Thạch Thảo (VNTB) 15,000 ngư dân và “nhà hoạt động” (?) tiến hành biểu tình bên ngoài nhà máy Formosa (Vũng Áng – Hà Tĩnh). Không có thiệt hại về người và tài sản, theo đại diện văn phòng Đài Loan tại Việt Nam.
Dàn CSCĐ mỏng mảnh trước sức dân đổ về. Ảnh: facebook |
Tuy nhiên, những hình ảnh về cuộc biểu tình lại gây ấn tượng mạnh hơn hình ảnh hàng ngàn người tụ tập, không khác gì hình ảnh biểu tình trên đường hoa Nguyễn Huệ (Sài Gòn) trước đó. Thậm chí blogger Thanh Tâm còn đưa hình ảnh người biểu tình đứng trên các conterner ngay cổng Formosa như một hình ảnh tương tự những người đứng trên bức tường Berlin năm 1989.
Một tấm ảnh đi vào lịch sử? Ảnh: facebook |
Nhiều phản hồi từ facebook đã bày tỏ thái độ hứng khởi và đồng tình trước hành động biểu tình này, đồng thời càng ủng hộ hơn nữa khi mà sự tụ tập đó diễn ra trong ôn hòa, và không bị kích động bạo lực như cuộc biểu tình bạo động năm 2014 (sau sự cố HD-981).
Không tử tế vì Đảng không còn kiểm soát được quyền lực?
Cuộc biểu tình lần này bày tỏ sự tức giận của người dân ba tỉnh Quảng Bình – Nghệ An – Hà Tĩnh, nó là bước đi thứ hai sau khi hơn 600 người dân đưa đơn kiện Formosa vào tuần trước, liên quan đến thảm họa môi trường tháng 8 khiến 40.000 ngư dân Việt Nam bị mất hoặc gần như mất việc làm, và 176.000 người dân ở Việt Nam đã bị ảnh hưởng gián tiếp bởi các thảm họa môi trường.
Sự tức giận đó còn được biểu hiện bằng hình ảnh sơn xịt trên thùng conterner, trong đó chỉ đích danh ông Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là nguồn cơn của thảm họa. Nó khiến cho người ta cay đắng nhận ra rằng, sự không tử tế [1] của ông Thủ tướng trong 2 nhiệm kỳ đã khiến cho người dân Hà Tĩnh, Tây Nguyên và cao hơn cả là dân tộc Việt Nam này phải chịu những thảm họa, trong đó có thảm họa Formosa. Và nhiều những sự không tử tế của những người lãnh đạo đã khiến cho Việt Nam ngày một teo tóp về tài nguyên và khủng hoảng về mặt phát triển.
Việt Nam có bị bán rẻ, nhân dân có bị phản bội? Ảnh: facebook |
Trong một biểu ngữ đã nêu ra “Đừng vì Formosa mà phản bội nhân dân” đã lột tả toàn bộ những uất ức của người dân Hà Tĩnh, cũng như 4 tỉnh miền Trung. Đồng thời cũng phản ánh phần nào cũng uất ức của người dân đối với tình hình chính trị – xã hội ngày một bi đát như hiện nay. Bởi, sự “phản bội nhân dân” trong thể chế nhà nước ngày một nhiều, đến nỗi của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng phải thừa nhận là “Có những người bán rẻ Tổ quốc vì quyền lợi cá nhân”, và sự tha hóa – phản bội – bán rẻ này một nhiều sẽ khiến cho chế độ sụp đổ, chứ không phải “thế lực thù địch” nào cả.
Thế nên mới có chuyện, báo Thanh Tra ngày 3-10 đăng tin, gần 2 tháng sau khi UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị tự kiểm điểm liên quan đến sự cố môi trường biển, mặc dù UBND tỉnh, Sở Nội vụ Hà Tĩnh đã nhiều lần thúc giục, chốt thời hạn kiểm điểm, song đến nay, việc tự đưa ra hình thức kiểm điểm của các cơ quan chức năng Hà Tĩnh còn mang tính hình thức, và hiện nay cũng chỉ có ông Đặng Bá Lục, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách; người đứng đầu ngành TN&MT là ông Võ Tá Định lại chỉ xin rút kinh nghiệm.
Lo cho Ba Đình
Sự đùn đẩy và thoái thác trách nhiệm của những nhà lãnh đạo “không tử tế” khiến cho trong sự kiện biểu tình lần này, người dân đã chỉ đích danh những người lãnh đạo “không tử tế”, biểu lộ sự tức giận và đoàn kết chống lại những bất công mang tên “lãnh đạo không tử tế” đó. Vậy nên, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn trong một bài viết súc tích đã tổng kết lại toàn bộ cuộc biểu tình mang tính lịch sử đó bằng tiêu đề: Bỏ Formosa đi, hãy lo cho Ba Đình. Một trong những lý do nhà hoạt động này đưa ra là, “chính quyền đã không cho dân một tương lai, thì họ phải tự đi tìm tương lai cho mình”, và đóng cửa Formosa là một trong những lý do cho tương lai đó. Thế nên, trong một bức ảnh nhìn từ trên cao, cái mỏng manh của dàn CSCĐ bảo vệ Formosa với những người dân đang tiến về, và sau đó dàn CSCĐ buộc thoái lui khi chứng kiến sự giận dữ của người dân đã một lần nữa chứng minh rằng, “sức dân như thác nước”, và vũ trang “Ba Đình” chỉ làm mưa gió nhất thời.
Hàng ngàn người đã tập hợp ôn hòa. Ảnh: facebook |
Cuộc biểu tình vừa qua cũng cho thấy rằng, người dân sẽ sẵn sàng tập hợp lại với tinh thần thống nhất cao nhất, khi và chỉ khi Chính phủ đã không còn làm việc được tốt với người dân hay nói chính xác hơn là “phản bội nhân dân” như trong một biểu ngữ tại cuộc biểu tình.
Nói cách khác, vùng đất cách mạng Hà Tĩnh đã làm đúng theo điều mà người khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam) từng lên tiếng, đó là: “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa”[2].
Tuyên truyền hủ lậu
Phản ứng lại, báo chí nhà nước đã lên tiếng trong đó với giọng điệu “đập tan” âm mưa phản loạn, kích động. Thậm chí báo Hà Tĩnh điện tử còn nhấn mạnh rằng, “lợi dụng sự cố môi trường biển” đã phản ánh về sự kiện nêu trên. Ngoài ra, một bài viết phản ánh về sự kiện biểu tình của người dân trên báo Thanh Niên đã bị rút (?) vì lý do nó phản ánh chứ không phải phê phán. Đây có phải là một phản ứng thích hợp cho sự kiện nêu trên, hay nó biểu lộ sự dung túng hậu “thảm họa môi trường”?
Và nếu thời gian sắp tới, những bài viết mang tên “kích động, diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ, thế lực thù địch” được gán ghép với sự kiện biểu tình lần này, thì rõ ràng, sự phi nhân của quyền lực đã chống lại người dân, đã biến người dân – vốn là người thừa hưởng quyền lực trở thành những người bị tước đạt, ngay cả khi biểu đạt quyền được bày tỏ chính kiến của mình. Và hiểu theo ý của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, thì các bài viết xuất hiện trên VOV, báo Hà Tĩnh hay QĐND, Nhân Dân… sẽ là những bài viết đầy miễn cưỡng “không có cơ sở khoa học, tự trấn an mình” của một nền tuyên truyền hủ lậu.
Tham khảo
[1] “Chúc các đồng chí và chúc tôi luôn, kỳ này nghỉ chính sách ráng giữ gìn sức khỏe, làm công dân tốt, đảng viên tốt, ráng được vào chương trình “sống tử tế”, làm người tử tế”- tâm sự của ông Nguyễn Tấn Dũng sau khi kết thúc phiên họp Chính phủ sáng 26/03.[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, NXB Sự Thật, trang 283.