VOA
19.05.2016
Mâu thuẫn tạo ra khác biệt. Mâu thuẫn càng lớn, khác biệt càng nhiều. Mâu thuẫn chuyển thành xung đột, khác biệt biến thành cuộc đối đầu giữa các ý thức hệ.
Việt Nam đã và đang là như thế. Chính trị Việt Nam không chỉ chứng kiến cuộc xung đột quyền lực dữ dội trong nội bộ đảng cầm quyền, mà xã hội Việt Nam cũng đang chứng kiến một sự phân hóa đến cùng cực ngay trong lòng báo chí nhà nước.
Những cuộc biểu tình “cá chết Formosa” vào tháng Năm năm 2016 đã làm lộ ra tất cả.
Lặng lẽ xuống đường
“Khi những người bị bắt rồi tống lên xe bus để chở về sân vận động Hoa Lư (Q.1 – Sài Gòn) nhận được những tràng vỗ tay cổ vũ của đám đông đứng bên đường, họ sẽ hiểu việc làm của mình ít ra không vô ích. Dù cho phải nhận những đòn đánh hung bạo của lực lượng trấn áp nhưng làm sao khác được khi mọi cuộc tập dượt đều phải có sự hy sinh…
Hôm nay nhiều người bị đánh đập, máu và nước mắt của một bà mẹ trẻ cùng con mình đã đổ xuống trong một buổi sáng nóng bức ở Sài Gòn. Nói tôi vô tình cũng được, nhưng điều đó là sự cần thiết để trui rèn một xã hội dân sự thực thụ cho tương lai”.
Nhà báo Trung Bảo đã viết trên trang FB cá nhân của mình như vậy. Những dòng chữ và con chữ máu lửa như thế vẫn còn là hiếm hoi vào thời buổi phần lớn trong số hai chục ngàn nhà báo có thẻ ở Việt Nam vẫn cúi đầu lầm lũi. Thời buổi mà những tờ báo đảng và cả “Đài truyền hình quốc gia” vẫn chưa ra khỏi cơn lên đồng nói lấy được vào giai đoạn cuối.
Nhưng dù gì, năm nay nhà báo đã dám mở miệng nói chuyện chính trị, nếu so với sự im lặng hoàn toàn của họ hồi 5 năm trước.
Báo chí và báo giới nhà nước ở Việt Nam vẫn nổi tiếng là thụ động và vô cảm. Trong khi phong trào dân chủ và xã hội dân sự đã khởi xướng những cuộc biểu tình chống Trung Quốc từ mùa hè năm 2011, trong khi vô số nhiễu nhương và tai ương giáng xuống đầu dân oan đất đai và nạn nhân của ô nhiễm môi trường, tuyệt đại đa số trong hơn 800 tờ báo nhà nước vẫn cúi đầu khép miệng. Chỉ có một ít nhà báo còn bức xúc, còn tâm huyết, nhưng không làm cách nào để chuyển tải được nỗi bất mãn và phản kháng của họ lên mặt báo nên đành buông bút. Đó là câu chuyện từ năm 2015 trở về trước.
Nhưng từ đầu năm 2016, mọi chuyện bắt đầu “diễn biến hòa bình” với tốc độ nhanh hơn hẳn. Khi hàng ngàn người dân Sầm Sơn ở Thanh Hóa xô đổ hàng rào cảnh sát cơ động để đòi chính quyền địa phương trả biển cho họ, khá nhiều tờ báo nhà nước đã sôi sục tham gia vào chiến dịch ủng hộ bà con ngư dân. Nhiều nhà báo bắt đầu thức tỉnh.
Không chỉ thức tỉnh xã hội, báo giới nhà nước còn bắt đầu thức tỉnh chính trị. Làm thế nào để những người độc lập tự ứng cử vào Quốc hội không bị chính quyền, công an, tuyên giáo lẫn báo đảng vùi dập, mạt sát không thương tiếc như những kỳ bầu cử trước? Không chỉ một lần, một số số tờ báo nhà nước đã gián tiếp bày tỏ thái độ từ bênh vực đến ủng hộ những người tự ứng cử. Bày tỏ cho đến lúc họ bị loại hết, loại thẳng cánh trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng Năm này…
Điều đáng ghi nhận của báo chí nhà nước là tuyệt đại đa số đã từ chối chỉ đạo “phản tuyên truyền” đối với phong trào biểu tình của dân chúng. Từ khá nhiều năm qua, ban biên tập nhiều báo lấy lý do là “chuyên ngành” nên đã từ chối đăng tải những tin tức công kích người bất đồng chính kiến và giới đấu tranh nhân quyền.
Đến vụ “cá chết Formosa”, rất nhiều tờ báo nhà nước đã lên tiếng phản đối. Đáng chú ý hơn nữa là một số nhà báo đã lặng lẽ – tất nhiên chỉ mới lặng lẽ – bước xuống đường để hòa chung dòng người biểu tình về môi trường trong hai ngày 1/5 và 8/5. Nhà báo nữ Nguyễn Thế Thanh thường là một khuôn mặt điển hình. Từng là tổng biên tập báo Phụ Nữ TP HCM và phó giám đốc Sở Văn hóa thông tin TP HCM, bà đã xuống đường trong cuộc biểu tình môi trường ngày 1/5 ở Sài Gòn.
Bờ bên kia
Sài Gòn. Nhật ký Sài Gòn ngày 8/5, một tuần sau cuộc biểu tình môi trường đầu tiên. Ngày đẫm máu nhân quyền. Có đến vài ba trăm người biểu tình bị đánh đập ngoài đường phố, bị bắt nhốt, rồi lại bị đánh đập tàn nhẫn trong “trại tập trung”…
Nhưng khi báo chí nhà nước bị Ban Tuyên giáo trung ương cấm đăng tải thông tin về Formosa, đã có một số nhà báo nhà nước bắt đầu can đảm hơn. Không lên mặt báo chính thống thì bày tỏ sự bức xúc và phản kháng của họ trên mạng xã hội.
Nhà báo Khổng Loan viết trên FB cá nhân ngay sau khi cuộc biểu tình ngày 8/5/2016 tại Sài Gòn kết thúc:
“Sự phẫn nộ đang tích tụ dần, chỉ chờ một mồi lửa. Nóng quá. Một hệ thống chính trị lúng túng, bởi vì thiếu sự chính danh nên cũng không có trách nhiệm phải giải trình…
Sắp bầu cử rồi. Bầu ai, ai bầu, bầu họ để làm gì, vì sao phải/cần bầu họ? Phải suy nghĩ kỹ, “cái gì không có ích cho dân thì cương quyết không làm.” Và “trách nhiệm đạo đức của công dân là bất tuân những gì sai trái.”
“Chúc mừng lực lượng tuần hành ôn hoà vì môi trường trong sạch cho thế hệ mình và tương lai đất nước này. Sau mỗi dịp thế này, chứng kiến cách hành xử của giới chức trách, lại có một cơ số người vốn đang phân vân chưa biết đứng ở đâu (đang ngồi bờ rào ngó) đã quyết định nhảy ngay sang bờ bên kia. Đừng đánh giá thấp những người tuần hành vì môi trường, họ có sự chính trực và chính đáng của họ nên sức mạnh của họ và sự ủng hộ dành cho họ sẽ rất lớn”.
Và ‘bờ bên kia’
Sau hai ngày biểu tình vể môi trường 1/5 và 8/5 năm 2016, không còn nghi ngờ gì nữa, việc phản kháng nạn ô nhiễm môi trường đã trở thành trách nhiệm của một phần dân chúng, chưa tính đến rất nhiều người muốn xuống đường chỉ để bày tỏ bức xúc nhưng vẫn chưa đủ can đảm vượt qua chính mình.
Hiện tượng trên đã chứng minh rõ ràng rằng những luận điệu mà giới công an và tuyên giáo đảng đổ vấy cho “lực lượng thù địch”, Việt Tân… chỉ là một cách đối phó quá nhàm chán với đám đông biểu tình. Đây không phải lần đầu tiên, mà đã rất nhiều lần công an Việt Nam “cứ có chuyện gì thì đổ hết cho Việt Tân là xong!”.
Báo chí đảng đã tự biến mình thành “bờ bên kia” trong lòng báo giới. Ngay trong lòng dân.
Lối “phản tuyên truyền” đó vẫn tiếp diễn một cách sống sượng và trơ tráo. Khởi đầu chiến dịch vu cáo người dân biểu tình là Đài truyền hình Việt Nam. Kênh VTV1 của đài này, khi phát tin về hai nhà hoạt động nhân quyền Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn bị công an bắt giữ, đã thẳng tay quy chụp hai người này được “thế lực thù địch” chỉ đạo. Không dừng ở đó, chương trình ANTV của đài này còn chụp mũ “chống đối nhà nước” đối với các trí thức phản biện có bề dày ở Việt Nam như Tiến sĩ Nguyễn Quang A của Diễn đàn Xã hội dân sự, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi của trang Bauxite, Nhà thơ Hoàng Hưng của Ban vận động văn đoàn độc lập Việt Nam.
Đến lượt báo Pháp luật TP HCM. Tờ báo này đã đăng tải một bài viết công kích hai nhà hoạt động nhân quyền Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn, không quên chụp cho họ cái mũ “phản động”. Đến lúc này, nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự ngạc nhiên lẫn thất vọng không giấu giếm trên mạng xã hội: “Báo Pháp luật TP HCM vẫn thường được người dân và trí thức tin cậy nhất định vì đưa thông tin tương đối khách quan và còn có tính phản biện. Nhưng tại sao tờ báo này lại đăng một bài đậm giọng điệu công an đến thế?”.
Có người cũng nhắc lại rằng chất phản biện của báo Pháp luật TP HCMchủ yếu có được dưới thời tổng biên tập cũ là ông Nam Đồng (nay là chủ một quán cơm từ thiện nổi tiếng ở Sài Gòn). Còn tổng biên tập hiện thời – ông Mai Ngọc Phước – lại có quá khứ là một sĩ quan an ninh của Công an TP HCM và sau đó làm nhiệm vụ quản lý báo chí tại Ban Tư tưởng văn hóa thành ủy ở thành phố này.
Tương tự “giọng điệu công an” của báo Pháp luật TP HCM, đã có một ít tờ báo khác như trang Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Công An TP HCM, kể cả VTC News cũng tham gia vào chiến dịch phản biểu tình và “tất cả cứ đổ cho Việt Tân”.
nguyentandung.org là ai?
Một hiện tượng “công an mạng” cũng rất đáng lưu tâm và truy nguyên lànguyentandung.org – một trang mạng chưa bao giờ được xem là chính thống nhưng không hề bị chặn tường lửa, luôn hằn học công kích với cường độ cao đối với giới đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Kể cả với cuộc biểu tình phản đối giàn khoan Hải Dương 981 của hàng chục ngàn người dân Sài Gòn vào giữa năm 2014, nguyentandung.org đã liên tiếp tung ra nhiều bài viết quy chụp tính chất “phản động”, “phản bội” đối với nhiều trí thức và còn đe dọa tống họ vào tù.
Trước và sau các cuộc biểu tình môi trường tháng 5/2016,nguyentandung.org cũng luôn là trang mạng tiên phong về giai điệu “Việt Tân đứng sau biểu tình nhằm giật dây gây rối và phá hoại bầu cử Quốc hội”.
Sự nổi lên bất thường của nguyentandung.org được một số dư luận cho là trang mạng này được hậu thuẫn của một thế lực chính trị nằm trong nội bộ đảng. Trước Đại hội XII, trang này ủng hộ tuyệt đối Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và luôn mang sắc màu công an trong nhiều bản tin nội chính. Nhưng sau Đại hội XII khi ông Dũng “rớt đài”, trang nguyentandung.org có thể được một số nhân vật chính trị nào đó trong nội bộ đảng kín đáo chọn và xây dựng để trở thành trang mạng tiêu biểu về xu hướng “dân chủ” và “cải cách”, tìm cách thu hút những người dân và trí thức ít hiểu về bản chất “ngụy dân chủ” của nó – trong hiện tại và đặc biệt là trong tương lai không xa “khi thời thế thay đổi”, kể cả khi có đa đảng ở Việt Nam.
Sẽ cần nhiều thời gian và chất xám hơn để nhận định vềnguyentandung.org và về tính song song giữa quỹ đạo công an và “nhóm quyền lực ngụy cải cách” phía sau trang mạng này.
Nếu Việt Tân kiện…
Một ngày trước cuộc biểu tình về môi trường 15/5, Công an TP HCM tổ chức “họp báo” với chủ đề “Việt Tân giật dây gây rối và lật đổ chính quyền”. Một số tờ báo nhà nước lập tức đăng tải tin tức nóng sốt này với mục đích làm cho nhiều người dân muốn đi biểu tình phải hoang mang và sợ bị liên lụy với “thế lực phản động nước ngoài”.
Nhưng nếu chú ý, bạn đọc sẽ nhận ra trong các bản tin “nội chính” đó không hề xuất hiện tên họ quan chức nào của Công an TP HCM khi đưa ra những nhận định về Việt Tân. Cũng không có bất kỳ tấm hình nào về “họp báo” để làm bằng cho bản tin trên nếu quả thực có xuất xứ từ Công an TP HCM. Hiện tượng này khác hẳn với tên tuổi và hình ảnh công khai ồn ào của Công an TP HCM trong nhiều cuộc họp báo trước đây, nhất là trong chiến dịch “ra quân trấn áp tội phạm” hồi tháng 3/2016.
Vì sao lại nổi lên sự vắng bóng của quan chức công an khi tổ chức thông tin về Việt Tân? Phải chăng sau trận đàn áp dã man như thể cố ý đối với người biểu tình vào ngày 8/5 và có thể đã bị “trung ương” khiển trách nặng nề về hành vi tấn công và đánh đập hết sức bất thường đối với người biểu tình, không một quan chức nào của Công an TP HCM còn đủ liêm sỉ và lòng can đảm để xuất hiện trước công luận và chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình?
Hãy thử tưởng tượng: nếu Việt Tân kiện những tờ báo nhà nước như Tuổi Trẻ, Vietnamnet… đã đăng bản tin “Việt Tân giật dây…”, ban biên tập những tờ báo này sẽ làm sao để chứng minh được, theo chính Luật báo chí Việt Nam, nguồn tin và tính chính xác của nguồn tin mà họ nhận được là từ Công an TP HCM?
* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.