Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bộ Chính trị lại loay hoay kế sách ‘đối phó’ tham nhũng

Thạch Hãn

 

(VNTB) – Trong thể chế chính trị Việt Nam, “tầng lớp lãnh đạo” buộc phải tuân thủ theo yêu cầu, mệnh lệnh của Đảng, sau đó mới là các điều chỉnh khác của luật pháp.

 

Thiếu động lực của cạnh tranh đảng phái chính trị nên có lẽ không mấy áp lực trong việc soạn thảo những sách lược cho yêu cầu chống tham nhũng ở Việt Nam.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã thay mặt Bộ Chính trị ký quy định 114 về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định này thay thế quy định 205/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Quy định này quy định về 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ, gồm:

1. Dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình.

2. Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ.

3. Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ.

4. Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Quy định này đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định.

5. Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.

6. Khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

7. Xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, xét tuyển, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để đạt mục đích cá nhân.

8. Cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ.

Quy định kể trên nêu 6 hành vi chạy chức, chạy quyền, cụ thể gồm:

1. Trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

2. Tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi.

3. Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.

4. Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

5. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu, đề cử, chỉ định bản thân.

6. Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để đặt ra yêu cầu vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Cách hiểu về “quyền lực – kiểm soát quyền lực”, theo “hướng dẫn” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ở quy định 205/2019, thì, “quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong việc tuyển dụng, bố trí, quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ”.

Còn, “kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ”.

Như vậy với cách diễn giải trên cho thấy rõ là thay vì chỉ cần thực thi theo pháp luật như mọi quốc gia khác, ở đây trong thể chế chính trị Việt Nam, “tầng lớp lãnh đạo” buộc phải tuân thủ theo yêu cầu, mệnh lệnh của Đảng, sau đó mới là các điều chỉnh khác của luật pháp.

Một điểm “đặc biệt” khác nữa chỉ có ở những quốc gia như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, khi xảy ra những vụ án đình đám về tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp, bao gồm cả những Bí thư tỉnh ủy, Bí thư của Bộ, ngành, thì chưa bao giờ thấy ai dám đặt vấn đề trách nhiệm liên đới ra sao của người đứng đầu Đảng, tức Tổng bí thư là người đứng ngoài mọi kiểm soát về quyền lực.


Tin bài liên quan:

VNTB – Người chủ sở hữu – người đại diện, và ông chủ cả

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam sớm nhận ra lỗ hổng của trông chờ Bộ Chính trị?

Phan Thanh Hung

VNTB – Ai sẽ là tân Tổng bí thư?

Do Van Tien

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 23.07.2023 10:44 at 22:44

Khó lém, nhưng hổng khó vì cách núi ngăn sông, mà khó vì lòng người ngại núi, ngại sông

Để chống được tham nhũng, điều tiên quyết là toàn Đảng toàn dân phải học & làm theo chủ nghĩa Mác-Lê & tư tưởng Hồ Chí Minh, và phải đi vào thực chất, chớ hổng có lơ tơ mơ xuất phát từ mù mờ, hoặc tệ hơn, đạo đức giả như hiện nay

Muốn vậy, dân phải ủng hộ, nope, phải sát cánh với 1 bộ phận thiểu số còn trong sạch, còn trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh dạng ô la zin, để quét sạch cái bộ phận chắc chắn hổng thỉa gọi là nhỏ thoái hóa, đạo đức giả trong Đảng ra khỏi hàng ngũ

Chỉ có thía mới có thể chống tham nhũng 1 cách có hiệu quả được thui

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo