Ngọc Lan
(VNTB) – Bộ Công an đã công khai tin tức về việc bộ này đang quản trị hệ thống phần mềm quản lý tăng ni, phật tử của các chùa trên toàn quốc.
Sáng ngày 3-6-2024, tại chùa Đại Thành ở tỉnh Bắc Ninh, Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) thuộc Bộ Công an đã có buổi làm việc với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về hệ thống phần mềm quản lý tăng ni và phật tử. Theo đó hệ thống này sẽ hỗ trợ lực lượng công an trong việc duy trì an ninh và trật tự xã hội, và tham gia vào các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm tại các khu vực cư trú, đồng thời tuyên truyền cho chư vị Phật tử về tuân thủ pháp luật.
Hệ thống này bao gồm ba phân hệ: Ứng dụng di động cho Phật tử, phần mềm quản lý tăng ni và phần mềm quản lý hành chính của Giáo hội Phật giáo. Ứng dụng di động cho Phật tử sẽ cho phép đăng nhập thông qua tài khoản VNeID, đăng ký ghi danh Phật tử, đăng ký quy y tam bảo, xem thông tin hành chính của giáo hội, cũng như xem tin tức, sự kiện và các ngày lễ Phật giáo, cùng với việc nghe giảng pháp.
Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Công an sẽ triển khai tích hợp tính năng “Cúng dường trực tuyến”, sau khi thu thập đủ danh mục các chùa trên toàn quốc, với lý do là “nhằm tạo điều kiện cho Phật tử có thể thực hiện cúng dường trực tuyến tại bất kỳ chùa nào trên toàn quốc”.
Việc triển khai thí điểm các chức năng của phần mềm trước mắt được thực hiện tại Bắc Ninh và Thái Nguyên trước khi triển khai mở rộng trên toàn quốc.
Trước đó một nguồn tin cho biết hệ thống phần mềm quản lý tăng ni, Phật tử đã ra mắt hôm 19-4-2024 tại trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam – chùa Quán Sứ, số 73 phố Quán Sứ, Hà Nội với dàn chức sắc tôn giáo rất hùng hậu: Hòa thượng Thích Thanh Dũng – Phó Pháp chủ – Chánh Thư ký Hội đồng trị sự (HĐTS) Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN); Hòa thượng Thích Thanh Dục – Phó Pháp chủ GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Nhã – Ủy viên Thường trực Hội đồng chứng minh (HĐCM) GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Lương – Ủy viên HĐCM GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Nghị – Ủy viên HĐCM GHPGVN.
Chủ tọa tại buổi ra mắt này có Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch HĐTS – Trưởng Ban Từ thiện Xã hội Trung ương GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch HĐTS – Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương – Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch HĐTS – Trưởng Ban Thông tin truyền thông – Viện trưởng Phân Viện Nghiên cứu Phật học tại Hà Nội;
Hòa thượng Thích Thanh Điện – Phó Chủ tịch HĐTS – Phó ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương GHPGVN; Hòa thượng Thích Quảng Hà – Phó Chủ tịch HĐTS – Phó Trưởng ban Kiểm soát Trung ương GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Nhiếp – Phó Chủ tịch HĐTS – Phó Trưởng ban Tăng sự Trung ương đặc trách GHPGVN tại Lào; Hòa thượng Thích Thọ Lạc – Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN; Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN; Thượng tọa Thích Thanh Tuấn – Phó Văn phòng I Trung ương GHPGVN cùng chư Tôn đức Ban Thường trực HĐTS GHPGVN, chư Tôn đức lãnh đạo các Ban, Viện Trung ương GHPGVN, chư Tôn đức Ban trị sự lãnh đạo Phật giáo các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Việc hình thành “hệ thống phần mềm quản lý tăng ni và phật tử” được cho là căn cứ vào công văn số 125/TTr-HĐTD ngày 31-03-2023 về việc thành lập tổ công tác của Hội đồng Trị sự GHPGVN về Quản lý dữ liệu số Tăng Ni, Phật tử. Hệ thống này gồm: App vnphattu – Ứng dụng định danh và đăng ký quy y tam bảo là nơi cập nhật thông tin các sự kiện Phật sự của GHPGVN; Website Cổng hành chính điện tử – nơi tăng ni nộp và theo dõi hồ sơ; Website Hệ thống quản lý tăng ni, Phật tử – nơi các cấp quản lý thông tin và duyệt hồ sơ tăng ni.
Theo thỏa thuận tại buổi ra mắt này thì Bộ Công an sẽ chịu trách nhiệm đến Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố thực hiện hướng dẫn, cầm tay chỉ việc vận hành hệ thống kể trên.
Như vậy rất có thể hình ảnh đăng tải trên báo chí nhà nước về lấy dấu vân tay của vị hành giả Thích Minh Tuệ hôm 3-6-2024 không phải là trình tự của thủ tục hành chính làm căn cước, vì đây là được giấy tờ được cấp bởi cơ quan công an nơi đương sự thường trú mà thôi.
Tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ là nơi vị hành giả đi qua rồi bị tạm giữ, không phải là nơi thường trú thì không có thẩm quyền lập thủ tục cấp căn cước công dân được. Mà đây là ngoài việc nói như cảnh báo của luật sư Đặng Đình Mạnh “thủ tục ban đầu của cơ quan công an thực hiện đối với các ‘đối tượng’ đang là nghi can vi phạm pháp luật bị tạm giữ, tạm giam tại trụ sở công an”, đó còn là việc phục vụ nhiệm vụ quản lý tăng ni của Bộ Công an.