 về tăng cường bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về bảo vệ tài nguyên và môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; Hiến pháp năm 2013; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020; Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 – 2020… Theo đó, khẳng định không đánh đổi phát triển kinh tế lấy môi trường; đề cao việc bảo vệ môi trường, ưu tiên phát triển các ngành kinh tế thân thiện môi trường.

Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện ở Việt Nam cho thấy từ pháp luật đến thực tiễn vẫn còn một khoảng cách khá lớn, rất nhiều ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vẫn được cấp phép đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam, như: Hóa chất, đóng tàu, phân đạm, nhiệt điện, sản xuất gang thép…

Thậm chí như Formosa đầu tư vào lĩnh vực không thân thiện môi trường, nhưng lại được quá nhiều các ưu đãi về thời hạn thuê đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như thuế bảo vệ môi trường…

Tham nhũng quyền lực và sự bất lực của tư pháp

Bàn luận lại câu chuyện pháp lý về Formosa đặt trong bối cảnh ‘lò đốt tham nhũng’, nhóm các luật sư – luật gia của trang Việt Nam Thời Báo có chung nhìn nhận rằng sau hơn bảy năm xảy ra vụ việc ‘Formosa hủy diệt biển’, cho thấy dấu hiệu tham nhũng quyền lực đã không được quan tâm đầy đủ.

Theo luật sư T.T., trong vụ Formosa, các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại không trực tiếp được quyền yêu cầu Formosa phải bồi thường thiệt hại mà “dường như” Bộ Tài nguyên và Môi trường lại thương lượng “cả gói” với Formosa bao gồm cả chi phí bồi thường thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích với tài nguyên môi trường biển và thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp của người dân.

Điều này đặt ra vấn đề về mặt pháp lý là Bộ Tài nguyên và Môi trường có đương nhiên được quyền thay mặt người dân đàm phán yêu cầu Formosa bồi thường cho người dân?

Luật sư N.L.P., cho rằng theo quy định của pháp luật hiện hành thì câu trả lời là không được nếu không có sự ủy quyền hợp pháp từ những cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường. Thế nhưng về phương thức giải quyết tranh chấp môi trường, mặc dù pháp luật quy định khá rõ ràng, nhưng đến nay có thể thấy chưa có vụ yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường nào được giải quyết tại tòa án – kể cả vụ Vedan gây ô nhiễm môi trường nước sông Thị Vải, Tòa án nhân dân huyện Long Thành đã thụ lý vụ án, nhưng chưa xét xử trên thực tiễn mà được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải và sức ép của dư luận xã hội.

Có thể thấy vai trò của cơ quan tư pháp trong giải quyết tranh chấp môi trường rất quan trọng, nhưng thực tiễn lại chưa “xứng tầm”.

Luật gia – nhà báo T.B., kể rằng: Tại cuộc hội thảo giữa tháng 5 năm 2023 ở thành phố Huế, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hải sản đã công bố tình trạng suy giảm độ phủ san hô từ vụ Formosa khu vực biển Bắc Hải Vân: bãi Cả 40%, bãi Chuối 46%, Sụng Rong Câu 45%, Bắc Hòn Chà 28%.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu thông tin rằng, trước đây rạn san hô ở Bắc Hải Vân rất tươi tốt biểu hiện qua cấu trúc rạn gồ ghề, tuy nhiên sau vụ Formosa nó đã suy giảm tới 40%, cấu trúc rạn bị phá hủy. Và tỷ lệ suy thoái đó cũng gần như tương ứng với các vùng biển khác ở Việt Nam.

“Từ Hà Tĩnh vào đến Huế người ta chỉ thấy cá chết nổi trắng trên mặt biển nhưng không mấy ai biết ở dưới đáy san hô đã bị chết cỡ 90% ở đầu nguồn và cuối nguồn như bãi Cả của Lăng Cô (Huế) cách Formosa chừng 350 km, khoảng 60% san hô cũng bị chết. Nhiều rạn san hô đã hoàn toàn biến mất. Khi san hô còn sống tạo thành những rạn rộng bát ngát, tuyệt đẹp nhưng khi chết, sóng đánh tan đi như chưa hề tồn tại, chỉ còn trơ lại một bãi cát trụi dưới đáy biển với lớp bụi huyền phù (bụi lơ lửng, kết hợp với các chất hữu cơ) dày cộm…” – Thạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu kể.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)