Việt Nam Thời Báo

VNTB- ‘Biển’ nổi lên để Formosa chìm xuống?

Mẫn Nhi

(VNTB) – Liệu rằng, có sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong làm lệch hướng chú ý của dư luận về Formosa? Các thủ thuật làm nóng sự kiện thực sự có tồn tại để nhằm che đậy một sự kiện khác đầy chủ ý hơn?

   Ông Đoàn Ngọc Hải đã làm được phần nào vụ “vỉa hè”, nhưng sự nổi lên của ông đang khiến công luận bị pha loãng đối với các cuộc biểu tình của ngư dân miền Trung phản kháng Formosa.


“Biển” hay Formosa

“Biển” (tên của ông Đoàn Ngọc Hải) – Phó Chủ tịch Quận 1 – đang làm nóng dư luận bằng tuyên bố “không ai được đứng trên pháp luật” trong một cuộc chiến lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Các trang tin tức lớn của Việt Nam lập tức trải đều hình ảnh, bài viết, video về ông Hải, thậm chí ông Hải còn làm mạnh tay tay đến mức cho phá sập các bốt canh giữ không phép của Ngân hàng Trung ương Việt Nam (cơ sở phía Nam). Số lượng phản hồi về tin ông Hải lớn hơn so với các thể loại tin khác, thậm chí vượt cả những câu chuyện… showbiz Việt. Không chỉ trên báo chính thống, mà ngay trên mạng facebook – câu chuyện ông Phó quận 1 tiếp tục làm nóng dư luận, báo Vnexpress thức thời và làm ngay một livestream trong buổi vi hành dẹp vỉa hè của ông.

Có người phản đối, nhưng có vẻ xu hướng ủng hộ ông Phó Chủ tịch lại nhiều hơn, một hiện tượng mà nhiều nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam coi là bình thường, bởi bối cảnh xã hội – chính trị bệ rạc bao nhiêu thì một cá nhân lãnh đạo mạnh mẽ được quần chúng nhân dân ủng hộ bấy nhiêu. Câu chuyện về ông Đinh La Thăng làm nóng báo chí trước đó với những tuyên bố mạnh mẽ là khuôn mẫu cho loại hình này.

Vấn đề đặt ra là, sự kiện ông Phó Chủ tịch quận 1 diễn ra trong khi nghi vấn Formosa liên quan đến vấn đề xả chất thải đỏ ra biển – vốn vẫn đang tồn tại dọc biển miền Trung. Ngay tại Đà Nẵng, có hẳn một vùng rộng màu đỏ mà chính quyền lên tiếng đó là “trứng ruốc”.

Chính quyền lên tiếng, Formosa bảo không, nhưng uy tín trong tuyên bố chính thống dường như không còn quá nhiều hiệu lực, bởi nhà nước từng nhiều lần đưa ra những thông tin thiếu minh bạch, không trung thực về hệ quả môi trường do tập đoàn này gây ra. Nhóm Ba Đình gần như tìm mọi cách để phục hồi lại uy tín, câu chuyện video clip về ống xả thải tại Sơn Trà bị một blogger gán cho là Formosa, sau đó được lan truyền rộng gần 1 tuần mới được đính chính là tại vùng cảng Sơn Trà.

Điều này có phải là một chiêu trò của nhà nước trong hạ uy tín thông tin lề trái, và đưa lề phải lên ngôi?

Trong khi vụ “ruốc đỏ” chưa ngã ngủ, thì ông Phó Chủ tịch quận 1 nổi lên, lấn át dư luận? Và điều này có thể được xem là bước thứ hai trong giảm sự chú ý của dư luận đối với sự kiện nóng về Formosa nêu trên?

Một số dư luận đặt ra một giả thuyết, rằng ông Đoàn Ngọc Hải là “chiêu” của ngài Thủ tướng và Tổng Bí thư đưa ra để làm loãng vụ Formosa. Bởi, ông Tổng bí thư đang soi cán bộ đi xe sang, mà cái đồng hồ với điện thoại ông Hải đeo bằng cái xe sang ấy. Trong khi báo chí được khuyến khích chống tham nhũng ở quan chức cấp cao qua giải Búa Liềm Vàng, nhưng khi một nhà báo thắc mắc điện thoại, đồng hồ Hải thì lập tức bị mất chức và tước thẻ.
Loãng dư luận – kỹ thuật phản tuyên truyền?

Báo Economy trong một bài viết về hiện tượng “Xanh đỏ xung khắc nhau qua sự kiện môi trường” đã có một bình luận đáng chú ý, đó là, trong khi Bắc Kinh đang ráo riết di chuyển nhà máy và làm giảm ô nhiễm thủ đô, thì Việt Nam [dù xảy ra sự kiện môi trường mang tính thảm họa], giới quan chức vẫn đang tập trung giành vỉa hè.

Đó là một mâu thuẫn? Không, nếu xét về kỹ thuật phản tuyên truyền bằng cách làm loãng dư luận thì hiện tượng này là hợp lý và mang tính chủ đích. Tức là tạo ra một sự kiện đủ lớn và sử dụng báo giới nhằm làm “nổi bật” tin có lợi cho phe mình. Hiểu nôm na là đưa một sự kiện khác nhỏ đi, hướng toàn bộ sự chú ý của dư luận vào một chủ điểm. Nếu nói theo cách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì “Kỷ luật vài người để cứu muôn người” (hay là thí tốt, hoặc thí sự kiện).

Trước đây, vụ Công Phượng (một cầu thủ của Đội tuyển bóng đá Việt Nam) khai gian tuổi lập tức chiếm các diễn đàn truyền thông, dư luận bị hút vào sự kiện này đến nỗi quên, một sự kiện lớn hơn – ảnh hưởng đến đời sống chính trị Việt Nam là ông Nguyễn Tấn Dũng bị chất vấn tại Quốc Hội và có nguy cơ bãi nhiệm.

Trở lại vụ Formosa, đã từng diễn ra các hiện tượng như, kéo dài thời gian xét nghiệm để làm nguội sự việc. Tháng 4 khi cá bắt đầu chết và dạt ven bờ thì báo chí quốc doanh lại đăng tải “Các hiện tượng cá chết hàng loạt khắp thế giới”, đồng thời tại phía Nam nổi lên vụ án ly kỳ “chủ đất quán Xin chào bị xử lý hình sự vì xây chòi nuôi vịt”. Tiếp sau đó, khi Formosa nổi lên biểu tình (Hàng ngàn người dân Kỳ Anh biểu tình vào ngày 2/10/2016 trước cổng tập đoàn Formosa Hà Tĩnh) thì sự kiện kiểm nghiệm và tuyên bố nước mắm chứa chất gây ung thư của Vinastas ra đời. [*]

Những hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần, và các cá nhân/ sự kiện mang tính “quân xanh” được đẩy lên rất mạnh. Sau đó sử dụng một lực lượng gọi là “dư luận viên”, điều hướng thông tin bằng phản hồi trên mạng xã hội nhằm đánh lạc hướng người dân khỏi luồng tin mà Chính quyền cho là không phù hợp hoặc các tranh luận chính trị nhạy cảm. Cùng với mạng bị “đứt cáp” sẽ khiến cho các sự kiện nóng trở nên nguội lạnh. Đây có phải “thuyết âm mưa” vô căn cứ trước thực tại xã hội đã diễn ra?

Bắc Đẩu trong Táo quân 2017 có một câu nói rất ấn tượng, có thể khái quát kỹ thuật làm loãng dư luận này: “Cái sự việc nó to thì cần phải nói nhỏ. Bởi vì khi mình nói nhỏ thì sự việc nó sẽ nhỏ lại”. Một trong cách “nói nhỏ” đó [như đã đề cập] là làm “to sự kiện” khác lên, một cách đẩy chủ ý.

Trong lịch sử, Joseph Goebbels (Bộ trưởng Bộ Giác ngộ quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã từ 1933 đến 1945) sử dụng khá thành thục kỹ thuật này. Khi là Nghị sĩ Đức, ông đã bị đưa ra tòa về tội phỉ bang mạ lị, nhưng tại tòa, ông tìm cách chửi rủa quan tòa và biện lý, kết quả tòa án phạt ông 200 Marks về tội xúc phạm tòa án, mà quên phần căn bản của xử án. [**]

Người viết bài này không theo đuổi thuyết âm mưu, nhưng nếu một hiện tượng được lặp đi lặp lại nhiều lần thì nó sẽ chuyển hóa thành bản chất. Và vì bản chất, nên thực tế nó đã hiện diện trong xã hội. Loãng dư luận hay kỹ thuật tuyên truyền có lợi là một trong số bản chất đó. 

Trong lúc đấy, dư luận Việt Nam vẫn miệt mài chạy theo sự kiện mới nổi, sự yêu thích “tin mới” đầy chất thức thời, nhưng lại là một bước lùi trong suy ngẫm những vấn đề chính yếu mà dân tộc mắc phải.

——————-

Tham khảo thêm

[*]Hiện tượng trên không khác nhiều với các sự kiện bàn luận về tính chủ đạo của kinh tế nhà nước, sửa Hiến pháp 2013 đầy tính rùm beng có chủ ý. Cũng giống như việc ban hành có Luật vi hiến, sau đó hủy. Hay thậm chí là bàn việc đổi tên nước,… nổi lên khi mà bên báo lề trái bắt đầu thu hút dư luận bằng việc đề cập đến vai trò lãnh đạo của Đảng, Phi chính trị hóa quân đội, tam quyền phân lập.  Kết quả, dư luận đã bị thu hút bởi “đổi tên nước và kinh tế nhà nước chủ đạo”, ngay cả Kiến nghị 72 – bản kiến nghị cảu giới trí thức Việt Nam, phản biện cũng rơi nhiều vào hai yếu tố trên.

[**] Kỹ thuật tuyên truyền, Tủ sách binh thư quân chính, 1969.

Tin bài liên quan:

VNTB – Anh ‘giáo dân’ và sự nhục mạ thương phế binh VNCH

Phan Thanh Hung

VNTB – Sự thương tổn của một Quốc gia: Hàn Quốc và Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam: Tái lập nền văn minh bắt đầu bằng xử lý tệ “đái đường”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.