Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bộ Chính trị là một siêu bộ quyền lực?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Nhìn chung thì quyền lực của Bộ Chính trị gần như là vô hạn dù Pháp luật về hành chính Việt Nam không có một quy định nào về “Bộ Chính trị”.

 

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Quyết định 71 của Bộ Chính trị về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026.

Theo đó, Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026, nhưng không bao gồm biên chế công an, quân đội và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố đến hết năm 2026 là 2.234.720 biên chế.

Trong đó có 336.328 biên chế cán bộ, công chức; 1.680.677 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Trong tổng biên chế viên chức được giao có 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn này.

Ngoài ra còn có 686 biên chế các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; 205.571 cán bộ, công chức cấp xã; 1.358 biên chế công đoàn tạm giao các địa phương. Cụ thể, khối Quốc hội được giao 1.061 biên chế gồm: 787 cán bộ, công chức; 274 viên chức.

Các cơ quan Đảng, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương được giao 6.285 biên chế gồm: 3.335 cán bộ, công chức; 2.950 viên chức.

Các cơ quan Đảng, Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội ở địa phương được giao 64.266 biên chế, trong đó biên chế công đoàn là 1.358 biên chế còn cán bộ, công chức có 55.949 biên chế, viên chức có 6.959 biên chế.

Chính quyền địa phương được giao 1.908.882 biên chế gồm: 140.826 cán bộ, công chức; 1.562.485 viên chức.

Khối Chính phủ có 210.830 biên chế gồm: 102,614 cán bộ, công chức; 107,530 viên chức.

Tòa án nhân dân tối cao có 15.237 biên chế; Viện kiểm sát nhân dân tối cao có 15.860 biên chế; Kiểm toán Nhà nước có 2.109 biên chế; Văn phòng Chủ tịch nước có 90 biên chế. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng quyết định số biên chế dự phòng cho giai đoạn này là 10.100 biên chế gồm 1.700 công chức và 8.400 viên chức.

Hàng loạt thắc mắc đặt ra: Biên chế là gì mà Bộ Chính trị lại ‘quy hoạch’? Pháp luật hành chính của Việt Nam không có “Bộ Chính trị”, vậy bộ này ở đâu ra mà lại có quyền quyết định “về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026”?

Mặc dù biên chế là từ được khá nhiều người dùng cũng như xuất hiện khá nhiều trong các văn bản về cán bộ, công chức, viên chức nhưng tại Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức hay trong các văn bản về tinh giản biên chế… không hề có định nghĩa cụ thể biên chế là gì.

Tương tự, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam, chưa tìm thấy văn bản nào quy định cụ thể về quyền hạn của Bộ Chính trị. Về tuyên truyền, người ta chỉ được biết chung chung là Bộ Chính trị là cơ quan lãnh đạo và kiểm tra việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; quyết định những vấn đề về chủ trương, chính sách, tổ chức, cán bộ; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương; báo cáo công việc đã yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương.

Nhìn chung thì quyền lực của Bộ Chính trị gần như là vô hạn, song những chính sách nhân danh bộ này để ban ra khi gặp trắc trở, hoặc đưa đến sai lầm thì người ta không thấy một cá nhân cụ thể nào trong Bộ Chính trị phải chịu trách nhiệm.

Đơn cử, tại Kết luận số 40-KL/TW, ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu giai đoạn 2022 – 2026 cơ bản không tăng biên chế cán bộ, công chức và thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; chỉ được tăng biên chế cán bộ, công chức khi thành lập tổ chức mới hoặc tổ chức, cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao thêm nhiệm vụ.

Yêu cầu “giảm biên chế” như trên, theo ghi nhận tại phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông và vấn đề dạy học trong bối cảnh Covid-19”, cho biết căn cứ quy định về định mức số giáo viên/ lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành giáo dục thừa 10.178 giáo viên, trong đó thừa 5.175 giáo viên tiểu học, 4.688 giáo viên trung học cơ sở, 315 giáo viên trung học phổ thông, thiếu 94.714 giáo viên, trong đó thiếu 48.718 giáo viên mầm non, 20.210 giáo viên tiểu học, 14.653 giáo viên trung học cơ sở, 11.133 giáo viên trung học phổ thông.

Những người tham gia phiên giải trình đều chung nhìn nhận là giải quyết vấn đề này đang gặp nhiều vướng mắc, như quan điểm của Đảng về yêu cầu tinh giản biên chế (Nghị quyết số 39-NQ/TW, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW, Nghị quyết số 08/NQ-CP, Nghị quyết số 89/NQ-CP, Chỉ thị số 02/CT-TTg), trong khi mong muốn và nhu cầu của ngành giáo dục và các địa phương đều đề xuất theo hướng tăng thêm do bổ sung các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; do học 2 buổi/ngày; do tăng dân số cơ học và di dân ở một số địa phương…

Tuy nhiên sau đó không có một cá nhân cụ thể nào ở Bộ Chính trị phải chịu trách nhiệm cho chuyện đã gây nên các vướng mắc từ việc ban hành những chính sách, quyết sách ấy.


Tin bài liên quan:

VNTB – Con trai bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh làm bí thư Thành ủy Bắc Ninh là không vướng quy định nào?

Phan Thanh Hung

VNTB – Bộ Chính trị lại loay hoay kế sách ‘đối phó’ tham nhũng

Do Van Tien

VNTB – Người dân không được quyền từ chối tiêm vắc xin của Trung Quốc?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.