VNTB – Biểu tình có thể tuyệt đối “bất bạo động”?

Trần Thành
(VNTB) – Một cuộc biểu tình có nửa triệu người tham gia, trong đó có 5 người có hành động bạo lực, còn lại tất cả đều không có hành động bạo lực. Nếu vì hành động bạo lực của 5 người mà xem đây không phải là một cuộc biểu tình thì quá cứng nhắc.

Một khi đã luật hóa quyền biểu tình thì không thể xem những hành động bạo lực đó nằm trong hoạt động của đoàn biểu tình

5 người hay nửa triệu?

Trên thực tế, biểu tình không hẳn chỉ đơn thuần là hành động bất bạo lực. Hầu hết, mọi cuộc biểu tình ban đầu diễn ra một cách ôn hòa nhưng ở giai đoạn cuối thường có kèm theo cả những hành động bạo lực ở những mức độ khác nhau, như xô xát nhỏ, ném chai lọ…

Đơn cử phong trào chống thuế ở Trung kỳ, mà tiêu biểu là ở Huế. “Từ đầu tháng 4-1908 nhân dân Thừa Thiên biểu tình, bọn cầm quyền vội điều binh lính tới ngăn chặn, bọn lính nổ súng bắn chết một người. Đám biểu tình xông lên tước khí giới chúng rồi trói tên Phó Lãnh Binh và bắt Viên Phủ Doãn phải dẫn đầu đoàn biểu tình. Trên đường kéo về Huế, một số nơi đã bố trí sẵn để cắt tóc ngắn và khâu ngắn lại cho những ai còn búi tóc và mặc áo dài” (Đại cương lịch sử Việt Nam, tập III, trang 156 – 157, NXB Giáo dục Việt Nam, Đinh Xuân Lâm chủ biên).
Trong dẫn chứng nói trên, ban đầu đoàn biểu tình không có hành động bạo lực, nhưng khi lợi ích của họ bị xâm phạm, một số hành động bạo lực đã xảy ra, đó là “xông lên tước khí giới, trói tên phó lãnh binh”.
Như vậy, biểu tình được xem là hành động bất bạo lực hoàn toàn thì không ổn. Nếu xét riêng rẽ hành động của từng người và dựa vào định nghĩa của biểu tình, bạo loạn, bạo động thì có thể phân biệt đó là hành động biểu tình hoặc bạo động, bạo loạn một cách rõ ràng. Nếu xét hành động biểu tình trong tổng thể của cả một tập đoàn người thì rất khó.
Ví dụ một cuộc biểu tình có nửa triệu người tham gia, trong đó có 5 người có hành động bạo lực, còn lại tất cả đều không có hành động bạo lực. Trong trường hợp này rõ ràng có bạo lực xảy ra, nếu căn cứ theo định nghĩa “biểu tình là bất bạo động”, thì đây không được gọi là một cuộc biểu tình. Bởi vì, để được gọi là biểu tình thì tất cả mọi người tham gia đều không được có hành động bạo lực. Tuy nhiên nếu vì hành động bạo lực của 5 người mà xem đây không phải là một cuộc biểu tình thì quá cứng nhắc.
Phải tách riêng để xem xét
Trên thực tế, biểu tình còn có cả hành động bạo lực xen vào. Chính yếu tố bạo lực làm cho tình hình khó kiểm soát, dễ dẫn đến tình trạng cuộc biểu tình ôn hòa chuyển hóa thành bạo động, hoặc bạo loạn. Một khi có bạo loạn hoặc bạo động xảy ra thì quyền lợi của cả người biểu tình và những chủ thể mà họ hướng dẫn đều bị ảnh hưởng. Sự chết chóc, xung đột vũ trang, mâu thuẫn nội bộ càng làm cho tình hình thêm phức tạp. Tuy nhiên nếu thừa nhận biểu tình có bạo lực dẫn đến việc nhà nước khó có thể kiểm soát được sự ổn định, để rồi ngăn cản thì chính nhà nước lại vi phạm pháp luật, bởi vì đó là quyền hiến định của người biểu tình.
Như vậy, cần thiết ở đây là xây dựng một văn bản pháp luật về vấn đề biểu tình. Văn bản pháp luật đó không chỉ đáp ứng được những đòi hỏi rất bức thiết của người biểu tình, mà đó còn là công cụ để nhà nước kiểm soát xã hội. Dù thực tế biểu tình có diễn ra như thế nào, nhưng để đảm bảo được lợi ích chung thì pháp luật vẫn phải có sự hạn chế nhất định. Sự hạn chế này không phải vì nhà nước thu hẹp quyền biểu tình của người dân, mà mục đích nhằm bảo vệ sự an toàn của chính người biểu tình cũng như sự ổn định chính trị, tạo điều kiện cho kinh tế xã hội phát triển toàn diện.
Rất nhiều cuộc biểu tình vào giai đoạn cuối xảy ra những hành động bạo lực giữa những người biểu tình với cảnh sát, giữa đoàn biểu tình này với đoàn biểu tình khác. Do vậy biểu tình phải có sự kiểm soát của nhà nước. Một khi đã luật hóa quyền biểu tình thì không thể xem những hành động bạo lực đó nằm trong hoạt động của đoàn biểu tình. Đó là những biến tướng của biểu tình. Nhà chức trách sẽ dựa vào những hành vi cụ thể để xử phạt hành chính, hay truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như thỏa mãn các dấu hiệu theo quy định của pháp luật. Có như vậy nhà nước mới có thể kiểm soát được an ninh trật tự, đấu tranh có hiệu quả với những người có âm mưu lợi dụng biểu tình để gây rối.
Minh họa: một ngàn người biểu tình ở thành phố A tỏ thái độ không đồng tình với chính quyền trong việc chậm trễ xử lý nguồn nước ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ban đầu, đoàn người diễu hành trong trạng thái ôn hòa, nhưng khi đến trụ sở ủy ban nhân dân thành phố A, có 10 người biểu tình tấn công nhân viên bảo vệ, ném gạch đá vào cảnh sát cơ động, đập phá tường rào. Trường hợp này, nhà chức trách sẽ không nhìn nhận hành động bạo lực của 10 người sau khi đến trụ sở ủy ban nhân dân thành phố A là nằm trong hoạt động biểu tình, mà xem xét nó như những hành vi độc lập để xử lý.
Khi tiến hành xây dựng luật biểu tình, lẽ ấy cần đưa ra được khái niệm rõ ràng về biểu tình để khi nhìn vào đó thấy được những đặc trưng riêng có. Từ đó, đưa ra những khái niệm pháp lý khác để phân biệt các hoạt động tương tự với biểu tình. Đó là các khái niệm về bạo loạn, bạo động, nổi loạn, ẩu đả…
CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)